Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không ngừng đe doạ Mỹ. Câu hỏi đặt ra là tổng thống Mỹ có quyền tự quyết trong việc tấn công phủ đầu Triều Tiên hay không.
Trump "hoàn toàn có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thường chống lại Triều Tiên", Bruce G. Blair, chuyên gia an ninh hạt nhân tại Đại học Princeton, nói. "Tôi tin rằng cả hai phương án đều đang được chuẩn bị".
Hiến pháp Mỹ cho quốc hội quyền tuyên chiến, nhưng trong thực tế, họ có ít khả năng ngăn chặn tổng thống Mỹ nếu ông quyết tâm tấn công Triều Tiên, theo CNN.
Đó là vì với tư cách tổng tư lệnh, tổng thống Mỹ có thẩm quyền bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa và trong thực tế, nhánh hành pháp đã sử dụng quyền đó trong một loạt hành động quân sự.
"Hiến pháp cho chính quyền Mỹ quyền hành rất lớn". Roger Zakheim, cựu trợ lý của Ủy ban Vũ trang Hạ viện, nói.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Sullivan nói rằng để tấn công phủ đầu Triều Tiên, chính quyền Trump cần có sự chấp thuận của quốc hội. Nghị sĩ đảng Dân chủ Michigan Dan Kildee cho rằng quốc hội nên cân nhắc việc can thiệp vào vấn đề này, vì ông lo ngại rủi ro từ sự thất thường của Trump trong chính sách ngoại giao.
Trong khi đó, Nhà Trắng có cái nhìn khác về vai trò của quốc hội. Chính quyền Trump đã không xin phê chuẩn của quốc hội khi họ không kích căn cứ Syria hồi tháng 4. Phát ngôn viên Nhà Trắng khi đó là Sean Spicer được hỏi liệu Tổng thống có định xin ý kiến quốc hội hay sẽ tự ra quyết định về vấn đề Triều Tiên.
Spicer trả lời rằng quốc hội sẽ được thông báo, nhưng nhấn mạnh rằng Tổng thống sẽ "sử dụng quyền lực theo Điều II của Hiến pháp" - điều quy định về quyền lực của nhánh hành pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng có thể bất đồng trong cách xác định đâu là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Steve Vladeck, nhà phân tích pháp lý của CNN nói rằng hiến pháp Mỹ phân biệt rõ ràng hành động tấn công quân sự đòi hỏi sự chấp thuận của quốc hội còn hành động phòng thủ quân sự thì không. Tuy nhiên, ranh giới giữa phòng thủ và tấn công rất khó xác định.
Quốc hội đã thông qua một số hạn chế sức mạnh quân sự của tổng thống Mỹ. Đạo luật về Chiến tranh năm 1973 yêu cầu tổng thống Mỹ phải xin phê chuẩn của quốc hội cho bất kỳ cuộc chiến nào kéo dài hơn 60 ngày. Tuy nhiên, 60 ngày có thể là đã quá đủ để xảy ra những diễn biến nghiêm trọng trên thực địa.
Marty Lederman, giáo sư tại Trường Luật Georgetown, lập luận rằng tổng thống cần phải xin ý kiến quốc hội trước khi tấn công Triều Tiên, trừ phi có một mối đe dọa thật sự sắp xảy ra, vì hành động quân sự của Mỹ có thể gây ra xung đột lớn.
CNN cho rằng quốc hội Mỹ có thể có thể làm một số điều để cố gắng cản bước Trump như thông qua lệnh cấm cung cấp tiền cho cuộc tấn công.
Hai nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Lieu Massachusetts và Ed Markey hồi tháng một trình dự luật nhằm hạn chế khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Trump. Họ muốn Trump không thể phát động tấn công hạt nhân khi quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh. Dự luật này chưa được thông qua.
Quốc hội cũng có thể thông qua một lệnh cấm hoàn toàn việc tổng thống tự ra quyết định, nhưng chắc chắn nó sẽ bị tổng thống phủ quyết. Các nhà phân tích cũng nhận xét rằng việc đạt được đa số trong quốc hội về vấn đề này rất khó khăn.
"Tôi cho rằng trong lịch sử, chưa khi nào quốc hội có động thái ngăn cản tổng thống thực hiện hành động quân sự trước khi ông ấy muốn làm việc đó. Làm vậy sẽ là chưa từng có tiền lệ", Jennifer Daskal, cựu quan chức Bộ Tư pháp và giáo sư tại Đại học Luật Mỹ, Washington, nói.
Nhưng dù Tổng thống Mỹ Trump và Triều Tiên có những tuyên bố cứng rắn, giới quan sát cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng hoặc ngược lại.
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn