4 năm rồi tôi sống cảnh "gà trống" nuôi con trai tự kỷ nặng

Thứ tư - 29/03/2017 11:05

4 năm rồi tôi sống cảnh "gà trống" nuôi con trai tự kỷ nặng

Những lúc bản thân đau bệnh mà vẫn phải lo cho cháu từ A-Z tôi thấy thật là mệt mỏi và đuối sức, ước ao có ai đó giữ hộ cháu một lát để nghỉ ngơi thong thả mà không được.

Tôi có 2 con, một trai một gái, ly dị vợ cách đây 4 năm, giờ sống với con trai 14 tuổi sau ly hôn, con gái 7 tuổi sống với mẹ và đã chuyển tới một thành phố khác khá xa. Mọi việc kể ra cũng khá bình thường nếu như tất cả đều bình thường, điều bất thường ở đây là con trai tôi bị tự kỷ loại nặng, hầu như các triệu chứng của bệnh đều có ở con mình. Cháu không nói được tiếng nào, ngôn ngữ cháu phát ra được là những tiếng ú ớ chứ không có nghĩa gì cả. Cháu không có biểu hiện mừng vui hay buồn bã đúng lúc, cũng không thể tự lo cho bản thân được dù việc đó là một điều rất đơn giản. Cháu không thể tự đi vệ sinh cá nhân, tắm rửa, ăn uống, mọi việc từ lớn tới nhỏ cháu đều cần phải được giúp đỡ. Tôi "gà trống nuôi con" như thế phải nói là quá đuối.

Hàng ngày tôi còn phải đi làm để duy trì cuộc sống, vừa lo cho con đi học, đưa rước con, cơm nước, quần áo, tắm rửa, vệ sinh... Rồi những lúc con đau bệnh, nhăn nhó khó chịu. Cháu rất dễ bực bội, bất cứ điều gì không vừa ý hay một mệnh lệnh trái ý cháu là cháu phát bực, có khi còn phát bực vô cớ. Mỗi lần bực bội như thế cháu thường có biểu hiện giận dữ, khóc lóc, cào tay cào chân chảy cả máu, lại còn tự tát đến xưng cả mặt lên. Đó là những biểu hiện cháu có từ nhỏ, đến bây giờ vẫn còn mỗi khi bực bội. Một ngày của hai cha con bắt đầu từ 6h40 sáng, tôi dậy chuẩn bị sữa, thuốc men, quần áo rồi kêu con dậy, giúp cháu đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, uống thuốc, mặc quần áo, uống sữa, ăn nhẹ cái bánh hay món gì đó. Đến 7h tôi chở cháu đến trường, đi về cũng khoảng 40 phút.

Về đến nhà, lo cơm nước và chuẩn bị đi làm lúc 9h. Làm đến khoảng 3h chiều tôi đi đón con. Đón cháu về, cho cháu ăn nhẹ món gì đó lót dạ, uống nước trái cây để tránh táo bón, cho cháu chơi một vài món đồ chơi gì đó (thường chơi xếp hình). Có khi vì nhu cầu công việc, tôi phải chở con tới chỗ làm, để cháu tự ngồi chơi và mình lao vào công việc. Tới chiều, thường là 15h30 đến 18h30 tuỳ theo nhu cầu công việc tôi lại chở cháu về nhà, cho đi vệ sinh, tắm rửa rồi cho cháu ngồi xem tivi mặc dù cháu chẳng bao giờ xem và hiểu. Rồi tôi bắt tay vào lo cơm chiều, tắm rửa và cho cháu ăn. Cháu ăn xong uống thuốc, uống nước rồi tôi mới được ăn. Hai cha con ăn xong cũng tầm 20h, tôi lại giúp cháu đánh răng, rửa mặt, thay đồ đi ngủ.

Nhưng cháu chưa ngủ liền, giấc ngủ đến với cháu cũng khó khăn. Thường thì cho cháu lên giường tắt đèn, tôi hay mở nhạc nho nhỏ cho cháu nghe. Có khi đánh đàn một vài ca khúc nhẹ nhàng nào đó, cho đến khi cháu ngủ say cũng tầm 22h. Lúc này tôi mới thật sự có tí thời gian thư thả, có khi nhâm nhi ly rượu đỏ, có lúc uống tách trà và làm vài việc giấy tờ cần thiết hoặc đọc một vài trang báo. Đó là một ngày của hai cha con, ngày mai lại tiếp tục một vòng như thế, tiếp diễn ngày này qua ngày nọ. Đó là những lúc bình thường, còn khi cháu nổi cơn bực bội giận dữ thì la khóc, cào mặt, đập vào mặt. Thật khó khăn! Đôi lúc cháu tự chơi một mình và đại tiện tại chỗ và không ý thức được nên lại chơi với cả chất thải, hoặc những lúc tôi cảm thấy không khoẻ hoặc đau bệnh mà phải lo cho cháu từ A-Z, lúc đó tôi thật là mệt mỏi và đuối sức, ước ao có ai đó giữ dùm cháu một lát để nghỉ ngơi thong thả mà cũng không có được.

Nhiều lúc tôi cũng thèm có một vòng tay hoặc lời an ủi động viên từ một người khác phái, bản thân cũng muốn đi thêm bước nữa nhưng những người từng tiếp xúc biết hoàn cảnh mình vậy họ cũng tế nhị lảng đi hoặc né tránh. Tôi viết tâm sự này mong được mọi người chia sẻ, đồng cảm. Những người cha người mẹ nào đơn thân, nhất là lại có con bị bệnh giống con tôi, hãy chia sẻ cùng tôi để cuộc sống bớt khó khăn, vất vả hơn.

Thìn

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây