Nguy cơ đâm va vì phụ thuộc công nghệ của tàu chiến Mỹ

Thứ hai - 28/08/2017 13:37

Nguy cơ đâm va vì phụ thuộc công nghệ của tàu chiến Mỹ

Những hệ thống cảm biến quá hiện đại có thể làm giảm kỹ năng cơ bản của thủy thủ khi đối phó với các tình huống va chạm khẩn cấp.
Tàu chiến Mỹ thủng lỗ lớn ở mạn trái sau va chạm.

Những vụ đâm va liên tiếp gần đây liên quan đến tàu chiến Mỹ trên các vùng biển châu Á khiến dư luận chú ý đến lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới này, khi nhiều chuyên gia cho rằng những hệ thống radar, cảm biến tối tân sẽ chỉ là vô dụng nếu các thủy thủ vận hành không thuần thục kỹ năng hàng hải và chấp hành nghiêm kỷ luật quân sự, theo Today Online.

"Theo dự đoán của tôi, đây là lỗi con người trong khi làm việc, cũng giống như vụ tai nạn trước đó", phó giáo sư Bernard Loo, chuyên gia quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, bình luận về vụ va chạm giữa tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain với tàu dầu gần eo biển Malacca hôm 21/8.

Ông Loo cho rằng sự quá phụ thuộc vào công nghệ, vấn đề đang ngày càng gây lo ngại trong cộng đồng quốc phòng Mỹ gần đây, đã dẫn tới sự suy giảm trong kỹ năng hàng hải cơ bản cũng như các năng lực cần thiết khác cho thủy thủ để vận hành tàu chiến an toàn trên biển.

Ridzwan Rahmat, chuyên gia phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn quốc phòng HIS Markit, cho biết những hệ thống radar tối tân trên tàu chiến "chỉ phát huy hiệu quả ở một mức độ nhất định", đặc biệt là ở các vùng biển nhộn nhịp tàu bè qua lại.

Vụ va chạm giữa tàu John S. McCain với tàu dầu hôm qua là tai nạn thứ tư của Hạm đội Thái Bình Dương chỉ riêng trong năm nay. Hồi tháng một, tàu tuần dương Antietam bị mắc cạn ở vịnh Tokyo, gần cảng nhà Yokosuka, Nhật Bản. Đến tháng 5, một tuần dương hạm khác là Lake Champlain đâm vào tàu cá ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Một tháng sau, 7 thủy thủ thiệt mạng khi tàu khu trục Fitzgerald va chạm với tàu chở hàng ACX Crystal mang cờ Philippines ngoài khơi Nhật Bản. Hai sĩ quan chỉ huy cao nhất trên tàu Fitzgerald đã bị đình chỉ chức vụ, khi kết quả điều tra của Hạm đội 7 cho thấy "sai sót của đội ngũ trực gác và sự lãnh đạo thiếu hợp lý góp phần gây ra va chạm".

Cả 4 vụ va chạm này đều diễn ra với những tàu chiến Mỹ được trang bị các cảm biến phức tạp, đặc biệt là radar trong hệ thống chiến đấu Aegis vốn có thể theo dõi hơn 100 mục tiêu đồng thời ở khoảng cách tới 190 km.

Hệ thống cảm biến hiện đại trên tàu McCain. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Việt Chung.

Tuy nhiên, ông Ridzwan cho rằng những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các thủy thủ điều khiển tàu McCain có thể đã không tuân thủ quy định được đề ra để phân chia làn giao thông đi qua eo biển Malacca. Theo ông, tất cả các phương tiện đường thủy khi tới gần những tuyến giao thông đông đúc thường được quản lý bởi một chế độ có tên gọi Sơ đồ Phân luồng Lưu thông (TSS). "Những phân tích ban đầu của hãng Jane’s cho thấy tàu dầu đã tuân thủ TSS khi va chạm xảy ra", Ridzwan cho biết.

Ridzwan đặt ra giả thuyết rằng các thủy thủ trực đêm trên tàu John S. McCain có thể đã gặp tình trạng mệt mỏi, xao nhãng, không tập trung vào những dữ liệu cảnh báo va chạm mà các hệ thống cảm biến thu thập được nên đã không xử lý kịp thời để tránh tai nạn.

"Liệu có phải các thủy thủ đã quá mệt mỏi, hay các hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực này đang được tiến hành quá nhanh? Có phải họ đang phải đối phó với quá nhiều vấn đề trong khu vực như với Triều Tiên, hoạt động ở Nhật Bản và sau đó là tuần tra trên Biển Đông", chuyên gia này đặt câu hỏi.

Tàu John S. McCaine gặp va chạm khi đang trên đường trở về Singapore sau chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên vùng biển này.

Một sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ nói với NYTimes rằng các ca trực đêm trên những tàu chiến Mỹ như John S. McCain thường do các sĩ quan trẻ, tuổi đời từ 22 đến 24, phụ trách. Họ được hỗ trợ bởi các kỹ thuật viên vận hành radar và đội thủy thủ canh gác ở các vị trí khác nhau trên tàu. Việc tàu John S. McCain bị tàu chở dầu 30.000 tấn đâm trúng chứng tỏ một hoặc nhiều khâu trong chuỗi chỉ huy, vận hành tàu chiến Mỹ gặp vấn đề, sĩ quan này cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thủy thủ đoàn trên tàu chiến Mỹ không nên bị đổ lỗi hoàn toàn cho những vụ va chạm gần đây. "Trong các vụ va chạm như vậy, cả hai bên đều có trách nhiệm, đây là điều thường bị bỏ qua trong những bình luận trước đây liên quan đến tai nạn của tàu USS Fitzgerald", Chang Yun Yan, cựu sĩ quan hải quân Mỹ đang là chuyên gia nghiên cứu tại RSIS, nói.

Theo ông Yan, trong vụ va chạm ngoài khơi Nhật Bản, tàu chiến Fitzgerald bị đâm ở mạn phải, chứng tỏ nó không tuân thủ quy định nhường đường cho phương tiện đến từ bên phải theo quy định hàng hải quốc tế, nhưng tàu hàng ACX Crystal cũng phải có hành động phù hợp để tránh va chạm. Còn tàu John S. McCain bị đâm ở bên trái, chứng tỏ tàu chở dầu đã không chấp hành đúng quy tắc nhường đường này.

Thủy thủ trên tàu John S McCain huấn luyện quan sát trên mặt biển. Ảnh: US Navy.

Ông Bonji Ohara, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Sasakawa, Nhật Bản, cho rằng một vấn đề thường thấy trong lưu thông hàng hải hiện nay là trong khi các tàu chiến đều có đội ngũ trực ca để quan sát, cảnh giới, phần lớn các tàu hàng đều hoạt động theo chế độ tự lái để giảm thiểu chi phí. Hệ thống lái tự động có tên "Iron Mike" này đang ngày càng gây nhiều lo ngại trong giới chuyên gia hàng hải, bởi nó có thể dẫn tới nhiều vấn đề khi tàu đi vào các vùng biển đông đúc.

Các tàu hàng trọng tải cực lớn như tàu chở dầu, tàu container thường không muốn chuyển hướng bất ngờ vì để làm vậy, họ buộc phải tắt chế độ tự lái, điều khiến các hãng tàu tốn thêm thời gian và chi phí nhiên liệu, nhân lực, sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ cho biết.

Randy Forbes, chuyên gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng việc tìm ra ai là thủ phạm gây ra va chạm không quan trọng bằng nỗi lo ngại về vấn đề nguy hiểm hơn nếu hải quân Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột lớn.

"Khi tàu chiến của chúng ta gặp khó khăn đến mức này khi di chuyển trên biển cả, thật đáng lo về những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tham chiến và cách chúng ta hoạt động ở vùng chiến sự", Forbes nói. "Hải quân Mỹ đang rất cần thêm nguồn lực để huấn luyện và bảo dưỡng những thứ cần thiết".

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây