Sân chơi của trẻ em không chỉ là nơi nô đùa, giải trí mà còn là không gian thúc đẩy phát triển văn hoá tinh thần. Tại các thành phố lớn, trẻ em bị thiếu đi các điểm vui chơi lành mạnh khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, đặc biệt khi bắt đầu vào thời gian nghỉ hè.
Khi có thời gian rảnh, chị Hà My (quận Phú Nhuận, TP.HCM) sẽ dẫn con ra công viên Gia Định gần nhà để bé thoải mái chạy nhảy cùng các bạn. Gia đình chị My thuê trọ tại khu vực gần đó, con gái 8 tuổi của chị thường xuyên muốn được ra ngoài chơi vì không gian sinh hoạt trong nhà nhỏ hẹp. Khu vực hẻm phía trước nhà đã từng nhiều lần xảy ra tai nạn vì các bé thiếu quan sát nên chị My càng không yên tâm cho con ra trước nhà chơi.
Các em vui chơi ngay trên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông.
Vì sợ thiệt thòi cho con, nên trước khi nghỉ hè, chị My lên mạng tìm kiếm các khoá học năng khiếu, trại hè để đăng kí cho con. Các trại hè tại các tỉnh lân cận có nhiều hoạt động phong phú như tham quan rừng sinh thái dành cho bé, trở về thiên nhiên, học kĩ năng sinh tồn.. Nhưng chị cho biết, giá thành của các trại hè này khá đắt đỏ và cũng chỉ diễn ra khoảng 10 ngày đổ lại, gia đình chị không có điều kiện để chi trả.
Chị nói thêm rằng không muốn bắt ép con mình phải học quá nhiều vào thời gian nghỉ hè mà muốn con được thoải mái, vận động để tăng cường sức khoẻ.
Cùng nỗi lo lắng với chị My, anh Tuấn (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng đang lo nghĩ về sân chơi ngày hè cho hai con của mình. Trải qua đợt dịch kéo dài, con trai lớn của anh Tuấn được chẩn đoán có dấu hiệu bệnh tâm lý nhẹ, bác sĩ khuyên gia đình nên cho bé tham gia vào các hoạt động tập thể lành mạnh, tăng cường tương tác với bên ngoài. Anh Tuấn quan tâm đến việc tạo ra tủ sách gia đình, thường xuyên dẫn con đi đường sách Nguyễn Văn Bình, anh cũng dẫn con ra công viên, đi dã ngoại ở sở thú...
Tuy nhiên, các hoạt động này phụ thuộc vào thời gian rảnh của vợ chồng anh mà ngày hè thì kéo dài vài tháng. Anh Tuấn mong muốn tìm kiếm một chương trình hè xuyên suốt cho các bé nhưng rơi vào bế tắc.
Tình trạng thiếu vắng sân chơi đã tồn đọng tại các thành phố lớn từ nhiều năm nay. Phụ huynh lo lắng nếu không có sân chơi, trẻ dễ rơi vào các trò kém lành mạnh như nghiện game online, nhiều em chơi thể thao trên vỉa hè, trong hẻm rất nguy hiểm...Cơ sở vật chất tại các khu vui chơi trong công viên còn hạn chế và không được bảo quản, bào trì nên bị rỉ sét, hỏng hóc. Hoạt động sinh hoạt hè trong các tổ dân phố chưa thật sự phong phú, mang tính phong trào, máy móc dẫn đến nhàm chán, các em không có hứng thú tham gia.
Nhiều sân chơi công cộng bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em khó tiếp cận, hàng quán lấn chiếm. Sân chơi không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn, một số nơi không liền kề với khu dân cư dễ xảy ra tình trạng bị quấy rối, bắt nạt, xâm hại.
Chị Minh Khuê (quận Bình Thạnh, TP HCM) sinh sống tại một trong những khu chung cư đắt đỏ bậc nhất TP, tuy nhiên chị cũng như bao phụ huynh khác khi nỗi trăn trở về sân chơi ngày hè của các con luôn khiến chị phải suy nghĩ.
"Khi quyết định mua nhà ở đây, một phần là vì khu công viên rộng rãi văn minh trong khuôn viên, con mình sẽ thoải mái đi chơi ngay gần nhà mà mình không phải lo lắng. Tuy nhiên, đây cũng là khu công viên chung nên nhiều người ở ngoài vào ăn uống, cắm trại, đạp xe...Nhiều người thiếu ý thức nên ngay cả khu vực vui chơi trẻ em cũng ngồi nhậu nhẹt, hút thuốc. Cư dân đã phản ánh với bảo vệ nên tình trạng cũng đỡ hẳn nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn cao khi nhiều bạn trẻ trượt patin, trượt ván không quan sát, dễ va vào các bé", chị Khuê kể lại.
Chị Khuê gửi con tham gia vào buổi sinh hoạt hè dành cho con em cán bộ công ty nơi chị đang làm việc. Tuy nhiên các hoạt động này cũng diễn ra không thường xuyên. Ảnh NVCC
Chị Khuê chưa nghĩ ra kế hoạch nghỉ hè cho các con trong thời gian tới, chị cho biết sẽ tham khảo thêm bạn bè, các thông tin trên mạng rồi đưa ra quyết định. Ban đầu chị dự định đăng kí thêm lớp ngoại ngữ nhưng các bé không đồng ý.
Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy cho rằng trẻ em cần được tương tác, giao lưu với môi trường bên ngoài song song với việc học tập. Nếu không, tầm mắt của trẻ sẽ bị đóng khung bởi những điều rập khuân, thiếu đi tư duy sáng tạo khi không được quan sát thế giới xung quanh. Từ đó dẫn đến những nghèo nàn trong cảm xúc, dễ khép mình với xã hội hoặc sinh ra tính cách chống đối.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy vui chơi sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái, hỗ trợ cho sự phát triển kỹ năng tư duy và hiểu biết của trẻ cũng như kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Trẻ cần chơi một ngày ít nhất 2-3 giờ đồng hồ, khoảng thời gian vừa đủ để các nơron thần kinh được tái tạo.
Nguồn: https://phununews.nguoiduatin.vn/phu-huynh-tphcm-dau-dau-tim-cho-vui-choi-ngay-he-cho-c...
Xổ số
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn