Ở khu rừng Dodauer, miền bắc nước Đức, cách thành phố Hamburg khoảng 100 km về phía đông bắc, có một "ông mối" già nhất thế giới, đó là một cây sồi hàng trăm năm tuổi. Điều đáng nói, "ông mối" đặc biệt này còn có mã bưu chính của riêng mình trong hơn 95 năm qua. Giống như tình yêu, cây cổ thụ 500 năm tuổi đứng vững chãi và cao lớn bất chấp bão giông cuộc đời.
Được biết đến với cái tên Der Bräutigamseiche (Cây sồi chú rể), cây cổ thụ bên ngoài thị trấn Eutin này đã mai mối cho những người độc thân từ rất lâu trước khi Tinder xuất hiện. "Ông mối" mát tay này được cho là đã giúp hơn 100 cặp đôi đến với nhau. Ngày nay, mọi người từ khắp nơi trên hành tinh viết thư gửi đến cây, hy vọng rằng với một con tem bưu chính, họ có thể tìm được người bạn đời của mình.
Người đưa thư được giao nhiệm vụ chuyển những lá thư tình mang theo hy vọng của người độc thân từ mọi nơi trên thế giới này là Karl-Heinz Martens. Kể từ năm 1984, cụ ông 76 tuổi này đã đều đặn đến lấy và chuyển thư suốt hơn 20 năm.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2018, ông Karl chia sẻ: "Có điều gì đó thật kỳ diệu và lãng mạn về nơi này. Ở trên mạng, sự thật và những câu hỏi sẽ kết nối mọi người, còn ở cái cây này, đó là một sự tình cờ tuyệt diệu, giống như định mệnh vậy".
Dù giờ đã nghỉ hưu nhưng ông Karl vẫn giữ một cuốn sổ lưu niệm chứa đầy hình ảnh, thư từ và những mẩu báo từ thời còn là sứ giả tình yêu. Mỗi khi được ai hỏi về chúng, ông sẽ vui vẻ cho xem lại từng kỷ vật và kể lại những câu chuyện xúc động.
Ông Karl-Heinz Marten.
Trong 2 thập kỷ phục vụ cây sồi, ông Karl đã chuyển những lá thư từ 6 lục địa, viết bằng những ngôn ngữ mà ông không hiểu. Ông giải thích rằng ngày nay rất nhiều người đã biết đến cái cây nhưng 128 năm trước, đây là bí mật của 2 người yêu nhau.
Vào năm 1890, một cô gái địa phương tên Minna đã yêu một người thợ làm socola tên Wilhelm. Nhưng tình yêu này lại bị bố Minna cấm cản, vì vậy, đôi trẻ bắt đầu bí mật trao đổi những bức thư tình bằng cách để chúng trong hốc mắt cây sồi. Một năm sau đó, bố Minna cuối cùng cũng cho phép cô kết hôn với Wilhelm và hôn lễ của họ diễn ra dưới tán cây sồi vào ngày 2/6/1891.
Chuyện tình như cổ tích của cặp đôi sau đó lan rộng. Chẳng bao lâu sau, những người khao khát tình yêu trên khắp nước Đức bắt đầu viết thư tới cho "cây sồi chú rể".
Cây sồi nhận được nhiều thư đến nỗi vào năm 1927, dịch vụ bưu chính Deutsche Post của Đức đã cấp mã bưu điện và một người đưa thư cho nó. Người ta cũng đặt một cái thang lên hòm thư để bất cứ ai cũng có thể mở, đọc và trả lời các bức thư. Quy tắc duy nhất được đưa ra đó là nếu bạn mở một bức thư nhưng không muốn hồi âm, hãy đặt nó trở lại hốc cây sồi để người khác làm điều đó.
Martin Grundler, người phát ngôn của Deutsche Post nói rằng “Cây sồi nhận được khoảng 1.000 lá thư mỗi năm, hầu hết đến vào mùa hè. Tôi cho rằng đó là lúc ai cũng muốn yêu ”.
Với những ai đã có "người trong mộng", tương truyền rằng cô gái chỉ cần đi quanh thân cây sồi 3 vòng dưới ánh trăng và nghĩ về người yêu của mình, không nói không cười thì cô ấy sẽ kết hôn trong năm đó.
Ngày nay, "cây sồi chú rể" vẫn là cái cây duy nhất trên thế giới có địa chỉ gửi thư riêng. Cứ 6 ngày mỗi tuần trong 91 năm qua, một người đưa thư đã đi bộ xuyên rừng, bất chấp nắng mưa, bão, tuyết để chuyển đến thư tình của những người độc thân đang khao khát tình yêu. Và chưa có ai chuyển thư đến cho cây sồi lâu hơn ông Karl. "Đó là một phần công việc yêu thích của tôi trong ngày. Mọi người thường ghi nhớ tuyến đường của tôi, chờ tôi đến bởi họ không tin có một người đưa thư chuyển thư đến cho cái cây", ông chia sẻ.
Vào năm 1958, một người lính trẻ tên Peter Pump đã thò tay vào gốc sồi và lấy được một mảnh giấy có ghi tên, địa chỉ trên đó. Sau khi ý nghĩ trong đầu lóe lên, anh quyết định viết thư hồi âm. Nhân vật chính trong lá thư là cô Marita. Vì quá nhút nhát nên bạn bè Marita đã giúp cô viết thư gửi đến cây sồi mai mối này. Sau một năm trao đổi thư từ, Peter và Marita cuối cùng cũng đủ can đảm để gặp nhau. Họ kết hôn vào năm 1961 và kỷ niệm 57 năm ngày cưới vào năm 2018.
Một đám cưới dưới gốc cây sồi.
Hay như chuyện tình định mệnh của gia đình Christianen cũng nên duyên nhờ cây sồi này. Vào năm 1988, ông Karl chuyển lá thư của một cô gái Đông Đức 19 tuổi tên Claudia đến cây sồi. Một nông dân Tây Đức là Friedrich Christiansen đã tìm thấy lá thư và hồi âm. Đến lá thư thứ 40 thì họ chính thức trở thành một cặp. Không thể gặp nhau do chia cắt địa lý, Friedrich và Claudia đã trao đổi thư từ trong gần 2 năm qua biên giới. Khi bức tường Berlin sụp đổ, họ gặp nhau lần đầu tiên và kết hôn vào tháng 5/1990.
Năm 1989, một đài truyền hình của Đức thực hiện chương trình đặc biệt về cây sồi. Họ hỏi Karl rằng bản thân ông đã bao giờ tìm thấy tình yêu dưới tán cây sồi chưa. Chàng trai Karl khi ấy nói mình chưa thử. Vài ngày sau, khi Karl leo lên thang để chuyển thư cho cây sồi, anh phát hiện thư viết tay của một người phụ nữ tên Renate gửi cho chính mình: "Em rất muốn gặp anh. Anh là hình mẫu trong lòng em. Hiện tại, em cũng một mình".
Quá bất ngờ trước lá thư này, Karl đã gọi điện cho cô gái. Sau cuộc trò chuyện có chút bối rối và vụng về, họ hẹn gặp nhau. "Chúng tôi kết hôn vào năm 1994 và làm tiệc cưới dưới gốc cây sồi", ông Karl nói về kết quả của mối tình này. Tờ báo địa phương đã in một bức ảnh của ông Karl đứng trên bậc thang và một cặp đôi mới cưới hôn nhau dưới gốc cây sồi cùng dòng tiêu đề: "Đám cưới của năm". 24 năm sau, ông Karl và bà Renate vẫn sống bên nhau hạnh phúc. Người đưa thư vẫn giữ toàn bộ những lá thư tình của vợ.
Ông Karl và bà Renate.
Vào năm 2009, sau hơn 100 năm se duyên cho con người, "cây sồi chú rể" đã kết hôn tượng trưng với một cây hạt dẻ 200 tuổi gần Düsseldorf. Dù cách nhau 503 km, chúng vẫn bên nhau 6 năm cho đến khi cây hạt dẻ bắt đầu già yếu và phải chặt bỏ, để lại "chàng rể góa vợ".
Ông Karl cho biết kể từ khi đưa thư đến đây, cái cây càng ngày càng khỏe. Giữa ông và cây sồi dường như có mối liên hệ đặc biệt. Khi người ta phát hiện cây bị nhiễm nấm, phải chặt bỏ một số cành để ngăn bệnh lây lan thì bản thân ông Karl cũng được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Ông nói xương của mình cũng giống như cành cây, không còn ổn định nữa. Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Karl vẫn thích quay lại thăm cây, nhớ lại những ngày đưa thư, kết nối tình yêu ngày xưa.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/
Chuyện lạ thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn