Ngày càng nhiều cặp vợ chồng Singapore không muốn sinh con do áp lực công việc, cuộc sống

Thứ bảy - 10/07/2021 13:57

Ngày càng nhiều cặp vợ chồng Singapore không muốn sinh con do áp lực công việc, cuộc sống

Càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng Singapore không muốn sinh con cái vì những lo lắng về tài chính, sự tự do hay cuộc sống hiện tại.

Khi anh Leon Chia và vợ kết hôn ở tuổi 25, cặp đôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ người thân và bạn bè về kế hoạch sinh con. 17 năm sau, cặp đôi vẫn chưa sinh con và vẫn bị hỏi những câu hỏi tương tự. Anh Leon Chia nói rằng những điều này khiến anh cảm thấy bực bội: "Tôi không nghĩ việc có con là điều bạn phải làm trong đời. Khi chúng tôi bước vào độ tuổi 30, chúng tôi nhận ra rằng mình đang tận hưởng tình yêu đôi lứa và không sẵn sàng có con".

Anh Leon Chia và vợ không chủ động lên kế hoạch sinh con ở độ tuổi 20. Họ coi cuộc hôn nhân là "chỉ có 2 chúng tôi, dọn đến ở cùng nhau, sống bên nhau và đi du lịch"."Tôi không muốn bị ràng buộc về tài chính, khi tôi phải lo lắng về việc kiếm tiền, không chỉ cho bản thân mà còn phải nghĩ đến một đứa con nữa. Đó là một nỗi lo lắng mà tôi không muốn đánh đổi bản thân hoặc con cái", anh Leon Chia chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Anh Leon Chia và vợ chỉ là một trong số nhiều cặp vợ chồng ở Singapore không muốn sinh con. Số liệu từ cuộc điều tra dân số mới nhất tại nước này cho thấy trong số những phụ nữ đã từng kết hôn, tỷ lệ những người chưa từng có con đã tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi được khảo sát. Ví dụ, đối với phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi, tỷ lệ không có con tăng từ 9,3% vào năm 2010, lên 13,5% vào năm 2020.

Số liệu thống kê này đang làm tăng thêm nỗi lo về vấn đề dân số của Singapore, cùng với tỷ lệ sinh giảm, dân số già đi nhanh chóng và tỷ lệ độc thân ngày càng tăng của người dân.

Có vô số lý do dẫn đến tình trạng các cặp vợ chồng không muốn sinh con, từ lo lắng về tài chính đến sở thích và cuộc sống riêng tư, thậm chí là cả vấn đề sinh sản khi nhiều cặp đôi trì hoãn việc kết hôn.

Theo Phó giáo sư Tan Ern Ser đến từ khoa xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cốt lõi của những lý do này là nhiều người ưu tiên công việc và kiếm sống. Ông nói: "Đối với những người làm công việc cấp trung bình đến cấp cao hơn, động lực khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho công việc là các chỉ số đo lường hiệu suất công việc (KPI). Họ có thể có ngày nghỉ nhưng công việc thì vẫn còn đó".

Ngoài ra, theo Phó giáo sư Tan, việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ đòi hỏi phải có người chăm sóc chúng mà còn phải “tham gia sâu vào sự phát triển của đứa trẻ, điều này có thể mâu thuẫn với việc ưu tiên đưa ra các chỉ số KPI".

Ảnh minh họa.

Cô Tanya Pillay, 28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, lo ngại phải đánh đổi sự nghiệp khi có con. Cô chia sẻ: "Nếu tôi là một người mẹ, tôi sẽ không thể yên tâm để tiến xa đến mức đó trong sự nghiệp của mình, để có thể làm việc cho đến đêm muộn, bạn không thể làm điều đó nếu bạn có con. Phụ nữ nên có cả 2: con cái và sự nghiệp. Tôi tin rằng điều đó có thể được thực hiện, nhưng có lẽ không phải ở Singapore". Cô Tanya cho rằng nơi mình sống là nơi mọi người phải làm việc với cường độ cao để kiếm sống và thiếu sự hỗ trợ cho các bậc cha mẹ.

Chồng của cô Tanya, người cô kết hôn năm 2019, cũng không muốn có con. Một lý do khác khiến cô Tanya không muốn sinh con là lo sợ đứa trẻ phải sống trong một xã hội có nhiều điều xấu xí: "Có sự phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bất bình đẳng, quá nhiều điều xấu xa và bất công xã hội mà chúng ta đang nhìn thấy hàng ngày. Đối với chúng tôi, những người đang sống trong thế giới này, chúng tôi phải làm mọi thứ có thể. Nhưng thật bất công khi đưa một đứa trẻ vào thế giới đó. Tôi còn chẳng muốn sống trong hoàn cảnh đó, nơi mà bạn chẳng biết mình sẽ thành công hay thất bại, và đứa trẻ sẽ lớn lên với hàng loạt tổn thương".

"Việc có con vẫn mang ý nghĩa với rất nhiều người và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Nhưng với riêng mình, khi không sinh con, tôi không nghĩ mình sẽ hối hận", cô Tanya nói thêm.

Cô Sherilynn Loh, 29 tuổi, giám đốc điều hành một công ty, cũng lựa chọn cuộc sống không con cái. Cô và chồng đã kết hôn nửa năm nhưng cuộc thảo luận về vấn đề con cái đã được đưa ra từ trước đó khá lâu. Cả 2 đều đồng ý rằng trách nhiệm phải gánh vác khi sinh con là quá lớn.

"Bạn có thể tạm nghỉ một công việc, giống như một ngày nghỉ phép. Nhưng nếu bạn có con, bạn không thể nói rằng không muốn chịu trách nhiệm cho đứa trẻ một ngày. Chúng tôi cũng cảm thấy quá sức để giải quyết công việc hiện tại, phải trả tiền nhà, các khoản vay học hành và chăm sóc cha mẹ của chúng tôi", cô Sherilynn nói.

Tương tự cô Tanya, cô Sherilynn cũng không muốn đưa trẻ em vào một thế giới với triển vọng "không tốt đẹp". "Đại dịch, sự thay đổi về chất lượng không khí do trái đất nóng lên, nhiệt độ tăng... Và chúng tôi không biết điều đó sẽ như thế nào trong 20 năm tới", cô Sherilynn nói.

Tuy nhiên, cô Sherilynn cho rằng trong tương lai, cô có thể sẽ thay đổi ý định. Điều này còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ cho những bậc phụ huynh tại nơi làm việc: "Chúng tôi có những người bạn là bố mẹ trẻ tuổi, những người không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống mặc dù họ có thời gian nghỉ để chăm sóc con cái. Ngoài ra, còn có những kỳ vọng về công việc, ví dụ như bạn vừa mới trở lại sau kỳ nghỉ thai sản nhưng vẫn phải đạt hiệu suất từ 90-100% so với trước đây. Nếu bạn nhìn vào những người mẹ và cách họ nuôi dạy con cái, hoặc khi họ đăng ký chương trình tiểu học cho con... đó là một cơn ác mộng. Và nó sẽ còn kéo dài đến khi những đứa trẻ trưởng thành".

Phó giáo sư Tan Ern Ser nhấn mạnh rằng chi phí sinh hoạt và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những vấn đề cấp bách nhất mà các chính sách hiện tại của chính phủ vẫn chưa giải quyết được. Ông nói thêm: "Nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần ưu tiên việc nuôi dạy trẻ và người sử dụng lao động nên suy nghĩ lại về cách họ đánh giá sự đóng góp của nhân viên".

Tiến sĩ Tan Poh Lin, trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc NUS, cho biết bà khá lo ngại khi thấy xu hướng nhiều phụ nữ không muốn sinh con. Bà cho rằng động cơ sinh con đầu lòng khác với động lực để có những đứa con tiếp theo.

Ví dụ, việc sinh con đầu lòng có thể xuất phát từ mong muốn được trải nghiệm vai trò làm cha mẹ, trong khi việc sinh thêm con có thể là để thêm anh chị em cho đứa con hoặc vấn đề giới tính của con. Vấn đề là tập hợp các động lực đầu tiên "có xu hướng thực chất hơn và ít có khả năng thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh, bao gồm cả các sáng kiến ​​chính sách".

Bà Tan Poh Lin nói thêm: "Điều dễ dàng giải quyết hơn là tập trung nhiều hơn vào việc khuyến khích sinh con sớm, để ngăn chặn các trường hợp không có con không tự nguyện do việc sinh con chậm trễ".

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ngay-cang-nhieu-cap-vo-chong-singapore-khong-muon-sin...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ngay-cang-nhieu-cap-vo-chong-singapore-khong-muon-sinh-con-do-ap-luc-cong-viec-cuoc-song-d280511.html

Chuyện ngược đời về phụ nữ Mông Cổ: Không lấy nổi chồng chỉ vì quá đẹp và thông minh
Những tưởng xinh đẹp và thông minh sẽ giúp phụ nữ tìm được một tấm chồng tốt và xứng đáng với mình nhưng trong xã hội Mông Cổ, điều này hoàn toàn...
Bấm xem >>

Phụ nữ đó đây

Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây