BHXH VN phát hiện hơn 9.200 lao động chưa được cấp sổ BHXH.
Đây là số liệu được BHXH VN công bố sau 9 tháng triển khai chính sách BHXH, BHYT và BHTN.
Nợ BHXH hơn 8.980 tỉ đồng
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN, việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương.
Thống kế của BHXH VN đến ngày 30/9 cho thấy, tổng số nợ là hơn 13.055 tỉ đồng, gồm: Nợ BHXH 8.981 tỉ đồng, nợ BHTN 480,5 tỉ đồng, nợ BHYT 3.592 tỉ đồng. Riêng khoảng nợ BHYT, ngân sách các địa phương chưa chuyển 2.156,2 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ BHYT.
Có 10/63 tỉnh và thành phố có tỉ lệ nợ cao so với kế hoạch thu là: Đắk Nông 19,52%, Bạc Liêu 17,48%, Bình Định 17,17%, Lâm Đồng 13,36%, Hòa Bình 12,18%, Lạng Sơn 11,42%, Ninh Thuận 11,4%, Bình Thuận 11,22%, Trà Vinh 10,74% và Nam Định 9,95%.
Về BHYT, cơ quan BHXH VN đã xem xét không chấp nhận thanh toán bổ sung chi phí khám chữa bệnh BHYT, vượt trần thanh toán đa tuyến đến do nguyên nhân chủ quan với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng.
Qua kiểm tra, BHXH VN đã phát hiện 15.612 lao động chưa được tham gia BHXH bắt buộc, đóng thiếu mức lương, đóng sai mức lương, đóng thiếu thời gian, chưa truy thu lãi chậm nộp. Hơn 9.200 lao động chưa được cấp sổ BHXH kịp thời, 13.500 sổ BHXH ghi chưa đúng, chưa đủ chức danh nghề, nội dung ghi sổ trên cơ sở dữ liệu phân mềm quản lý thu SMS.
Sau 9 tháng đầu năm 2016, BHXH VN còn và yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH hơn 24.412 tỉ đồng do chi khám chữa bệnh không đúng quy định, trong đó: Thái Nguyên chi sai 814,6 triệu đồng, Bạc Liêu 6.842,5 triệu đồng, Đồng Tháp 8.424,5 triệu đồng, Quảng Nam 8.331,4 triệu đồng.
Nhiều lạm dụng quỹ BHYT
Đánh giá của BHXH VN cho thấy, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn phức tạp, một số nơi xuất hiện tình trạng lạm dụng các quy định mới về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, như: Cơ sở tập hợp người có thẻ BHYT từ các địa bàn khác trong tỉnh, ngoài tỉnh đưa đến KCB BHYT, áp dụng các hình thức khuyến mại bất hợp lý như tặng quà, tặng tiền…
“Điển hình là các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Nam, Cà Mau. Tại các địa phương này, cơ quan BHXH đã chủ động từ chối thanh toán, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và phối hợp với cơ quan Công an điều tra, làm rõ một số cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT” - bà Nguyễn Thị Minh cho biết.
Theo BHXH VN, còn nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế tại các địa phương đã được quan tâm thực hiện, như: Chưa chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách, cán bộ có năng lực để quản lý, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế và tham gia đấu thầu thuốc; Chất lượng báo cáo về công tác này còn hạn chế, nhiều sai sót về thông tin;...
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện gần 2.000 trường hợp bệnh nhân nội trú, tương ứng khoản 8% số bệnh nhân nội trú tại thời điểm kiểm tra không có mặt tại bệnh viện và đang từ chối thanh toán vào quý 3/2016.
Ngoài ra, việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo chất lượng, quy trình kỹ thuật không tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế đang có chiều hướng gia tăng. Việc liên danh, liên kết lắp đặt máy móc, trang thiết bị theo hình thức xã hội hóa không đúng với quy định.
Công tác chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh dẫn đến gia tăng chi phí, đặc biệt là các dịch vụ xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, nội soi, CT-Scanner, MRI,…).
Nhiều cơ sở KCB BHYT vẫn lựa chọn sử dụng một số thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không phổ biến dẫn đến giá cao không hợp lý; Cung ứng không đầy đủ, kịp thời VTYT cho bệnh nhân BHYT theo quy định dẫn đến người bệnh phải tự mua và thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH; Thu thêm tiền vật tư y tế của người bệnh có thẻ BHYT mặc dù đã được quy định trong Thông tư 27/2013/TT-BYT...
Hoàng Mạnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn