Phở, món ăn không thể thiếu của người dân Hà Thành
Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam và là món ăn không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người dân Hà Thành. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,.. tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm hoặc ăn tối. Phở còn được ăn kèm cùng hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó mùi tàu là loại lá đặc trưng của phở.
Phở có nhiều loại, bên cạnh phở bò phổ biến còn có phở gà, phở heo, phở tôm... Chính những hương vị đậm đà của nước dùng và ấm áp của một tô phở nóng hổi làm cho những người con Hà Thành cứ đi xa lại nôn nóng trở về quê hương để thưởng thức một tô phở nóng.
Hà Nội có nhiều quán phở nổi tiếng như Phở Cồ Cử: trên đường Liễu Giai cắt Kim Mã; phở Mậu Dịch phố Lý Quốc Sư, phở Thìn ở Lò Đúc... Du khách có thể chọn bất cứ quán phở nào đó để làm điểm đến dừng chân cho mình tại Hà Nội.
Chả cá Lã Vọng niềm tự hào của người dân Hà Nội
Chả cá Lã Vọng là tên của một món ăn đặc sản tại Hà Nội, là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Tác giả Patricia Schultz đã đưa món chả cá Lã Vọng vào cuốn "1.000 nơi nên biết trước khi chết" (1000 Places to See Before You Die). Hãng tin MSNBC chọn nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi chết (2003).
Chả cá mang hương vị độc đáo nơi thủ đô được làm từ cá lăng, cũng có thể thay bằng cá nheo hay cá quả nhưng cá lăng vẫn đem lại hương vị thơm ngon nhất. Cá được đem tẩm ướp rồi nướng trên than sau đó rán lại trong chảo mỡ.
Căn nhà số 14 phố Chả cá của gia đình họ Đoàn là nơi bắt nguồn của món ăn độc đáo này. Với hương vị thơm ngon, có thể nhâm nhi với rượu cho một mùa đông ấm áp hay thưởng thức cùng bia trong ngày hè nắng nóng, món chả cá Lã Vọng đã làm cho biết bao nhiêu con tim xa xứ phải nhớ đến. Nếu không muốn đi ăn ở ngoài quán, bạn có thể mua cá lăng về và chế biến thành món chả cá đúng chất Hà Nội.
>>> Xem ngay: Cách làm chả cá Lã Vọng ngon nhất đúng kiểu Hà Thành
Bún đậu mắm tôm món ăn dân dã, quen thuộc
Một món ăn dân dã mà không kém phần hấp dẫn khi nhắc đến Hà Nội chính là món bún đậu mắm tôm. Nguyên liệu chính của món ăn này chính là bún, mắm tôm, đậu rán, một ít lát chả giò và rau thơm. Chính vì thế mà món bún đậu mắm tôm ở Hà Nội được rất nhiều học sinh, sinh viên và người dân lao động ưa chuộng.
Biến tấu một chút từ món ăn này, du khách có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm ăn kèm với chân giò luộc, chả cốm, nem… cũng tạo nên một món ăn khá hấp dẫn.
Với vị thơm đặc biệt chỉ có ở mắm tôm, vị giòn của đậu rán, thêm một chút xanh từ rau thơm sẽ phải khiến những thực khách khi thưởng thức món ăn này sẽ lại muốn thưởng thức thêm một lần nữa. Du khách có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm ở 104 C3 khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy; bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên; bún đậu Việt, Hàng Khay...chắc hẳn du khách sẽ luôn nhớ tới món ăn thơm ngon, hấp dẫn khi rời xa Hà Nội.
>>> Xem ngay: Cách làm bún đậu mắm tôm ngon đổi vị cho cả nhà
Bánh tôm Hồ Tây nét đặc trưng của ẩm thực đất kinh kỳ
Bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Hà Nội đều muốn thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây. Đây là một nét đặc trưng trong nền ẩm thực của mảnh đất kinh kỳ. Món bánh tôm Hồ Tây thu hút bởi vị giòn béo của bánh đa bọc ngoài và vị ngọt ngào của những chứ tôm bên trong.
Bánh được làm từ tôm nước ngọt hồ Tây bọc bột mì cho vào chảo mỡ nóng ngập bánh cho chín tới. Khi bánh phồng lên và ngả màu vàng có mùi thơm ngậy thì lấy bánh gác lên hai que đũa xếp ngang chảo cho ráo mỡ. Khi ăn bánh nóng, bạn có thể ăn cùng với nước chấm vị chua, ngọt và cay, thêm chút dưa món sẽ cho món ăn thêm đậm đà. Bánh tôm ăn cùng rau xà lách, có thể thêm bún rối và rất hợp với bia. Rất đúng với phong cách Hà Thành.
Bánh tôm Hồ Tây càng xa lại càng nhớ bởi bánh tôm đã xuất hiện từ năm 1970-1980, bánh tôm đã đi vào đời sống thường nhật và chan chứa bao nhiêu kỷ niệm trong ký ức của nhiều thế hệ nơi đây. Bạn có thể thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
>>> Xem ngay: Cách làm bánh tôm Hồ Tây cực ngon
Bún ốc món ăn quen thuộc của người dân Hà Thành
Bún ốc là món ăn không thể thiếu trong những bữa ăn hằng ngày của người dân Hà Thành, có thể dùng làm bữa sáng hay trưa, tối đều có thể được. Đây cũng là món ăn đặc trung cho nét văn hóa ẩm thực Hà Nội.
Thành phần không thể thiếu trong món bún ốc là ốc, bún, dấm bỗng,đậu phụ, cà chua, hành và lá tía tô, thêm một ít rau sống. Tô bún ốc mang vị chua chua của dấm bỗng, vị giòn đậm đà của ốc, ăn kèm với đậu phụ rán, rau sống... Chế biến món bún ốc không khó, nhưng tô bún ngon vẫn là bí quyết riêng của mỗi người.
Bún ốc với hương vị đậm đà khiến du khách đến đây cứ đi xa là nhớ. Du khách khi đến Hà Nội có thể thưởng thức món bún ốc ở khu vực Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), bún ốc bà Sáu 73A phố Mai Hắc Đế… chắc hẳn sẽ để lại cho du khách những hương vị lưu luyến.
>>> Xem ngay: Cách nấu bún ốc ngọt vị, nóng hổi cho bữa sáng
Vịt áp chảo đặc trưng ẩm thực Bắc Bộ
Món vịt áp chảo tuy không quá nổi tiếng ở Hà Nội nhưng món ăn này lại thể hiện được đặc trưng của ẩm thực vùng Bắc Bộ. Món vịt áp chảo ngon hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn vịt có thịt chắc hay không và ở nước dùng và nước sốt lên vịt. Đó cũng chính là lý do khiến cho người con đất Hà Thành hay những du khách khi đến đây, thưởng thức món ăn này lại lưu luyến đến như vậy. Vị giòn tan của da vịt được áp chảo, mặn ngọt của nước dùng ăn kèm với một ít bún sẽ khiến cho du khách cảm thấy thoải mái vô cùng.
Du khách có thể đến với số 217 phố Kim Mã để thưởng thức món vịt áp chảo độc đáo tại Hà Nội này, ngoài ra du khách còn có thể thưởng thức món lẩu vịt măng, lẩu vịt om sấu cực ngon tại đây.
Bún chả món ăn phổ biến ở Hà Nội
Bún chả là món ăn ở miền Bắc Việt Nam, phổ biến nhất là ở Hà Nội. Món ăn này có nét tương tự như món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước dùng có vị thanh nhẹ hơn. Chính hương vị thanh nhẹ này đã gây nên nỗi nhớ đối với người con Hà Thành khi đi xa.
Bún chả thường có cùng một lúc hai loại chả: Chả viên và chả miếng. Được mướng trên than củi. Bún dùng trong chả thường là bún rối, thường vắt thành những cuộn chặt, vừa một lần gắp. Bún ăn kèm với rau sống. Khi bày trên bàn ăn sẽ gồm 2 bát: một bát là bún và một bát là chả hòa với nước mắm pha loãng cùng đu đủ, cà rốt…
Để thưởng thức món bún chả thanh tao tại Hà Thành, du khách có thể đến quán bún chả Đắc Kim, phố Hàng Mành; bún chả Duy Diễm, bún chả Sinh Từ…
>>> Xem ngay: Làm món bún chả thịt nướng cho bữa trưa cực ngon
Chân gà nướng
Ở Hà Nội, phố Lý Văn Phức (con phố nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học) là nơi có chân gà nướng ngon và nổi tiếng nhất. Cả phố Lý Văn Phức đều bán chân gà nướng nhưng thực khách “đồn” nhau rằng quán cuối cùng là quán ngon nhất.
Cánh và chân gà được nướng thơm phức, ăn kèm khoai lang và bánh mỳ phết mật ong, dưa leo ngâm dấm, chấm chút tương ớt… là món ngon mà du khách không thể chối từ khi đến với Hà Nội. Vị thơm và giòn của chân gà nướng khiến bất cứ du khách nào khi đi xa ta lại luôn nhớ về Hà Nội.
>>> Xem ngay: Vào bếp làm 2 món chân gà nướng ngon tuyệt
Nộm bò khô
Nộm bò khô là món ăn đã khá quen thuộc với người dân Hà Nội. Đĩa nộm bò khô thanh mát cùng tiếng kéo leng keng của những gánh hàng rong đã gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm của bao người dân Thủ đô. Hiện nay, nộm bò khô đã có mặt ở khắp các ngõ phố Hà Nội, từ những gánh hàng rong, quán vỉa hè tới các cửa hàng có treo biển hiệu.
Đĩa nộm bò khô bao gồm những nguyên liệu chính là đu đủ xanh nạo nhỏ, thịt bò khô cắt miếng, rau thơm, lạc rang, còn có thêm thịt quay thái mỏng và vài miếng mề quay. Tất cả được xếp chồng lên nhau rồi rưới lên đó một ít nước mắm giấm chua ngọt. Khi ăn mới trộn đều các nguyên liệu cho thấm vừa gia vị. Du khách có thể thưởng thức món nộm bò khô này ở phố Hoàn Kiếm, nộm Lim- Hàng Bún, nộm Hàm Long…
>>> Xem ngay: Cách làm nộm bò khô đu đủ ngon cho bữa ăn cuối tuần
Kem Tràng Tiền làm say lòng bao thế hệ người dân Thủ đô
Kem Tràng Tiền từ lâu đã nổi tiếng với hương vị đặc biệt làm say lòng không biết bao thế hệ người Hà Nội và làm cho những con người này phải lưu luyến nhớ về khi phải chia xa. Những ai một lần đến Hà Nội và được thưởng thức kem Tràng Tiền thì khó có thể quên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất riêng của Hà Nội - vừa đứng vừa ăn kem.
Kem Tràng Tiền nổi tiếng với vị béo ngậy với những hương vị khác nhau từ sô cô la, đậu xanh, cốm, sữa, vani… vừa hiện đại, vừa truyền thống hòa lẫn trong một cây kem mát lạnh. Kem Tràng Tiền ra đời từ năm 1958 và từ đó đến nay luôn nhận được sự tin yêu từ phía thực khách không chỉ người Hà Nội nói riêng và bất cứ du khách nào khi xa Hà Nội cũng không thể quên được món kem Tràng Tiền.
Kem Tràng Tiền đông nhất là vào mỗi chiều tối, từ học sinh đến người đi làm, từ trẻ đến già đều hội họp đến nơi đây, chen chân mua cho mình được một cây kem béo béo, lạnh lạnh như một cách giải stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Đó dường như đã trở thành một thói quen trong đời sống của người dân Hà Nội.
Phở cuốn, nét chấm phá của ẩm thực Hà Thành
Ở Hà Nội, nơi bán phở cuốn nhiều và nổi tiếng nhất có lẽ là phố Ngũ Xã. Chẳng ai biết phố Ngũ Xã được gọi là phố phở cuốn từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng cho đến thời điểm bây giờ thì chỉ đếm sơ thôi, còn phố này cũng đã có tớ gần chục hàng phở cuốn san sát gần nhau.
Cùng là những nguyên liệu như bánh phở tráng mỏng, thịt bò, rau thơm… vậy nhưng lại dễ thấy quán này đông khách quán kia vắng khách. Nguyên nhân tất cả nằm ở bí quyết cuốn phở và pha nước chấm rất riêng của mỗi cửa hàng. Thường thì ai cũng nghĩ rằng cuốn phở thật đơn giản, vậy nhưng mọi chuyện lại chẳng dễ dàng nếu không quen tay và khéo léo.
Phở cuốn muốn ngon là phải được cuốn bằng miếng bánh phở trắng ngần, mỏng nhưng dai và không bị bở, có vậy khi cuốn mới ngon và hấp dẫn. Thành phần chính của phở cuốn chính là thịt bò được xào tái tỏa hương thơm hấp dẫn và còn nóng. Thịt bò được xếp nằm ngay ngắn trong miếng bánh phở, sau đó, người làm nhanh chóng chọn những cọng rau tươi mơn mởn xếp cùng.
Thông thường, rau ngổ, rau xà lách và rau mùi là ba loại rau được “chuộng” nhất để phục vụ cho việc cuốn phở. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng thường chỉ chọn một trong ba loại rau này để cuốn mà thôi. Thế nhưng, khách sành săn thường yêu cầu phải có cả ba loại rau này, bởi đó mới thật sự đúng vị và dậy mùi đặc trưng của phở cuốn.
Sau khi đã chọn nguyên liệu đầy đủ, việc tiếp theo là cuốn miếng phở lại cho thật đẹp mắt và xếp vào đĩa. Công việc tiếp theo là pha nước chấm cho món ăn này. Nước chấm của phở cuốn phải có đủ những vị chua, cay, ngọt, mặn, trong đó nổi lên những miếng đu đủ cà rốt được tỉa khéo để làm tăng hương vị của món ăn.
Vào những buổi chiều tại Ngũ Xã bạn có thể bắt gặp những hình ảnh thực khách xếp hàng để thưởng thức món phổ cuốn thơm ngon, hấp dẫn khiến bất kỳ ai đi xa cũng nhớ về.
>>> Xem ngay: Cách làm phở cuốn Hà Nội ngon đúng điệu cho gia đình
Chúc bạn ngon miệng với những món ăn ngon, nổi tiếng của Hà Thành trên đây!
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn