Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, giải trình một số vấn đề chung về chương trình, sách giáo khoa mới. Văn bản của GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 22/10/2020.
Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có nội dung chưa phù hợp
Trước việc sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có điểm chưa phù hợp, Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho biết, đây là 1 trong số 46 quyển sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách đã được phê duyệt để các địa phương, các trường lựa chọn, đưa vào giảng dạy.
Tất cả các quyển sách giáo khoa phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Trong đó, bộ sách Cánh Diều chiếm 32% tổng số sách giáo khoa lớp 1 được các trường trong cả nước lựa chọn.
Bộ trưởng cho hay, điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành sách như trước đây.
Trước phản ánh về việc sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, do GS.Nguyễn Minh Thuyết chủ biên) có mộ số nội dung không phù hợp, Bộ trưởng Nhạ nhắc lại việc ông đã yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 17/10/2020. Báo cáo đã hoàn thành, gửi Bộ theo đúng yêu cầu.
Từ kết quả báo cáo của Hội đồng, bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng, với nhà xuất bản và tác giả cuốn sách. Kết quả, tất cả các bên liên quan thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa nội dung cuốn sách cho phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cũng yêu cầu Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học.
Trước mắt, Bộ hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện việc dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ I, đồng thời khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong sách theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng xem xét phê duyệt trước ngày 15/11/2020.
Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, về “sự cố” sách giáo khoa tiếng Việt 1 lần này, mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính sách giáo khoa vẫn thường xuyên được thực hiện nhưng để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả, trong đó có công tác truyền thông về việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp của sách.
Đồng thời, bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ sách lớp 1 mới, chỉ đạo các Sở có giải pháp hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh, đẩy mạnh truyền thông nhằm tạo đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Ảnh: Dân Trí Giá sách giáo khoa tăng cao
Vấn đề đặt ra hiện nay là giá của bộ sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn khoảng 2 lần so với giá bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ (các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn).
Theo Bộ trường Phùng Xuân Nhạ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc sách giáo khoa lớp 1 có giá cao hơn là do nội dung sách giáo khoa lớp 1 mới cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình mới đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tích cực trong dạy học.
Điều đó khiến sách giáo khoa lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn sách giáo khoa lớp 1 cũ. Sách giáo khoa lớp 1 mới được in 4 màu (trong khi sách giáo khoa lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in sách giáo khoa phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, theo ông Nhạ, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như sách giáo khoa lớp 1 cũ.
Bộ Tài chính đã thẩm định giá nhưng các cấu thành giá sách giáo khoa (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn so với giá thành sách giáo khoa lớp 1 cũ.
Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn sách giáo khoa thực hiện việc tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang sách giáo khoa, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối sách giáo khoa (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành sách giáo khoa; quán triệt nghiêm việc biên soạn sách giáo khoa sử dụng được nhiều lần; khuyến khích học sinh giữ gìn sách giáo khoa, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; tiếp tục có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/chuyen-hoc-duong/bo-truong-bo-gddt-phung-xuan-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn