Số mũi đã tiêm toàn quốc
201.079.635
Số mũi tiêm hôm qua
349.781
6 diễn biến
Trước tình hình số ca F0 trong học sinh và giáo viên tăng cao, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Công văn về tổ chức dạy và học cấp mầm non và phổ thông.
Theo đó, từ hôm nay (17/3), cấp học mầm non cho trẻ dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Các huyện, thành phố, căn cứ tình hình thực tế có thể chọn 1-2 điểm trường trung tâm trên địa bàn đảm bảo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch COVID-19 để nuôi dạy trẻ theo nhu cầu của phụ huynh.
Đối với học sinh lớp 1 đến lớp 7, chuyển sang học trực tuyến theo chương trình chính khoá. Trường hợp những em học sinh có nhu cầu học trực tiếp và được sự thống nhất của phụ huynh thì vẫn đến lớp học trực tiếp bình thường; giáo viên vẫn đến lớp dạy và tạo đường link nếu học sinh học tại nhà.
Nhiều địa phương linh hoạt chuyển hình thức học trước việc ca mắc là học sinh và giáo viên tăng cao. Ảnh minh họa.
Đối với những trường học trên địa bàn chưa có ca nhiễm COVID-19 hoặc có ca nhiễm nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trên cơ sở tham khảo và được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh thì có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Những trường chưa đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị truyền dẫn, thì trước mắt tiếp tục duy trì các lớp học trực tuyến như trước đây qua các phần mềm ứng dụng và dạy học qua truyền hình.
UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ 15/3, học sinh THCS, THPT trên địa bàn sẽ đi học trực tiếp trở lại. Cấp mầm non và tiểu học tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Theo UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 21 ngày chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện (từ ngày 22/2), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong học sinh, giáo viên đã giảm mạnh, số ca F0 khỏi bệnh tăng, không có ca chuyển biến nặng phải can thiệp y tế.
Các trường chưa được tổ chức các hoạt động ăn, uống tại căn-tin trong tuần đầu tiên học trực tiếp trở lại, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, trong đó buổi sáng bắt đầu từ 7h30, buổi chiều bắt đầu từ 14h, buổi sáng dạy và học không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, riêng khối lớp 12 không quá 8 tiết/ngày.
Tại Bến Tre, ngày 15/3, học sinh tại TP Bến Tre và huyện Mỏ Cày Bắc chuyển qua học trực tuyến sau khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những địa phương phải chuyển hình thức học sang trực tuyến do số ca mắc tăng cao thì một số địa phương đã cho học sinh phổ thông quay lại trường học trực tiếp.
Tại Hưng Yên, từ ngày 15/3, trẻ mầm non, học sinh phổ thông tỉnh Hưng Yên trở lại trường học trực tiếp. Công tác tổ chức bán trú và dạy học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được chú trọng.
Tại Yên Bái, tất cả cơ sở giáo dục thuộc các địa phương cấp độ dịch mức 1, 2 cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đi học trực tiếp từ ngày 15/3.
Tại Lào Cai, TP. Lào Cai đã cho toàn bộ học sinh cấp tiểu học và lớp 6 trở lại trường học tập trực tiếp từ 14/3. Theo đó, đối với cấp tiểu học, thành phố Lào Cai có 7.673 học sinh đi học trực tiếp, đạt tỉ lệ gần 57%.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-nhieu-dia-phuong-lai-chuyen-hoc-truc-tuyen-1692203170...
Trong những ngày vừa qua, người dân là F0 trên địa bàn TP.HCM được tiếp cận việc khai báo y tế, xin cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến (https://khaibaof0.tphcm.gov.vn), không phải trực tiếp đến trạm y tế như trước đây.
Tiện nhưng vẫn gặp sự cố
Chị Trần Thị Thúy, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết ba tuần trước đứa con nhỏ của chị đi học về thì có biểu hiện nhiễm COVID-19. Chị mua kit test nhanh về test thì lên hai vạch. Chị có gọi điện thoại đến trạm y tế phường thì được hướng dẫn chở bé đến trạm y tế để được test lại và cấp thuốc hạ sốt.
Bảy ngày sau, chị được hẹn đến trạm y tế phường để test lại cho con. Sau khi test lại cho kết quả âm tính, con của chị được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly. Tiếp theo, chị mang giấy xác nhận đến UBND phường để được cấp giấy quyết định hoàn thành cách ly tại nhà để bé đi học lại.
Người dân ở TP.HCM khai báo y tế, xin cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
“Tại thời điểm tôi chở con đến trạm y tế thì cũng có rất đông người đến để khai báo y tế. Tại đây có cả F0, F1 đứng lẫn lộn, rất dễ bị lây nhiễm cho nhau. Thế nhưng mới đây, tôi cũng bị F0 và lần này tôi không cần phải lên trạm y tế phường khai báo mà thực hiện các việc khai báo tại nhà, vừa an toàn vừa không mất thời gian” - chị Thúy nói.
Anh Nguyễn Văn Huy, quận Tân Phú, cho biết ngày 13-3, cả gia đình anh gồm hai vợ chồng và con bị nhiễm COVID-19. “Tôi tìm hiểu thì được biết TP.HCM đang triển khai phần mềm khai báo y tế, xin cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến. Thế nhưng tôi vào đường link khai báo thì gặp sự cố. Lúc thì đang khai báo tự nhiên bị thoát ra ngoài, đến lúc khai báo xong, bấm nút lưu máy vẫn cứ chạy vòng vòng. Tôi phải khai báo ba lần thì chỉ mới đăng ký xong cho tôi. Hiện còn hai người trong nhà vẫn chưa khai báo được” - anh Huy nói.
Khai báo trực tuyến, công việc nhân viên y tế không giảm
Trao đổi với PV về việc tiếp nhận và cấp giấy xác nhận F0 hiện nay, trưởng trạm y tế một phường ở TP.HCM cho biết hiện nay phường vẫn đang thực hiện song song, vừa tiếp nhận người dân đến khai báo y tế trực tiếp vừa tiếp nhận trực tuyến.
Trước đây, quy trình tiếp nhận F0 được thực hiện như sau: Khi phát hiện người nhà bị F0, người dân đến báo tại trạm và khai vào tờ khai. Nếu F0 trên 18 tuổi, không bệnh nền và đủ điều kiện cách ly tại nhà thì nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách ly tại nhà…
Từ khi thực hiện việc khai báo, cấp giấy xác nhận F0 trực tuyến, nhân viên sẽ dùng phần mềm kiểm tra thông tin của F0. Từ thông tin mà F0 cung cấp, nhân viên y tế sẽ gọi điện thoại xác minh để xác nhận chỗ ở, hỏi lại tình trạng sức khỏe để hỗ trợ kịp thời cho F0.
“So với việc khai báo, cấp giấy xác nhận F0 trực tiếp thì việc người dân khai báo trực tuyến giúp giảm tải tình trạng người dân đến trạm. Ngoài ra, việc cấp giấy xác nhận F0 cũng có bất cập. Cụ thể, trước đây việc cấp quyết định hoàn thành cách ly tại nhà là do UBND phường, xã thực hiện nhưng hiện nay trạm y tế sẽ thực hiện cấp trực tuyến. Vì thế, nhân viên y tế cần phải được hỗ trợ để công việc được thuận tiện và đạt hiệu quả” - trưởng trạm y tế một phường ở TP.HCM chia sẻ.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay phần mềm khai báo y tế cho F0 đã được chạy thông suốt. Đồng thời, Sở TT&TT vẫn đảm bảo đường truyền không bị lỗi. Tuy nhiên, vấn đề của người dân gặp khó khăn cụ thể là gì, ở địa phương nào, nếu người dân cung cấp thì sở sẽ nắm lại và có hỗ trợ, khắc phục.
“Trong các cuộc họp với địa phương, chúng tôi cũng có nghe địa phương báo có trường hợp người dân là F0 từ tháng 7, tháng 8-2021 nhưng đến nay mới khai báo thì những người này không được giải quyết cấp giấy xác nhận F0. Chỉ những trường hợp mới là F0 và có kết quả trong vòng năm ngày kể từ ngày khai báo thì mới được hệ thống ghi nhận” - bà Mai cho biết.
Nguồn: https://plo.vn/ban-doc/cap-giay-xac-nhan-f0-truc-tuyen-tien-nhung-van-con-gap-kho-10488...
Sau khi các hoạt động xã hội được khởi động lại, đặc biệt sau 4 tuần học sinh đến trường học trực tiếp, số ca F0 tại tỉnh Đồng Nai tăng mạnh, mỗi ngày có khoảng trên dưới 3.000 ca nhiễm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 370.000 ca mắc COVID-19.
Sáng 17/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng nai (CDC Đồng Nai) cho hay, ngày 22/2, CDC Đồng Nai đã lấy 10 mẫu bệnh phẩm nhiễm COVID-19 ngẫu nhiên trong cộng đồng để gửi Viện Pasteur Tp.HCM giải trình tự gen xác định biến thể của SARS-CoV-2.
Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm của tỉnh Đồng Nai gửi lên đều là biến thể Omicron. Như vậy, có thể khẳng định, chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là biến thể Omicron. Vì vậy, tốc độ lây lan sẽ cao.
BS-CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều người đã từng mắc COVID-19 vẫn tái nhiễm, trong đó có cả nhân viên y tế.
Do vậy, người dân tuyệt đối không nên chủ quan nếu đã từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh hoặc đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Các trường hợp tái nhiễm COVID-19 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này của SARS-CoV-2 (ví dụ như chủng Detal), sau đó lại bị nhiễm một biến chủng khác của SARS-CoV-2 (như biến chủng Omicron).
Do đó, có thể trong một thời gian ngắn hoặc vài tháng sau khi khỏi bệnh COVID-19, một người có thể tái nhiễm. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp tái nhiễm có dấu hiệu bệnh nhẹ hơn so với lần đầu, nhất là đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.
Ngược lại, với những người chưa tiêm vắc-xin hoặc sức khỏe yếu, hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng.
Vì vậy, trong bối cảnh các hoạt động xã hội được khởi động lại người dân cần cân nhắc kỹ những hoạt động nào thực sự cần thiết thì tham gia, còn không nên hạn chế để đảm bảo tránh lây nhiễm COVID-19.
Theo TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, để phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, rà soát tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, nhất là người trên 50 tuổi, có bệnh nền và lứa tuổi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Tăng tốc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch và lực lượng công nhân, lao động tự do.
Duy trì, tăng cường hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động, tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 để quản lý tốt F0 tại nhà.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện hiệu quả công thức 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân, tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm các quy định phòng chống dịch.
Kiểm soát nguồn lây nhiễm, ổ dịch tại cộng đồng, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đặc biệt các đơn vị có số người lao động lớn. Thực hiện chặt chẽ các biện pháp y tế: Giám sát, xét nghiệm, cách ly, thu dung điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế..
Duy trì, tăng cường hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động, tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 để quản lý tốt F0 tại nhà, khám chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở…
Nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là phải tập trung công tác điều trị. Nếu số ca bệnh COVID-19 tăng cao sẽ có nguy cơ gây quá tải cho ngành y tế, nguy cơ ca bệnh nặng tăng. Do vậy, ngành y tế cần nỗ lực kiểm soát tình hình, hạn chế số ca tử vong ở mức thấp nhất.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác cách ly, điều trị tại nhà, chuẩn bị đủ thuốc, oxy y tế để phục vụ công tác điều trị. Khẩn trương tiêm hết gần 700 nghìn liều vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp về.
Với số lượng F0, F1 trong trường học tăng nhanh, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-bien-chung-omi...
Theo báo cáo, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Australia trong ngày 16/3 đã tăng gấp 3 lần so với ngày hôm trước, với 30.402 trường hợp ghi nhận tại bang New South Wales và 9.426 trường hợp ghi nhận tại bang Victoria.
Lý giải nguyên nhân số ca mắc mới tăng vọt, Cơ quan Y tế của bang New South Wales cho biết, có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới xác nhận trong ngày 13/3 và 14/3 đã không được đưa vào thống kê do trục trặc xử lý dữ liệu, do đó chuyển sang tính gộp vào con số báo cáo của ngày 16/3.
Ngoài ra, nhà chức trách bang này thông tin, hầu hết số ca mắc mới COVID-19 của bang được xác nhận nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron và có khả năng sẽ còn tiếp tục gia tăng đột biến trong vài tuần tới.
Số liệu thống kê từ Trường đại học New South Wales cho biết, số ca nhiễm bệnh theo ngày ở bang này có thể tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 4-6 tuần tới, do biến thể BA.2 hoành hành.
“Biến thể BA.2 dễ lây truyền hơn nhiều. Chúng tôi đang có thêm nhiều người mắc bệnh, chúng tôi có thể đoán trước rằng sẽ có thêm nhiều người nhập viện và nhiều trường hợp qua đời vì bệnh tật. Thật đáng buồn”, người đứng đầu cơ quan y tế bang New South Wales, ông Brad Hazzard nói hôm 14/3.
“Nhưng, chúng ta cũng cần phải cân bằng giữa những vấn đề sức khỏe tâm lý, các vấn đề kinh tế, sự phát triển về nhận thức của các thanh niên, việc đến trường, tất cả những thứ đã bị dịch bệnh hủy hoại trong 2 năm qua. Khoảng 2 triệu người ở bang New South Wales đã lỡ mất thời điểm tiêm mũi tăng cường vắc-xin phòng bệnh, và họ cần được nhắc nhở về sự “cần thiết tuyệt đối” khi nhận mũi tăng cường, để bảo vệ bản thân khỏi biến thể Omicron”, ông Hazzard nhận định.
Dữ liệu chính thức cho thấy, mới chỉ hơn 57% người trên 16 tuổi ở New South Wales được tiêm liều thứ ba, thấp hơn tỉ lệ trung bình toàn quốc là 65%.
Trong diễn biến liên quan, ngày 11/3, Chính phủ Australia đã thông qua kế hoạch tăng chi 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD) để tăng cường chuẩn bị ứng phó làn sóng lây nhiễm mới biến thể Omicron có khả năng lan rộng trong mùa đông sắp tới ở nước này, trùng với thời điểm dịch cúm mùa nghiêm trọng đã được dự báo trước đó.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/australia-so-ca-mac-moi-covid-19-tang-manh-vi-omicron-tang-h...
Ngày 17-3, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột "mời" khách nghi mắc COVID-19 ra khỏi khách sạn trong đêm.
Theo vị lãnh đạo này, sau khi Báo Người Lao Động phản ánh việc Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột "mời" khách đang lưu trú ra ngoài khi nghi ngờ mắc COVID-19, các phòng chức năng của Sở đã tổ chức kiểm tra, nắm thông tin về vụ việc. Tại buổi làm việc, đại diện khách sạn nhận lỗi về việc làm sai của mình đã làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành trong khi tỉnh đang nỗ lực xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách.
"Với tình hình dịch bệnh hiện nay, chắc chắn quá trình tiếp đón sẽ xảy ra các trường hợp du khách mắc COVID-19. Do đó, Sở VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Sở Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và hướng dẫn rất kỹ về việc xử lý các tình huống du khách mắc Covid-19. Trong tình huống tại Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột, đáng lẽ khách sạn phải đề nghị khách ở tại phòng rồi báo cho ngành y tế để phối hợp xử lý" - vị này thông tin thêm.
Theo công văn của Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các đơn vị kinh doanh du lịch, bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực, cố gắng đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 kết hợp với tổ chức hoạt động kinh doanh tại đơn vị phù hợp với tình hình dịch bệnh, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phục hồi du lịch tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới.
Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị thực hiện chưa tốt, thiếu trang thiết bị phòng dịch, lúng túng và xử lý chưa tốt khi có khách du lịch là F0. Việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh "Du lịch Đắk Lắk - Văn minh - Thân thiện - Mến khách", mặc dù đã được tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn phòng chống dịch, cũng như hướng dẫn cách xử lý các tình huống khi gặp các ca nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 trong hành trình tham quan du lịch hoặc lưu trú tại các đơn vị du lịch.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở VH-TT-DL yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Xây dựng phương án cụ thể đối với cách xử lý các tình huống khi gặp các ca nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 trong hành trình tham quan du lịch hoặc lưu trú tại đơn vị để triển khai và quán triệt cho cán bộ, nhân viên, người lao động biết và triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên quán triệt nghiêm túc tinh thần, thái độ đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Sở VH-TT-DL cũng giao Thanh tra sở chủ trì, phối hợp với các phòng ban, đơn vị tổ chức kiểm tra việc chấp hành các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và thực hiện việc cách ly phòng, chống dịch dịch COVID-19 tại các đơn vị kinh doanh đối với khách du lịch, khách lưu trú để phối hợp với Sở Y tế, xử lý theo quy định.
Như Báo Người Lao Động Online đã phản ánh, ngày 10-3, nhiều đoàn khách tới Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột lấy phòng lưu trú để tham dự Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk.
Đến tối 10-3, ban tổ chức tiến hành test nhanh cho các đại biểu thì phát hiện 3 thành viên của 3 đoàn ở các tỉnh xa tới dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhân viên Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột đã yêu cầu 3 khách này rời khỏi khách sạn. 3 vị khách phải di chuyển qua 2 khách sạn khác trong đêm nhưng không được nhận. Phải đến khách sạn thứ 3, là Khách sạn Sài Gòn Ban Mê, thì 3 vị khách mới được tiếp nhận, cho vào phòng cách ly.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-moi-khach-phuong-xa-ra-khoi-khach-san-khi-nghi-mac-covid-...
Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thường trực UBND TP HCM xin mua 20.000 liều thuốc Molnupiravir cấp miễn phí cho người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà.
Thuốc kháng virus Molnupiravir được phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà.
Theo Sở Y tế, trước đây, nguồn thuốc kháng virus Molnupiravir thuộc chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 của Bộ Y tế và được phân bổ, sử dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Ngày 17-2, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Hiện tại thuốc đã có mặt ở các nhà thuốc tư nhân.
Để tăng cơ hội tiếp cận nhanh chóng thuốc Molnupiravir cho người bệnh, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc Molnupiravir cho người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà.
Sở Y tế cho biết hiện tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, số người bệnh điều trị tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc kháng virus gia tăng. Bên cạnh đó, số thuốc miễn phí do Bộ Y tế cung cấp cho thành phố hiện đã sắp hết. Trước đó, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc kháng virus cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế, Sở Y tế TP đề nghị UBND TP HCM xem xét chủ trương cung ứng thuốc.
Về hình thức cung ứng, Sở Y tế kiến nghị chọn một cơ sở để đấu thầu mua sắm thuốc Molnupiravir cho TP, từ nguồn kinh phí phòng chống dịch. Số thuốc dự kiến mua trước mắt là 20.000 liều (mỗi liều 1.600 mg molnupiravir, liệu trình 5 ngày điều trị), theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Số thuốc này sẽ được phân bổ đến các trạm y tế để tiếp tục cấp phát miễn phí cho F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế. Người bệnh có thể tự trả chi phí sử dụng thuốc bằng cách mua tại các nhà thuốc theo đơn do bác sĩ kê.
Theo Sở Y tế, khi xác định người bệnh mắc COVID-19, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn thuốc Molnupiravir cho người bệnh có chỉ định dùng Molnupiravir theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Người bệnh có thể sử dụng đơn thuốc này đến Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động để được cấp phát thuốc hoặc đến nhà thuốc để mua thuốc.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/ca-benh-tang-thuoc-sap-het-so-y-te-tp-hcm-de-xuat-mua-20000...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-173-giao-vien-va-hoc-sinh-la-f0-tang-manh...
Dịch COVID-19
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn