Thì ra bây giờ, người ta không chỉ phải đối mặt với nỗi đau đớn trên bàn phẫu thuật mà còn phải nín thở để quên đi nỗi sợ hãi nếu bác sĩ có “sai một ly”.
Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện sai sót y khoa như bác sĩ quên gạc trong bụng bệnh nhân, đau chân phải mổ chân trái, cắt nhầm quả thận, cho thuốc sai liều lượng... Trong những sai sót đó của ngành y tế, ai cũng có thể là nạn nhân.
Mổ nhầm cắt sót: Quy trình giám sát chất lượng bệnh viện có vấn đề? Trong vụ cắt tử cung, khâu cắt cả niệu quản tại BV đa khoa Nông Cống – Thanh Hóa đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, phía bệnh viện cho biết: “Ca mổ này đều là những bác sĩ có kinh nghiệm của bệnh viện thực hiện, vì thế không thể nói chuyên môn yếu được. Trách nhiệm thuộc về cá nhân gây ra hậu quả”.
Còn nhớ trong vụ việc mổ nhầm ở Bệnh viện Việt Đức gây xôn xao dư luận gần 2 tuần trước đây, theo gia đình bệnh nhân, bác sĩ Phan Văn Hậu (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) đã thừa nhận do không đọc bệnh án trước khi mổ dẫn đến việc mổ nhầm chân.
Nhiều người sẽ băn khoăn với câu hỏi, trong một ê kíp mổ, đâu chỉ có riêng bác sỹ trực tiếp làm phẫu thuật chính? Còn y tá, điều dưỡng, bác sỹ gây mê, các nhân viên phụ mổ... Họ cũng đều không nhận ra sai sót?
Thực tế, mỗi bệnh viện đều có quy trình trước mổ, quy định rất rõ, từng người trong ê kíp mổ phải làm những gì trước khi bắt đầu ca phẫu thuật, đánh dấu vị trí phẫu thuật, các tình huống có thể xảy ra trong cuộc phẫu thuật...
Một bác sỹ ngoại khoa hàng đầu chia sẻ: “Khi bệnh nhân đã được gây mê, nằm trên bàn mổ, thì nhiều khi sẽ giống nhau ở cả hai bên chân. Và nếu như bỏ qua quy trình này, không đánh dấu vết mổ thì dù là bác sỹ giỏi đến mấy cũng có lúc nhầm lẫn”.
Với tình trạng tại nhiều bệnh viện, có những bác sỹ mổ cả chục ca mỗi ngày, thì quy trình trước mổ vốn ngặt nghèo lại càng dễ có thể bị bỏ qua. Kinh nghiệm từ các nghiên cứu một sai sót, sự cố y khoa xảy ra lỗi hệ thống/cá nhân là 70/30.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng RTCCD cho rằng: “Bác sĩ có thể thẳng thắng nhận lỗi về phần mình, nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề không phải là cá nhân mà là quy trình hay hệ thống hoạt động trong bệnh viện mới chính là yếu tố gây ra sai sót”.Siết chặt quy trình để giảm thiểu sai sót y khoa
Sau một sai sót y khoa, thường sẽ là câu chuyện xin lỗi – nhận trách nhiệm – đến bù ... Sẽ có nhiều người bệnh chẳng cần tiền đền bù hay lời xin lỗi nếu như sức khỏe hay khả năng lao động của họ vĩnh viễn chẳng còn nguyên vẹn. Nhưng rồi họ vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận thực tế đau buồn đó và câu chuyện của họ là nỗi sợ hãi của những người tiếp theo.
Chị M.N (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đành rằng người bệnh hiểu, bác sỹ cũng chỉ là con người, và cũng có lúc sai sót. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, đi viện là để chữa bệnh, chứ tiền mất tật mang thì không ai muốn. Bây giờ mỗi lần nhà có người đi mổ cứ có cảm giác như ngồi trên đống lửa. Ngành y tế cần phải làm gì đi chứ!”
Theo BS Trần Văn Phúc, BV đa khoa Xanh Pôn Hà Nội: “Nhiều người đánh giá bác sỹ gây ra sai sót như một tội đồ, nhưng theo tôi cần nhìn rộng ra. Điều tôi muốn nhấn mạnh là ngành Y tế cần đẩy mạnh giám sát chất lượng bệnh viện mà quan trọng nhất là đưa ra quy trình bệnh viện để các cán bộ y tế buộc phải tuân thủ”.
Sai sót y khoa là điều không thể tránh khỏi ở bất cứ nền y học nào, và cũng không có một giới hạn nào cho sai sót trong ngành Y. Nhưng thực tế, nhiều người bệnh dễ có thể thông cảm với trường hợp vì bệnh nặng quá mà có những tai biến theo kiểu bất khả kháng chứ vì tắc trách, “ăn bớt” quy trình thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những quy trình bệnh viện, tưởng chừng chỉ là những công đoạn vô hình, vô hồn, nhưng nếu bỏ qua hoặc lơ là, thì người bệnh chính là người lãnh đủ.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn