Tăng lương cho cán bộ, công chức luôn mắc phải một vướng mắc lớn nhất là “Tiền đâu”. Lời giải được nhiều chuyên gia đưa ra là trong số hơn 2,7 triệu công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách, có tới 700.000 người không làm được việc, chi phí phải trả cho họ mỗi năm là 170.000 tỷ đồng.
Nếu “dàn hàng ngang” để tăng lương vừa vượt quá khả năng chịu đựng của Nhà nước lại vừa không công bằng với những người làm việc hiệu quả, làm việc thực sự. Chính vì vậy, để giải bài toán tăng lương, thúc đẩy guồng máy làm việc phát triển thì việc tăng lương phải có sự chọn lựa, thang bảng lương phải công bằng, minh bạch. Cơ quan, đơn vị nào đủ điều kiện thì thực hiện Đề án cải cách tiền lương, không làm đồng loạt.
Liên quan đến những việc cần làm khi cải cách tiền lương, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ chỉ quy định mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội (có thể theo tháng, ngày, giờ) làm lưới an toàn xã hội, chống bóc lột, đói nghèo, mức chuẩn cho chính sách xã hội, xác định việc làm bền vững...chứ không qui định làm chuẩn để xác định tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Vì vậy, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức không phụ thuộc vào mức lương tối thiểu chung và không phải điều chỉnh hằng năm.
Tiền lương của Bộ trưởng và tương đương trở lên (Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), tiền lương của lực lượng vũ trang cần được đưa vào xem xét tương quan chung. Tiền lương bình quân của lực lượng vũ trang bằng 1,8 lần tiền lương bình quân của cán bộ, viên chức trên thực tế hiện nay là bao nhiêu?
Tương quan mới khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức đã được xác định tăng cao hợp lý thì tương quan mới thấp hơn cũ bao nhiêu là hợp lí. Khoản ưu đãi của lực lượng vũ trang đưa vào lương cơ bản hay qui định bằng chế độ phụ cấp theo nguyên tắc chung.
Ông Đặng Như Lợi cũng cho rằng, cần tập trung vào việc xác định các Bảng lương, sau đó cân đối định hướng, qui định các khoản phụ cấp lương.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật Cán bộ, công chức để xác định đối tượng được gọi là cán bộ, công chức trong bộ máy chính trị để quy định tiền lương cho họ, không căn cứ vào nơi làm việc để qui định họ là cán bộ, công chức. Lao động làm công tác phục vụ thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, áp dụng cơ chế tiền lương theo doanh nghiệp tại địa bàn.
Theo quan điểm của ông Đặng Như Lợi, chỉ xác định một mức lương cho mỗi ngạch lương chuyên môn, kĩ thuật, nghiệp vụ và 1 mức lương cho 1 chức danh lãnh đạo và ổn định trong 3-5 năm. Các bậc tiếp theo qui định phụ bằng 5-10% so với mức lương ngạch sau một số năm giữ ngạch, chức danh lãnh đạo.
Xây dựng và ban hành chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức theo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và theo ngạch lương; tiêu chuẩn nâng % lương giữ ngạch.
Cũng liên quan đến việc sắp xếp thang bảng lương, Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các khu vực và các loại lao động khác nhau có thể sử dụng mức lương khởi điểm để thay thế. Để gắn kết 3 khu vực có thể bỏ hệ số lương và thay vào đó công bố mức tuyệt đối cho từng ngạch, bậc, chức danh. Hệ thống bảng lương có thể được chia làm 4 nhóm: Phục vụ hành chính; cán bộ chuyên môn; cán bộ lãnh đạo và quan chức chính phủ
“Cần khôi phục lại lương lãnh đạo (không bao gồm quan chức chính phủ) như trước năm 2004, làm sao để lãnh đạo thấy được “hưởng lương cao đi liền trách nhiệm lớn, áp lực nhiều, sẵn sàng từ chức hoặc bị bãi nhiệm hoặc miễn nhiễm” – TS Trần Xuân Cầu nói.
Đối với lương của quan chức chính phủ (từ Bộ Trưởng trở lên) cần xây dựng mức lương khởi điểm từ chức danh Trợ lý Chủ tịch nước và mức đó phải cao hơn nhiều so với mức khởi điểm của 3 nhóm còn lại.
Nên bỏ mức lương trung bình, còn nếu duy trì cần thay đổi: cần chọn mức lương của Chuyên viên chính đã làm việc 5 đến 10 năm làm mức lương trung bình./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn