Với đà tăng nhiệt hiện nay, thật khó để biết bao giờ mới hết những báo cáo ghi nhận tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục như trong tháng 4/2018.
Theo số liệu mới nhất vừa được Cục Hải dương học và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) công bố, nhiệt độ toàn cầu tháng Tư đã cho thấy những dấu hiệu vô cùng nghiêm trọng của sức khỏe Trái Đất.
Nhiệt độ toàn cầu trung bình trong tháng 4/2018 cao hơn 1,49 độ F so với mức nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 là 56,7 độ F. Đây là tháng Tư nóng thứ 3 trong 139 năm được thống kê (1880-2018).
Có 9 trong 10 tháng nóng nhất trong lịch sử đã bắt đầu xảy ra từ năm 2005. Tháng 4/2018 cũng đánh dấu tháng Tư lần thứ 42 và tháng thứ 400 liên tiếp có mức nhiệt độ trung bình cao hơn của thế kỷ 20, tính từ tháng 12/1984. Mức nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận trên khắp Châu Âu, Nam Mỹ tới Châu Đại Dương.
Lần lượt các năm 2015, 2016, 2017 trước đó đều được ghi nhận là 3 năm nóng nhất tính đến nay. Nhiệt độ tăng chưa phải là điều thực sự đáng quan ngại; độ phủ băng tại hai cực mới là điều đáng lo nhất.
Số liệu từ NOAA chỉ ra, mức độ băng phủ tại Bắc Cực trong tháng 4/2018 thấp hơn trung bình 6,8% trong giai đoạn 1981-2010. Đây cũng là mức băng nhỏ thứ hai kể từ khi NOAA bắt đầu đo đạc số liệu từ năm 1979.
Trong khi đó tại Nam Cực, độ bao phủ của băng cũng chẳng khá hơn. Độ phủ băng ở Nam Cực trong tháng 4/2018 đã giảm thấp hơn mức trung bình 12,3% và là mức nhỏ thứ 5 từng ghi nhận trong lịch sử.
Chưa hết, tháng 4/2018 cũng là tháng ghi nhận tình trạng nhiệt độ bề mặt đất và đại dương nóng hơn trông thấy. Số liệu chỉ ra, mức nhiệt độ trung bình bề mặt đất và đại dương đều đạt ngưỡng kỷ lục.
Nam Mỹ và Châu Âu ghi nhận tháng Tư nóng nhất trong lịch sử. Trong khi đây là tháng Tư nóng thứ 2 tại Châu Đại Dương, thứ 5 tại Châu Phi và thứ 9 tại Châu Á.
Biểu đồ phân vị nhiệt độ đất liền và đại dương tháng 4/2018. Vùng màu đỏ đậm biểu trưng cho mức nóng kỷ lục tập trung chủ yếu ở Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương
Không gì có thể biện hộ cho tác động từ bàn tay của con người lên xu hướng tăng nhiệt trên toàn cầu hiện nay. Chính tình trạng phát thải khí nhà kính, bao gồm CO2, vào bầu khí quyển đã vô tình tạo nên tấm chắn, ngăn cản bức xạ nhiệt thoát ra ngoài Trái Đất.
Hiện tại, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đã đạt tới 410 ppm, cao hơn rất nhiều so với nồng độ CO2 trung bình trong suốt 800 ngàn năm qua.
Tất nhiên tình trạng nóng lên của Trái Đất sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, bao gồm băng tan ở hai cực gây ra tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng thêm cực đoan,…và còn rất nhiều hậu quả nhãn tiền khác mà con người khó có thể lường hết.
Thật khó để tưởng tượng nếu có một ngày, khi nhiệt độ toàn cầu đã vượt ngưỡng giới hạn, muôn loài trên Trái Đất bao gồm con người sẽ sống sót như thế nào.
Tiến Thanh
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn