Năm 1968, Barbara Jane Mackle đang là sinh viên Đại học Emory, nằm ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Bố của cô, ông Robert Mackle khi ấy là một triệu phú và đồng sở hữu của công ty lớn Deltona Corporation. Không lâu trước kỳ nghỉ giáng sinh, trong đợt thi cuối kỳ, dịch cúm Hong Kong bùng phát tại trường Emory và Barbara mắc phải căn bệnh này.
Mẹ cô, bà Jane đã lái xe từ Florida đến Atlanta để chăm sóc con gái. Bệnh xá của trường đã kín chỗ nên bà Jane thuê một phòng tại Rodeway Inn ở Decatur, gần trường và đưa con gái tới. Nếu Barbara khá hơn, hai mẹ con bà sẽ về nhà đón giáng sinh. Họ không biết gì về nỗi kinh hoàng sắp xảy ra.
Khoảng 3h sáng ngày 17/12/1968, có ai đó gõ cửa phòng nghỉ của 2 mẹ con Barbara. Họ ra mở cửa thì thấy có 2 người tự nhận là cảnh sát. Một người là Gary Stephen Krist, có vẻ ngoài sáng sủa. Sinh ra tại Alaska vào năm 1945, gã đàn ông này phạm tội từ năm 14 tuổi. Tại thời điểm đó, Gary là một tù nhân bỏ trốn. Đi cùng hắn là Ruth Eisemann-Schier, một phụ nữ mặc đồ giả trai. Hai người thông báo cho mẹ con Barbara về vụ tai nạn giao thông liên quan đến chiếc Ford màu trắng. Đây là phương tiện mà bạn trai Barbara, Stewart Hunt Woodward sử dụng.
Ngay sau khi bà Jane mở cửa, cả 2 tiến vào phòng và vung vũ khí ra. Người mẹ bị chúng dùng thuốc gây mê tấn công. Barbara sau đó bị kéo lên chiếc Volvo đang chờ sẵn bên ngoài. Trong quá trình lái xe, 2 kẻ bắt cóc định dùng thuốc gây mê cho Barbara nhưng cô hứa sẽ tuân theo mọi mệnh lệnh nên được tha.
Hai người đàn ông đưa Barbara tới một vùng nông thôn ở ngoại ô Gwinnett County. Cuối cùng chúng vẫn tẩm thuốc gây mê và để vị tiểu thư này vào một quan tài đặc biệt được đặt sẵn trong cái hố đào sẵn. Chiếc quan tài gỗ được lót bằng vải sợi thủy tinh, bên trong có chứa một ngọn đèn, chút thức ăn, chăn, áo len, quạt, máy bơm (phòng trường hợp nước tràn vào) và nước uống đã được tẩm thuốc an thần. Ngoài ra, còn có 2 vòi thông ra bên ngoài để hút gió. Những kẻ bắt cóc đã chụp ảnh Barbara nằm trong quan tài, cầm tấm biển "bị bắt cóc". Sau này, Barbara Mackle nói về bức ảnh: "Tôi chỉ cần mỉm cười vì nghĩ nếu bố nhìn thấy, tôi không muốn ông ấy nghĩ họ đã làm tổn thương tôi".
Khi bà Jane tỉnh dậy, tay và chân bị trói chặt, miệng cũng bị dán băng keo. Bà nhảy ra khỏi phòng, tới bãi đậu xe và lúc này các nhân viên khách sạn mới phát hiện ra. Họ đưa bà đi gọi điện báo cảnh sát.
Ông Robert sau khi nhận được tin đã ngay lập tức bay đến Atlanta và để những thành viên gia đình, nhân viên chủ chốt ở nhà để chờ tin từ bọn bắt cóc. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon có quan hệ với gia đình Mackle nên đã yêu cầu Giám đốc FBI J. Edgar Hoover đích thân chỉ đạo cuộc điều tra.
Những kẻ bắt cóc sau đó đã chờ ông Robert quay về nhà rồi mới gọi điện để đưa ra yêu cầu. Chúng đòi 500.000 USD (gần 11,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) nhưng tất cả phải là tờ 20 USD (gần 460 nghìn đồng). Người gọi điện khuyên gia đình nếu đồng ý với yêu sách của chúng thì hãy đăng quảng cáo trên tờ báo địa phương.
Gia đình đã đặt quảng cáo và việc giao tiền chuộc được thu xếp. Tuy nhiên, lần trao đổi đầu tiên thất bại sau khi có người hàng xóm gần đấy nhận thấy hoạt động đáng ngờ vào lúc sáng sớm và gọi cảnh sát. Những kẻ bắt cóc khi chạy trốn cảnh sát đã làm rơi tiền. Khám xét khu vực, cảnh sát xác định được chiếc Volvo mà chúng từng sử dụng khi bắt Barbara. Trong xe, họ còn tìm được ảnh của nạn nhân, giấy tờ xe đăng ký tên George Deacon, ID và ảnh của Gary cũng như Ruth. Sau đó, nhà chức trách sớm xác định George Deacon là bí danh của Gary.
Gia đình lo ngại rằng những kẻ bắt cóc sẽ sợ hãi, vì vậy họ đã chạy quảng cáo trên báo nói rằng mọi chuyện không hề liên quan đến mình. Những kẻ bắt cóc bắt đầu đối thoại thông qua các linh mục địa phương rồi gọi điện cho gia đình. Cảnh sát đã sắp xếp một vụ chuộc con tin khác. Điều này diễn ra theo đúng kế hoạch. Những kẻ bắt cóc hứa sẽ tiết lộ vị trí của Barbara sau khi lấy được tiền. Vào thời điểm lấy được tiền, FBI đã xác định được danh tính của chúng.
Đến ngày 20/12/1986, Gary gọi điện đến trụ sở FBI và tiết lộ địa điểm giấu Barbara. Cô bị chôn gần hồ Berkeley, một thị trấn nhỏ cách Atlanta khoảng 40 km về phía đông bắc. FBI đã thiết lập một trung tâm chỉ huy ở gần đó và tung các đặc vụ đi tìm kiếm Barbara. Cuối cùng, họ cũng xác định được vị trí chôn nạn nhân, điên cuồng đào bới và nhanh chóng giải cứu cô ra khỏi chiếc quan tài.
Barbara bị mất nước, giảm 4,5 kg nhưng vẫn còn sống sau hơn 3 ngày bị chôn vùi. Đích thân giám đốc FBI đã gọi điện thông báo cuộc giải cứu cho phụ huynh của cô. Sau khi Barbara trở về, đích thân Tổng thống Nixon đã đến thăm gia đình vào ngày 24/12/1968.
Gary Stephen Krist khi ấy bỏ trốn đến Nam Florida. Anh ta quyết định thoát khỏi khu vực này bằng đường thủy. Thông tin về vụ bắt cóc được đăng tải chi tiết trên các phương tiện truyền thông, vì vậy khi Gary mua một chiếc thuyền và thanh toán bằng những tờ 20 USD, chủ bán thuyền đã nảy sinh nghi ngờ và báo nhà chức trách. Lệnh truy nã Gary và đồng phạm Ruth được phát ra.
Gary đã dùng chiếc thuyền mới đi qua một số âu thuyền và hướng về phía tây để đến vịnh Mexico. Qua các điểm chốt, hắn đều nói giấy tờ của mình bị mất. Tuy nhiên, ở chốt cuối Gary bị nhà chức trách nghi ngờ nên quyết định bỏ thuyền để đi bộ.
Khoảng 200 đặc vụ được huy động để tìm kiếm kẻ bắt cóc, khoảng 12h sau thì Gary bị bắt. Phần lớn số tiền chuộc bị bỏ lại trong chiếc thuyền của anh ta. Trong quá trình truy bắt Gary, một nhân viên động vật hoang dã của tiểu bang khi tham gia chiến dịch đã thiệt mạng do gặp tai nạn xe trên đường đi.
Trong phiên tòa xét xử, Gary bị kết án chung thân. Khi ngồi tù, Gary kết nối với một số người nổi tiếng, trong đó có người đứng đầu hội đồng ân xá của bang. Nhờ vậy, sau khi thụ án 10 năm, Gary được ân xá. Khi ra tù, Gary học trường y rồi làm nghề nhưng bị tước giấy phép không lâu sau đó. Năm 2006, anh ta bị kết tội tàng trữ cocaine và bị kết án 5 năm, 5 tháng tù giam.
Trong khi đó, Ruth Eisemann-Schier là người phụ nữ đầu tiên lọt top danh sách 10 phụ nữ bị FBI truy nã gắt gao nhất. Cô ta bị bắt 79 ngày sau đó tại Norman, Oklahoma. Người này bị kết án và trục xuất về Honduras sau khi được ân xá.
Về phía Barbara Mackle, sau này cô và Stewart Woodward đã kết hôn và sống ở Nam Florida. Theo lời khuyên của Tổng thống Nixon, Barbara đã viết một cuốn sách về trải nghiệm có tên "83 Hours til Dawn". Sau đó, nó được dựng thành 2 bộ phim truyền hình khác nhau.
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ai-nu-trieu-phu-bi-chon-song-trong-83-gio-va-chiec...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn