Trong nhiều thập kỷ, hải quân Mỹ được coi như biểu tượng quan trọng nhất của sức mạnh cường quốc này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với các căn cứ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam và một đội tàu chiến đầy vũ khí hiện đại, hải quân Mỹ là lời nhắc nhở rõ rệt về sức mạnh trấn an đồng minh và răn đe đối thủ trong khu vực.
Nhưng danh tiếng đó dường như đang bị tổn hại sau vụ va chạm giữa tàu khu trục tên lửa John S. McCain và một tàu chở dầu gần Singapore khiến 5 thủy thủ Mỹ bị thương, 10 người mất tích. Hình ảnh được công bố trên truyền thông cho thấy tàu chiến Mỹ thủng một lỗ lớn ở mạn trái, nơi thợ lặn phát hiện nhiều thi thể thủy thủ mắc kẹt trong khoang.
Vụ va chạm diễn ra hai tuần sau khi John S. McCain tuần tra tự do hàng hải gần đá Vành Khăn bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Cuộc tuần tra của tàu John S. McCain được coi là hành động thách thức yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và thể hiện uy lực của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
"Hình ảnh có giá trị hơn ngôn từ rất nhiều. Chiếc tàu này từng gây nhiều sự chú ý nên giờ đây, hình ảnh nó bị đâm thủng sẽ có tác động lớn đến danh tiếng của Mỹ", Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia nhận xét.
Các đồng minh châu Á của Mỹ đang đặt câu hỏi về cam kết của họ đối với khu vực, đặc biệt là khi ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Dưới thời Barack Obama, Mỹ theo đuổi chính sách xoay trục châu Á - Thái Bình Dương, tăng hiện diện quân sự và giảm thuế quan.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nhiều lo ngại cho các đồng minh và đối tác trong khu vực, khi tuyên bố bãi bỏ chính sách xoay trục nhưng không đề ra chiến lược mới, đồng thời đặt ra thêm rào cản thương mại và muốn đồng minh phải chi trả nhiều hơn cho những tiền đồn quân sự Mỹ tại nước họ.
Joseph Chinyong Liow, chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói rằng Mỹ đang bị phân tâm vì các rối ren ở Washington. Ông ghi nhận việc hải quân Mỹ tăng cường tuần tra ở Biển Đông sau vài tháng im ắng dưới thời Trump, nhưng cho rằng Washington chưa xây dựng được chiến lược rộng lớn cho khu vực.
Giờ đây, một loạt sự cố của hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương càng gây ra thêm nghi ngờ về hoạt động của họ, đặc biệt là Hạm đội 7, có căn cứ tại Nhật Bản, theo New York Times.
Phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, có thể bị cách chức. Ảnh: Reuters. |
Sự cố diễn ra hai tháng sau khi 7 thủy thủ tàu khu trục tên lửa Fitzgerald thiệt mạng trong vụ va chạm với một tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản. Hồi tháng 5, tàu tuần dương tên lửa Lake Champlain va chạm với một tàu cá Hàn Quốc nhưng không có người bị thương. Ba tháng trước đó, tàu tuần dương Antietam mắc cạn ở vịnh Tokyo, xả hàng nghìn lít dầu thủy lực ra biển, gây quan ngại về ô nhiễm môi trường.
"Các vụ việc này làm gia tăng lo lắng về năng lực của tổ chức thể hiện quyền lực Mỹ dưới thời chính quyền Trump", Richard Javad Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học De La Salle, Manila, nói.
Truyền thông Trung Quốc nhắc đến các vụ va chạm gần đây để đẩy mạnh chỉ trích, mỉa mai về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. "Hải quân Mỹ luôn cho rằng sự hiện diện của họ có thể giúp bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông. Tuy nhiên họ đang ngày càng trở thành trở ngại nguy hiểm đối với tàu thuyền đi lại tại các vùng biển châu Á", bài xã luận trên China Daily có đoạn viết.
"Tại sao những vụ việc như thế xảy ra hết lần này đến lần khác? Thái độ kiêu ngạo, thô lỗ, vô lý và tự cao tự đại của hải quân Mỹ là gốc rễ vấn đề", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết. "Luật quốc tế về tránh va chạm không được tuân thủ, đó là gốc rễ của những tai nạn này".
Tại Nhật Bản, các hãng tin lo lắng về khả năng bảo vệ đồng minh của Washington khi chứng kiến những sự cố thể hiện sự yếu kém trong vận hành của tàu chiến hải quân Mỹ. Yomiuri Shimbun trích dẫn ý kiến của một viên chức hải quân Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về khả năng trinh sát của quân đội Mỹ vào thời điểm căng thẳng với Triều Tiên đang gia tăng.
Tại Hàn Quốc, một số người dùng mạng xã hội nói rằng vụ va chạm gây nghi ngờ về hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tại nước này. Một số khác nói đùa rằng kẻ thù có thể vô hiệu hoá tàu khu trục Mỹ bằng cách triển khai các tàu container.
"Hải quân Mỹ vẫn rất mạnh, nhưng hào quang 'bất khả chiến bại' đã phần nào mờ đi. Uy tín của Mỹ trong khu vực bị giáng một đòn lớn", giáo sư Thayer đánh giá.
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn