Sau khi gây ra những cơn gió mạnh làm lan nhanh lửa cháy rừng ở Hawaii (Mỹ), bão Dora đã "lập kỳ tích" về quãng đường dài khác thường, vượt qua Thái Bình Dương, giờ đã đến gần châu Á. Dora đã ghi tên mình vào lịch sử vì nhiều lý do trong chuyến đi dài lạ lùng này, thậm chí, người ta còn phải thay đổi cách gọi tên nó vì nó vượt đại dương như vậy.
Trước khi được đặt tên, bão Dora ban đầu chỉ là những đám mây tập trung phía trên Đại Tây Dương. Để rồi từ khi bắt đầu hình thành vào khoảng ngày 17/7 dưới dạng những cơn giông nhỏ, rồi gây gió to làm lan nhanh lửa cháy rừng ở Maui (Hawaii, Mỹ), rồi đến bây giờ, Dora đã “chu du” tổng cộng gần 16.000km, theo trang Hawaii News Now.
Trên đường vượt đại dương - khoảng 8.400km - để đến gần phía Đông châu Á, bão Dora đã mạnh lên, yếu đi, rồi lại mạnh lên, nhưng dù thế nào, nó vẫn đi rất “kiên trì” và chẳng đổ bộ vào đâu.
Đường đi dài dằng dặc của bão Dora, từ phía Đông sang phía Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: Zoom Earth).
Để rồi Dora đã vượt qua Đường đổi ngày Quốc tế(là một đường tưởng tượng, mà khi các phương tiện giao thông đi ngang qua đường này, ngày tháng sẽ phải thay đổi). Và giờ thì thay vì gọi nó là Hurricane Dora, người ta lại gọi nó là Typhoon Dora, vì từ hurricane để chỉ bão nhiệt đới hình thành ở Bắc Đại Tây Dương, còn typhoon để nói đến bão ở Thái Bình Dương. Dora mới là cơn bão thứ hai vượt qua Đường đổi ngày Quốc tế kể từ khi các dữ liệu được ghi lại. Cơn bão còn lại lập được “kỳ tích” này là bão John vào năm 1994.
Bão Dora vượt qua Đường đổi ngày Quốc tế (Date line) - nó mới là cơn bão thứ hai làm được điều này. (Ảnh: Fox News).
Bão Dora cũng đã ghi tên mình vào lịch sử vì nó là cơn bão Cấp 4 (theo thang đo của Mỹ, là cấp mạnh thứ hai, với sức gió duy trì tối đa 209 - 251 km/h) tồn tại lâu nhất ở Thái Bình Dương. Một số tờ báo còn gọi Dora là “cơn bão sống thọ nhất”.
Theo trang The Washington Post (Bưu điện Washington), hầu hết các cơn bão đi từ phía Đông Thái Bình Dương một khi ra đến giữa đại dương đều yếu đi do nước đại dương mát hơn và ở đó không khí khô hơn. Tuy nhiên, thật khác thường, Dora lại mạnh lên và cứ thế lướt đi.
Có một điều trớ trêu nữa là một cơn bão khác vào tháng 8/1999, cũng tên là Dora, cũng đã giữ được sức mạnh khi đi từ phía Đông Thái Bình Dương ra đến trung tâm đại dương này, nhưng nó lại yếu đi trước khi chạm đến Đường đổi ngày Quốc tế chứ không duy trì được sức mạnh lâu như bão Dora 2023.
Gió mạnh do ảnh hưởng của bão Dora là một yếu tố làm cháy rừng ở Hawaii lan nhanh. (Ảnh: Ty O'Neil/ AP).
Đến tối 14/8, bão Dora vẫn đang trên đường tiến về phía Đông châu Á, theo hướng gần đến Nhật Bản, với sức gió khoảng 75km/h. Nhưng theo dự báo hiện tại thì nó sẽ yếu đi vào khoảng ngày 16 - 17/8, tức là nó tồn tại cả một tháng liền, mà vẫn chẳng đổ bộ vào đâu.
Trong khi đó, một cơn bão khác là bão Lan được dự báo đổ bộ Nhật Bản vào ngày 15/8.
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn