Có niềm đam mê với trồng phong lan, đặc biệt là lan phi điệp, với hơn 4 năm theo đuổi nghề trồng lan, anh Đinh Ngọc Chung đã tích lũy cho mình được nhiều phương pháp chăm hoa lan phi điệp đẹp và khoẻ mạnh.
Chân dung nghệ nhân Đinh Ngọc Chung
Theo anh Chung, hoa lan phi điệp khá dễ trồng. Hoa phong lan với đặc trưng là sống cộng sinh ở các vùng núi, nhiều cây cối, trải mưa gió nắng của thiên nhiên, những gốc lan vẫn vững vàng vươn lên khoe sắc thắm. Nếu chăm sóc đúng cách, thậm chí những gốc lan đã có dấu hiệu héo úa vẫn có thể hồi phục và đâm chồi non mới để sinh sôi phát triển. Hoa lan phi điệp là loại thân thòng, rễ chùm, ưa ẩm không chịu được ướt, chịu được nắng mạnh và ưa gió.
Anh Đinh Ngọc Chung cũng chỉ ra thời điểm trồng hoa lan phi điệp tốt nhất là khi cây đã đứng ngọn, thường là sẽ vào cuối mùa đông hoặc bước sang đầu xuân, lúc này, lan phi điệp có những dấu hiệu xuống lá và mầm gốc bắt đầu sưng lên là đủ tiêu chuẩn để trồng. Ưu điểm khi trồng đúng vào thời điểm này giúp những cây lan phi điệp phát triển tốt, giúp kích thích mầm con phát triển nguyên trong một chu kỳ sinh trưởng vào năm sau, phát triển mầm và gốc vươn dài hơn. Những thân lan phi điệp đẹp có thể dài đến 1 mét khi trồng vào mùa xuân, nhưng chỉ đạt được khoảng 20cm nếu trồng vào mùa thu.
Một góc vườn lan của anh Đinh Ngọc Chung.
Việc tưới nước và chăm bón cho hoa lan phi điệp cần đảm bảo các yếu tố như: giữ đất khô nhưng không cằn hạn, bổ sung đất đủ độ ẩm tơi xốp nhưng không ướt đẫm, luôn đảm bảo trên bề mặt đất không bị đọng nước dư thừa, tránh việc ánh nắng mặt trời chiếu vào có thể khiến đất bị nóng lên tăng nhiệt dẫn đến chết gốc cây.
Phân bón cho hoa lan phi điệp nên là các loại phân bón hữu cơ, giúp bổ sung dưỡng chất cho cây. Tỷ lệ pha phân bón cũng cần được chú trọng sao cho nồng độ không được quá đậm đặc tránh gây tình trạng xót rễ. Nên pha loãng phân bón và tiến hành bón nhiều lần, cách thời gian nhau để cây có thể hấp thụ tối đa lượng dưỡng chất nuôi cây.
Thường xuyên chú ý các loại côn trùng gây hại cho hoa lan phi điệp như: sên, sâu bệnh... Mùa hoa bắt đầu đâm chồi nảy lộc, các chồi lá non là loại thức ăn mà loài sâu bệnh và sên “khoái khẩu”, vậy nên cần chú ý bắt sâu và sên thường xuyên, thời gian sâu và sên xuất hiện nhiều nhất là vào ban đêm, khi đó cẩn thận dùng đèn soi từng gốc cây lan để bắt sên. Ngoài ra có thể sử dụng một số biện pháp phun thuốc trừ sâu bệnh để giảm thiểu tối đa tình trạng sâu bệnh và sên ăn lá. Khi phun thuốc, cần chú ý sử dụng loại thuốc đặc trị không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hoa lan phi điệp.
Vườn lan của anh Chung thu hút rất nhiều người đến tham quan.
Thêm một số gợi ý khác từ anh Chung để trồng hoa lan phi điệp vừa đẹp lại khỏe mạnh đó là lựa chọn giá thể trồng hoa phải đảm bảo giá thể sạch sẽ, đã được xử lý nấm mốc. Nếu ở nơi khí hậu khô thoáng có thể lựa chọn ghép gốc hoa lan phi điệp lên các thân cây để tạo không gian thoáng hơn cho hoa phát triển. Không gian trồng hoa lan phi điệp nên thoáng khí, ở nơi có gió và tránh ánh nắng trực tiếp. Thời gian tưới nước cho hoa nên tránh lúc giữa trưa và ban đêm. Nên sắp xếp lịch phun thuốc chống nấm bệnh định kỳ.
Trên đây là những chia sẻ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện của nghệ nhân trồng lan Đinh Ngọc Chung giúp cho các bạn hiểu hơn được về phương pháp trồng hoa lan phi điểm đẹp và khỏe mạnh. Tại vườn hoa lan Đinh Chung tại Bắc Kạn của anh Đinh Ngọc Chung có rất nhiều các mẫu hoa lan phi điệp với mặt bông khác nhau. Tuy nhiên với anh Chung, tất cả đều là những đứa con tinh thần đầy giá trị của anh. Vậy nên ngoài việc học kỹ thuật chăm sóc hoa lan, hãy cố gắng tìm hiểu thêm nhiều hơn nữa về hoa lan để tiếp thêm niềm đam mê trồng lan, từ đó giúp chúng ta hiểu và dễ dàng chăm sóc hoa lan hơn.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nghe-nhan-dinh-ngoc-chung-chia-se-phuong-phap-cham-ho...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn