Samsung và Huawei đang là những cái tên đình đám của làng công nghệ thế giới. Ngoài những khối tài sản khổng lồ, điều mà công chúng quan tâm nhiều nhất chính là những câu chuyện “thâm cung bí sử” của các thành viên trong 2 gia tộc này. Và những nàng "công chúa" nổi tiếng đính kèm tai tiếng chính là điểm chung thú vị giữa 2 “ông lớn”.
“Công chúa Samsung” Lee Boo Jin
Lee Boo Jin sinh năm 1970, là một nữ doanh nhân người Hàn Quốc, chủ tịch chuỗi khách sạn Shilla và là đại tiểu thư của đế chế Samsung giàu có nhất Hàn Quốc. Thông tin đời tư của Lee Boo Jin không quá phong phú và phần lớn đều xoay quanh cuộc hôn nhân đầy tai tiếng.
"Công chúa Samsung" theo học chuyên ngành tiếng Pháp tại trường Trung học Ngoại ngữ Daewon, sau đó học Giáo dục và Phát triển Trẻ em tại Đại học Yonsei, đồng thời lấy bằng MBA tại Học viện Công nghệ Massachusetts ở Boston, Mỹ. Sau khi làm việc tại công ty của gia đình trong 15 năm, Lee Boo Jin nhanh chóng thăng chức và trở thành Giám đốc điều hành đầu tiên của Samsung.
Vào tháng 11/2017, giá trị tài sản ròng của Lee Boo Jin ước tính khoảng 2,1 tỷ USD và được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới (đứng thứ 93). Trên BXH tỷ phú mới nhất năm 2022, Lee Boo Jin xếp thứ 709 với khối tài sản 4,1 tỷ USD và là người giàu thứ 2 tại Hàn Quốc. Trong số các anh chị em của mình, Lee Boo Jin được cho là giống bố nhất. Cách xử lý công việc khiến cô được mệnh danh "tiểu Lee Kun Hee".
Vào năm 1990, Lee Boo Jin gặp chồng tương lai của mình là Im Woo Jae khi đang đi làm tình nguyện. Im Woo Jae khi ấy được báo chí mệnh danh là "chàng Lọ Lem" do có xuất thân bình thường nhưng lại lọt vào mắt xanh của "công chúa". Được biết, anh là nhân viên của một chi nhánh dịch vụ bảo mật trong tập đoàn Samsung.
Hầu hết các gia đình tài phiệt đều trải qua các cuộc hôn nhân sắp đặt, vì vậy, thông tin con gái lớn của Lee Kun Hee sắp kết hôn với một người làm công ăn lương bình thường, không có tài sản cụ thể, đã thu hút sự chú ý của truyền thông.
Sau khi kết hôn, Im Woo Jae đăng ký học lấy bằng MBA tại MIT, đồng thời làm cố vấn, sau đó được thăng chức làm phó giám đốc Samsung Electro-Mechanics vào năm 2011. Cặp đôi có với nhau một con trai.
Nhìn bên ngoài, hai người có vẻ rất hạnh phúc, không có bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, vào năm 2012, Lee Boo Jin đệ đơn ly hôn và giành quyền nuôi con trai. Phiên tòa kéo dài trong một năm. Lý do ly hôn không được tiết lộ nhưng nhiều ý kiến cho rằng cả 2 đã có những bất đồng về tính cách trong khoảng thời gian chung sống.
Ban đầu, Im Woo Jae nhấn mạnh anh không bao giờ đồng ý ly hôn để bảo vệ gia đình. Anh còn lên tiếng đính chính rằng việc mình là một nhân viên bình thường tại Samsung khi gặp vợ cũ là câu chuyện do đội PR bịa ra. Trên thực tế, anh là một vệ sĩ riêng cho Chủ tịch Lee Kun Hee, bởi Lee Boo Jin bị bệnh nên đã dựa dẫm vào anh chàng vệ sĩ này và dần nảy sinh tình cảm. Khi ấy, Im Woo Jae không có ý định tiến xa hơn nhưng chính chủ tịch Lee là người đã khuyến khích anh kết hôn với con gái mình.
Vào tháng 7/2017, tòa án ra phán quyết Lee Boo Jin phải trả cho chồng cũ 7,6 triệu USD để có được quyền nuôi con trai. Im Woo Jae đã đòi 1,1 tỷ USD vì cho rằng mình xứng đáng với một nửa tài sản của vợ cũ. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng vẫn không thay đổi, Im Woo Jae chỉ có được 7,6 triệu USD và mỗi tháng được gặp con một lần.
"Công chúa Huawei" Mạnh Vãn Chu
Là con gái người sáng lập tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, Mạnh Vãn Chu, sinh năm 1972, được nội bộ công ty gọi là "công chúa". Sau đó, bà nổi tiếng khắp thế giới khi mắc kẹt tại Canada trong gần 3 năm do vướng vòng lao lý.
Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Washington đã tìm cách dẫn độ bà vì cáo buộc lừa đảo Ngân hàng HSBC và các ngân hàng khác bằng cách xuyên tạc mối liên hệ giữa Huawei và Skycom - một chi nhánh bán thiết bị viễn thông cho Iran. Vụ án Mạnh Vãn Chu đã làm tăng thêm chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy Canada vào thế khó khi đứng ở giữa.
Vào thời điểm Mạnh Vãn Chu bị bắt, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, sau Samsung Electronics. Tập đoàn này cũng đứng ở vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 với doanh thu cao nhất là 136 tỷ USD trong năm tài chính 2020.
Bố của Mạnh Vãn Chu, tỷ phú Nhậm Chính Phi đã thành lập công ty với số tiền vài nghìn USD vào năm 1987, sau đó phát triển Huawei thành một trong những nhà cung cấp phần cứng hàng đầu thế giới cho các mạng viễn thông.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin "công chúa Huawei" từng có khởi đầu cực kỳ khiêm tốn tại tập đoàn. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên của Mạnh Vãn Chu tại công ty là trả lời điện thoại và đánh máy. Thế nhưng bà đã tiếp tục học để lấy bằng quản lý và sau đó gia nhập bộ phận tài chính của Huawei.
Cũng theo truyền thông, Mạnh Vãn Chu sống ẩn mình suốt nhiều năm đến nỗi không ai biết bố bà là ai. Việc mang họ mẹ chính là một trong những minh chứng cụ thể nhất. Trong các cuộc phỏng vấn, Mạnh Vãn Chu cũng gọi bố mình là "chủ tịch Nhậm" chứ không xưng hô thân mật.
Nhưng sự nghiệp của Mạnh Vãn Chu nhanh chóng thành công, bà vươn lên vị trí tài chính hàng đầu trong tập đoàn. Bà đã tổ chức lại kiến trúc tài chính và công nghệ thông tin của công ty từ những năm 2000, để công ty có thể đối phó với tốc độ phát triển toàn cầu nhanh chóng.
Rất ít thông tin về hoạt động nội bộ của Huawei bởi nó không được niêm yết công khai. Bản thân Mạnh Vãn Chu cũng là một ẩn số cho đến năm 2011, khi công ty lần đầu công khai các vị trí lãnh đạo cao nhất. Mạnh Vãn Chu khi ấy được công bố là Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei.
Sau đó, Mạnh Vãn Chu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Bà đại diện cho Huawei ở nước ngoài, cọ xát với các nhà lãnh đạo thế giới và các ông chủ tập đoàn. Trái ngược với những nam giám đốc nhạt nhẽo, Mạnh Vãn Chu được biết đến với nụ cười dễ mến, nói tiếng Anh tốt. Dù được mệnh danh là "công chúa Huawei" nhưng Mạnh Vãn Chu rất dễ gần và được mọi người yêu mến, tôn trọng.
Trước khi bị bắt, nhiều người đồn đoán Mạnh Vãn Chu đã được nhắm đến cho vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của Huawei. Ông Nhậm Chính Phi từng nói trên truyền hình rằng thử thách này "sẽ giúp con bé mạnh mẽ hơn và chuẩn bị cho những điều to lớn hơn trong tương lai".
Sau 1.028 ngày bị giam lỏng tại Canada, Mạnh Vãn Chu đã trở về Thâm Quyến, Trung Quốc vào ngày 25/9/2021. Và chỉ sau hơn 6 tháng về nước, bà đã được bổ nhiệm là chức Chủ tịch luân phiên của Huawei. Đây là minh chứng cho câu nói của Nhậm Chính Phi đã trở thành sự thật.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn