Môn tập làm văn được đưa vào chương trình học từ lớp 2 đến lớp 5. Học sinh sẽ tập viết với những bài đơn giản là mô tả lại những thứ xung quanh như người thân, con vật, đồ vật xung quanh... Chính vì đang còn nhỏ tuổi với suy nghĩ, cách nhìn ngây ngô mà không ít bạn nhỏ có những bài văn vô cùng hài hước, đáng yêu.
Mới đây, khi học về chủ đề Em yêu Tổ Quốc Việt Nam, cô giáo ra đề bài "Hãy viết thư cho 1 danh nhân mà con thích", cậu bé Lê Khánh Duy, học sinh lớp 3, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia đã quyết định chọn vị anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản nổi tiếng để viết.
Bài văn của Lê Khánh Duy. Ảnh: NVCC
Bài văn với 5 câu của Lê Khánh Duy như sau: "Thân gửi Trần Quốc Toản. Cháu không biết là chú đang có gì khó nên để cháu giúp cho. Tuy nhiên là chú đã bóp quả cam nên cháu hỏi chú là vì sao. Cháu đang lo cho chú bởi vì chú đầu hàng. Thư này là dành cho người vẫn còn sống và cháu muốn chú không thể chịu thua ạ!".
Theo nội dung bài văn, Khánh Duy không hiểu Trần Quốc Toản đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ và vì sao phải bóp nát quả cam. Tuy nhiên cậu bé lớp 3 này lo lắng Trần Quốc Toản đầu hàng địch nên "ra lệnh" cho "chú" không thể chịu thua.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thu Hà, mẹ của Khánh Duy vui vẻ kể lại, sau khi con làm bài xong đưa cho mẹ để nộp cô giáo, chị hỏi vì sao con thích Trần Quốc Toản thì cậu bé trả lời "Vì con thích chú ấy làm việc tốt. Chú ấy đánh giặc để cứu đất nước. Con muốn chú ấy phải sống và thư này dành cho các danh nhân Việt Nam phải khoẻ mạnh". Bài văn và câu trả lời của con trai khiến chị Hà cũng phải bật cười.
Lê Khánh Duy hiện đang học lớp 3. Ảnh: NVCC
Chị Hà cho biết, từ trước đến nay, sở thích của Khánh Duy là đọc truyện về các vĩ nhân như các đời tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, Barack Obama; các nhân vật nổi tiếng như Charlie Chaplin, Mahatma Ghandi, Nelson Mandela, Isaac Newton. Thậm chí, đọc xong con có thể thuyết trình được luôn.
Điều đặc biệt nhất ở Khánh Duy là ngay từ khi biết nói đã nói chuyện bằng tiếng Anh. Khi phát hiện ra điều này, vợ chồng chị Hà xác định dạy song ngữ cho con. Bình thường cả nhà sẽ nói chuyện bằng tiếng Việt và mỗi tối sẽ có những giờ nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau.
Khánh Duy từ khi biết nói đã nói chuyện bằng tiếng Anh. Ảnh: NVCc
Theo lời kể của chị Hà, Khánh Duy tư duy tiếng Anh nên nói tiếng Anh nhanh và tốt hơn tiếng Việt, đọc truyện nước ngoài cũng dễ nhập hơn. Tuy nhiên điều này khiến con có tư duy ngược, nghĩa là nói tiếng Việt thường dịch từ tiếng Anh sang.
"Hồi Duy vào lớp 1, trước năm học mới mình cho con đi du lịch Australia và New Zealand 2 tuần về. Khi đến lớp, cô nói tiếng Việt con không hiểu gì luôn. Đến giờ cô giáo dạy tiếng Việt vẫn "coi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai" của con nên rất kiên trì dạy hiểu thì thôi, mặc dù chỉ sau bữa cơm tối là quên mất cô dạy gì rồi. Cô giáo tiếng Anh thì nhận xét con nói chuyện với thầy giáo nước ngoài, các bạn khác đôi khi không bắt kịp", chị Hà vui vẻ chia sẻ.
Quan điểm dạy con của vợ chồng chị Hà là để con tự do phát triển nương theo năng lực tự nhiên. Ảnh: NVCC
Quan điểm của vợ chồng chị Hà là để con tự do phát triển nương theo năng lực tự nhiên. Thấy con nói được tiếng Anh thì anh chị trò chuyện cùng con, con chưa nắm bắt được việc gì thì chị giải thích từ từ chứ không áp lực thành tích học tập cho con.
Nguồn: https://danviet.vn/cau-be-lop-3-viet-bai-van-ta-danh-nhan-ma-em-thich-5-cau-cuc-chat-ai...
Bài văn lạ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn