Cô gái duy nhất sống sót trong vụ rơi máy bay 3.000m: 11 ngày vật lộn trong rừng để sống

Thứ ba - 22/03/2022 21:38

Cô gái duy nhất sống sót trong vụ rơi máy bay 3.000m: 11 ngày vật lộn trong rừng để sống

Là người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay, cô gái 17 tuổi đã phải trải qua 11 ngày kinh hoàng nhất cuộc đời mình.

Vào đêm Giáng sinh năm 1971, Juliane Koepcke khi ấy 17 tuổi đã cùng mẹ bước lên chuyến bay LANSA Flight 508 khởi hành từ thủ đô Lima tới thành phố Pucallpa của Peru, để thăm bố mình, người đang làm việc trong khu vực rừng Amazon. 

Juliane sinh ngày 10/10/1954 tại Lima, cả bố và mẹ cô đều là nhà động vật học người Đức, chuyển đến Peru sinh sống để nghiên cứu về động vật hoang dã. Chỉ 1 ngày trước chuyến bay, Juliane đã nhận bằng tốt nghiệp trung học và dự định sẽ theo học ngành động vật học giống như bố mẹ mình.

Khi mẹ con Juliane lên máy bay, cơn bão cận nhiệt đới Nam Mỹ vừa đi qua, chuyến bay ngày hôm trước vừa bị hủy vì lý do thời tiết , nhưng Juliane lại cảm thấy cơn bão không đi qua nhanh đến vậy, và dự cảm của cô gái trẻ đã đúng.

Chuyến bay dự kiến dài khoảng 1h. Juliane ngồi ở hàng ghế số 19F và ban đầu nó khá suôn sẻ, nhưng chỉ một lúc sau, mây đen kéo đến và máy bay gặp nhiễu động. Đột nhiên, máy bay đi vào giữa một cơn giông bão lớn. Lúc này, máy bay đang ở giữa những đám mây đen, có thể nhìn rõ những tia chớp sáng bên ngoài cửa sổ. Thật không may, một tia sét đã đánh vào động cơ, khiến thân máy bay bị vỡ.

Máy bay sau đó chao đảo và mất kiểm soát, những tấm kính vỡ tung thành nhiều mảnh và Juliane vẫn đang ngồi trên chiếc ghế của mình, nhanh chóng nhận ra đang bị hút ra khỏi máy bay và rơi tự do. Cô rơi xuống rừng rậm Amazon từ độ cao hơn 3.000 m, xuyên qua những tán lá dày.

Bằng cách kỳ diệu nào đó, Juliane đã sống sót sau cú rơi tự do đó. Cô bị gãy xương đòn và có vết thương sâu ở bắp chân nhưng vẫn tỉnh táo. Khi Juliane tỉnh dậy vào sáng hôm sau, cô đã bị sốc nặng. Juliane không thể nhìn rõ một mắt, sau đó lại rơi vào trạng thái bất tỉnh. Phải mất nửa ngày, Juliane mới thực sự tỉnh táo được. Cô cố gắng đi tìm mẹ nhưng không thành công. Sau này khi được giải cứu, Juliane mới biết được rằng mẹ mình cũng vẫn còn sống khi máy bay rơi nhưng sau đó đã tử vong vì chấn thương quá nặng.

Juliane không có bất kỳ vật dụng sinh tồn nào trên người. Cô cũng bị mất kính, một chiếc giày và đang mặc một chiếc váy không có tác dụng bảo vệ cô khỏi rắn, nhện và muỗi. Cơ hội sống sót của Juliane trong khu rừng sâu với những vết thương nặng và những con vật hoang dã xung quanh gần như bằng không. Thế nhưng, bằng sức mạnh kì diệu của mình, cô vẫn sống sót.

Juliane đi bộ 11 ngày trong rừng, chiến đấu với côn trùng, vết thương ngày một lở loét và thậm chí đói đến lả cả người. Juliane nhớ lại những lời khuyên về kỹ năng sinh tồn mà bố đã dạy cô, rằng nếu nhìn thấy nước, chỉ cần đi xuống khu hạ lưu, đó là nơi con người sẽ sống. Vậy là từ đó, Juliane bắt đầu hành trình vượt thác nước trong rừng, khi thì đi bộ, khi thì bơi, bất chấp vết thương ở chân đang bị giòi ăn vô cùng đau đớn.

Vào ngày thứ 4 của chuyến hành trình, Juliane nhìn thấy 3 hành khách đi cùng chuyến bay với mình, vẫn đang ngồi trên ghế máy bay nhưng tất cả đều đã chết. Một trong số đó là phụ nữ và Juliane tưởng rằng đó là mẹ mình nhưng không phải. Trong túi của một hành khách có một túi kẹo và nó trở thành nguồn thức ăn duy nhất của Juliane trong những ngày còn lại. Juliane cũng đã nghe thấy tiếng máy bay cứu hộ và máy bay trực thăng trên đầu mình. Họ đến để giải cứu chiếc máy bay gặp tai nạn, nhưng đáng tiếc nỗ lực để thu hút sự chú ý của Juliane không thành công.

Vụ tai nạn máy bay năm ấy đã trở thành cuộc tìm kiếm cứu nạn lớn nhất trong lịch sử Peru nhưng do khu rừng quá rậm rạp và nguy hiểm, máy bay không thể tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn chứ đừng nói đến người còn sống. Sau một thời gian, Juliane không nghe thấy tiếng máy bay cứu hộ nữa. Cô từ bỏ hy vọng sẽ có người tới giúp mình và chỉ có thể tự dựa vào bản thân để sống.

Vào ngày thứ 9 trong rừng, Juliane nhìn thấy một túp lều. Cô lê thân mình vào đó rồi nằm bất tỉnh, tưởng rằng bản thân sẽ chết ở đây. Thế nhưng thật may mắn, Juliane đã nghe thấy vài giọng nói. Cô tưởng rằng mình tưởng tượng ra nhưng giọng nói đó là thật. Có 3 nhà truyền giáo cũng đang ở trong túp lều đó và chính họ đã cứu sống Juliane. Họ để cô ở lại đó một đêm, ngày hôm sau đưa cô đến một bệnh viện địa phương nằm ở thị trấn gần đó.

Sau khi tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng, Juliane đã được đoàn tụ với bố mình. Cô cũng giúp các nhà chức trách xác định vị trí của chiếc máy bay bị rơi, nhờ đó tìm được thi thể của những nạn nhân xấu số. Chuyến bay đó có tổng cộng 85 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, tất cả đều tử vong, chỉ trừ Juliane.

Ngay sau đó, Juliane trở nên nổi tiếng trên truyền thông, được ca ngợi là "cô gái thần kỳ". Không ai tin nổi cô có thể còn sống khi rơi từ một chiếc máy bay gặp nạn xuống khu rừng rậm, tự mình chiến đấu trong rừng suốt 11 ngày. Sự dũng cảm và phi thường của Juliane khiến ai nấy kinh ngạc và khâm phục.

Khả năng sống sót của Juliane là một chủ đề được bàn tán sôi nổi. Một số người cho rằng dây an toàn của Julian đã giúp cô giảm thiểu được tác động của lực khi rơi xuống đất và tính mạng của cô có thể đã được cứu do sức mạnh của cơn bão cùng những tán lá cây dày mà cô rơi vào.

Bên cạnh đó, sự huấn luyện mà cô học được từ bố mẹ mình đã giúp cô sống sót 10 ngày trong rừng sâu. Mặc dù nhiều người đều thừa nhận rằng ngay cả những người đi rừng nhiều kinh nghiệm nhất cũng khó có thể sống sót trong rừng rậm Amazon khi mà không có bất kì thiết bị hay biện pháp bảo vệ nào. Nhưng dù thế nào, sự dũng cảm, bình tĩnh, lạc quan và khôn ngoan của Juliane vẫn gây ngạc nhiên.

Tất nhiên, vụ tai nạn máy bay cũng để lại những hậu quả lớn đối với Juliane. Cô trở thành tâm điểm của truyền thông nên khó lòng quên được nỗi đau và sự ám ảnh, cả sự mất mát của người mẹ cô yêu thương nhất đến sự sợ hãi về những tổn thương đã trải qua. Nhiều năm sau đó, Juliane vẫn gặp ác mộng và luôn bất an khi đi máy bay.

Sau này, Juliane tiếp tục theo học ngành sinh học tại Đại học Kiel ở Đức vào năm 1980, sau đó nhận bằng tiến sĩ. Juliane đã trở lại Peru để nghiên cứu về gia phả học và kết hôn tại đây.

Năm 1998, Juliane quay trở lại địa điểm xảy ra vụ tai nạn máy bay năm xưa để ghi hình cho bộ phim tài liệu "Wings of Hope" (tạm dịch: "Đôi cánh của niềm hy vọng"), kể lại câu chuyện phi thường của mình. Hôm đó, Juliane một lần nữa ngồi ở hàng ghế 19F nhưng thật kỳ lạ, việc đó không khiến cô cảm thấy sợ hãi mà ngược lại còn có ích cho tâm lý. Sau này, Juliane cũng viết một cuốn hồi ký mang tên "When I Fell From the Sky" (tạm dịch: "Khi tôi rơi khỏi bầu trời").

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/co-gai-duy-nhat-song-sot-trong-vu-roi-may-bay-3000...Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/co-gai-duy-nhat-song-sot-trong-vu-roi-may-bay-3000m-11-ngay-vat-lon-trong-rung-de-song-d304694.html

Đệ nhất Phu nhân Ukraine: Giàu có khó tin, từng không ủng hộ chồng làm tổng thống
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phu nhân đã yêu nhau 8 năm trước khi tiến đến hôn nhân.
Bấm xem >>

Tin tức 24h

Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây