Nguyễn Thanh Ngân, nữ sinh viên Hà Nội có đam mê ballet từ 7 tuổi. Vào trường từ năm 12 tuổi, đến nay Ngân đã qua năm thứ tư và là một trong những sinh viên khá của lớp.
Các nữ sinh trường CĐ Múa Việt Nam đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng có chung niềm đam mê. Buổi sáng các em học liên tục các tiết múa giân dan, cổ điển, học về lý thuyết âm nhạc, ký xướng âm. Buổi chiều các em học văn hóa.
Hàng ngày, những nữ sinh này chỉ có hơn 1 tiếng để nghỉ vào buổi trưa, đến 13h lại hối hả vào lớp. Buổi tối, các em tranh thủ tìm sàn trống để luyện thêm các kỹ thuật khó.
Từ năm thứ ba, sinh viên của trường đã được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật có quy mô của Nhà nước, đây là cơ hội lớn để các em có thêm kinh nghiệm trong quá trình học tập và khổ luyện.
Nói đến ballet, hầu hết các nữ sinh đều thấy "khó nhằn" nhất với kỹ thuật mũi cứng. Toàn bộ trọng lượng và sự cân bằng dồn hết lên mũi chân rất khó khăn.
Kỹ thuật mũi cứng được coi là linh hồn của nghệ thuật ballet, giúp diễn viên múa trở nên bay bổng và toát lên được toàn bộ vẻ đẹp hình thể khi múa.
Giảng viên - Nghệ sĩ múa Phạm Hồng Nga luôn là người truyền lửa cho sinh viên. Cô nắn nót từng kỹ thuật, động tác cho các em với niềm say mê, tâm huyết.
Với các lớp múa năm thứ nhất (12 tuổi), quá trình khổ luyện cũng bắt đầu khắc nghiệt không kém khi các em phải luyện độ dẻo dai của cơ thể, độ mở của chân.
Từ năm thứ nhất, các em được học các động tác để thấy rằng, ballet là ngôn ngữ của hình thể. Sự tập trung cao độ về thần thái sẽ giúp học viên có những động tác mềm mại bay bổng.
Đây là một trong những động tác cơ bản với những em mới bắt đầu học.
Lớp múa năm thứ nhất chỉ có hai nam sinh, học cùng với các nữ sinh. Nam sinh cũng phải thể hiện độ mềm mại của cơ thể trong các điệu múa ballet.
Theo Dương Hà/Báo Phụ nữ VN