Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tối 15/8 tại Tháp Trump, New York. Ảnh: Metro. |
Mỗi lần Tổng thống Mỹ Donald Trump có hành động gây tranh cãi, những người ủng hộ hộ ông thường kêu gọi các cố vấn Nhà Trắng, phóng viên cũng như những nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội "hãy để Trump là Trump", theo Washington Post.
Nhưng sau cuộc họp báo của ông chủ Nhà Trắng tối 15/8, câu hỏi quen thuộc một lần nữa được đặt ra: "Trump nào?". Đó là Trump, người đã đáp lại hời hợt lời kêu gọi từ các thượng nghị sĩ và dân chúng Mỹ yêu cầu ông "gọi đích danh cái ác"? Hay là Trump, người vẫn luôn giữ vững niềm tin rằng ông có thể đứng ở vị trí như hiện tại, tất cả đều nhờ sự bạo gan, dám nói ra những điều người khác không dám?
Thành phố yên bình Charlottesville ở Virginia, Mỹ vừa trải qua một cơn bão tố khi cuộc tuần hành bảo vệ một tượng đài ở trung tâm biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến một phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Tâm điểm của cơn bão là bức tượng đại tướng Robert E. Lee, tư lệnh Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19. Những người muốn bảo vệ tượng đài lập luận đại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn, "thúc đẩy hòa hợp dân tộc khi nhận ra thất bại". Song những người phản đối nói hình ảnh tướng Lee mặc quân phục, cưỡi chiến mã chỉ là dấu vết của một phong trào, tư tưởng coi những người da màu như nô lệ mà tướng Lee từng dẫn dắt, là biểu tượng cho chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" cần phải xóa bỏ khỏi xã hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ đầu tiên từ chối nêu đích danh bên đứng sau cơn hỗn loạn ở Charlottesville. Sau đó, dưới áp lực từ dư luận, ông gọi những người theo thuyết "da trắng thượng đẳng" và chủ nghĩa phát xít mới (Neo-Nazi) đều là "tội phạm và côn đồ". Nhưng cuối cùng, ông lại quay về với lý lẽ ban đầu, đổ lỗi cho "nhiều bên" gây ra khủng hoảng. Cây bút Marc Fisher từ Washington Post đánh giá chuỗi hành động này rõ ràng đã thể hiện rõ nét con người thật sự của Trump.
"Ông ấy không muốn bị bảo phải làm gì. Ông ấy luôn muốn kéo cuộc đối thoại hướng về phía mình. Và ông ấy có khuynh hướng muốn nhảy múa với những người công kích mình", Fisher nhận định.
Không khuất phục áp lực
Bức tượng đại tướng Robert E. Lee ở Charlottesville, Virginia. Ảnh: US News. |
Những cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Mỹ hôm qua đứng ở hậu trường cuộc họp báo tại sảnh Tháp Trump, New York, với vẻ mặt căng thẳng như muốn xông ngay lên bục để kết thúc buổi họp. Trong lúc ấy, Trump thoải mái đưa ra hàng loạt câu hỏi về hậu quả của các cuộc đụng độ giữa những người tuần hành mang quan điểm cực hữu và đám đông phản đối họ tại Charlottesville.
Ông Donald Trump quả quyết những người phân biệt chủng tộc "chắc chắn phải bị lên án" trong vụ hỗn loạn ở thành phố Charlottesville, nhưng đám đông người phản đối "cũng có thành phần gây sự".
Ngôn từ cũng như giọng điệu ở Tổng thống Mỹ khác hoàn toàn so với thông báo chính thức do Nhà Trắng phát đi một ngày trước đó. Hôm 14/8, trong tuyến bố của mình, Trump sử dụng những câu hoàn chỉnh với giọng điệu bình tĩnh, kiềm chế chưa từng thấy ở ông.
"Những kẻ lây lan bạo lực nhân danh niềm tin mù quáng đang tấn công mạnh mẽ vào các giá trị cốt lõi của nước Mỹ", Tổng thống Trump nói. "Trong những thời điểm như thế này, Mỹ luôn thể hiện rõ bản chất tốt đẹp: Đáp lại hận thù bằng tình yêu, đáp lại sự chia rẽ bằng tinh thần đoàn kết và đáp lại bạo lực bằng quyết tâm vững chắc vì công lý".
Một ngày sau, không có kịch bản hay máy nhắc chữ, ông liền quay về với hình ảnh và con người ban đầu, từ chối nói những điều mà các chính trị gia kêu gọi ông thực hiện suốt hai ngày cuối tuần vừa qua.
"Tuyên bố tôi đưa ra hôm 12/8, tuyên bố đầu tiên, là một tuyên bố hoàn toàn ổn", Trump quả quyết. Sau đó, ông tái khẳng định thông điệp đầu tiên mà mình phát đi.
Ngày 12/8, trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ lên án tình cảnh bạo lực ở Charlottesville nhưng không nêu đích danh những nhóm gây ra vụ việc mà đổ lỗi cho "các bên". Hành động này của Trump khiến những người chỉ trích cho rằng ông cố tình "né tránh" và phản ứng còn quá hời hợt.
Đề cập đến bài phát biểu hôm 14/8, Tổng thống Mỹ cho biết "tuyên bố thứ hai chứa đựng rất nhiều thông tin nhưng vẫn có những thứ mà mọi người chưa biết". Ông một lần nữa nhấn mạnh tình trạng bạo lực ở Charlottesville la do "nhiều bên" gây nên. "Xin lỗi, vậy phe cực tả bị kết tội gì", Tổng thống Mỹ đặt câu hỏi. "Họ có tội hay không?".
Trump từng nhiều lần dùng cụm từ "nhiều bên" để né tránh những lời đổ lỗi. Ông muốn định vị bản thân như một nhà lãnh đạo cứng rắn, đang đương đầu với một đám đông chống đối ồn ào, náo loạn và thiếu tập trung. Trong trường hợp này, dù đã thừa nhận các nhóm cực hữu là nguồn cơn dẫn tới tình trạng bạo lực ở Virginia, ông vẫn quay về với lý lẽ điển hình rằng không thể vu cho tất cả những người tuần hành đều là thành phần cánh hữu cực đoan bởi một số người có lý do hợp lý.
"Tôi đã lên án những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới", ông Trump nói. "Tôi đã lên án rất nhiều nhóm khác nhau nhưng không phải tất cả họ đều là người ủng hộ phát xít, tin tôi đi. Không phải ai cũng là người theo thuyết da trắng thượng đẳng... Có những người ở đấy vì họ muốn phản đối việc dỡ bỏ tượng tướng Robert E. Lee".
Nhưng tướng Lee không phải cái tên được nhắc tới khi những người tuần hành đốt đuốc đi qua ký túc xá Đại học Virginia tối 11/8, Fisher cho hay. Đám đông lúc bấy giờ đổ lỗi cho người Do Thái và những nhóm người khác vì sự suy thoái trong xã hội Mỹ.
Cảnh hỗn loạn vì bạo lực ở thành phố Charlottesville hồi cuối tuần trước. Ảnh: CNN. |
Tổng thống Mỹ cho biết ông giờ đây đã có thời gian để quan sát mọi thứ kỹ càng hơn, kỹ hơn tất cả những người khác. Vậy nên, ông khẳng định trong cuộc khủng hoảng ở Virginia, "một bên hành xử tồi tệ nhưng bên còn lại cũng rất bạo lực".
Việc Trump lật lại hoàn toàn những thông điệp mà mình truyền đi chỉ một ngày trước là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy ông vẫn cương quyết không chịu khuất phục trước áp lực, dù chúng đến từ đâu, giới quan sát nhận xét. Bản chất hiếu thắng ở Tổng thống Mỹ tiếp tục được thể hiện qua từng phát ngôn của ông.
Trump hôm qua nói các cuộc đụng độ tại Charlottesville "thực sự tồi tệ". Ông nhấn mạnh rằng hành động của kẻ lao xe vào người đi đường ở Charlottesville đã "xúc phạm tới chính bản thân anh ta, gia đình và đất nước".
Nhưng ngay sau đó, Tổng thống Mỹ lại vận dụng tới thủ thuật quen thuộc, dùng những từ ngữ thông thường, trung tính để gạt bỏ mọi lời đổ lỗi nhằm vào bất kỳ đối tượng cụ thể nào. Ông truyền đi một thông điệp "hòa hoãn" và "khó lòng phản biện", Fisher bình luận.
"Bạn có thể gọi nó là khủng bố", Tổng thống Mỹ khẳng định. "Bạn có thể gọi nó là hành vi giết người. Hay bạn có thể gọi nó là bất cứ thứ gì bạn muốn".
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn