Phở bò
Khi nhắc tới phở, nhiều người vẫn quen nhớ gọi tên Hà Nội nhưng ít ai biết nguồn gốc của phở ở Hà thành hay Nam Định cho tới nay vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò. Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm.
Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức món phở bò cụ Tặng tại chính mảnh đất Nam Định.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm là món ăn gần gũi với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Nem nắm được dùng làm mồi nhậu quen thuộc trong các cuộc vui dân dã. Nem Giao thủy là đặc sản đáng tự hào của huyện Giao Thủy, Nam Định.
Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị. Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
Bánh cuốn làng Kênh
Bánh cuốn làng Kênh mỗi lá bánh gấp lại chỉ còn to bằng bàn tay, mỏng tang, người ta gỡ từng lá bánh ra như giở từng tờ giấy bản của một tập sách chữ nho. Những miếng bánh vừa mềm vừa mướt, cứ thế chấm nước mắm ăn là đã đủ ngon.
Bánh cuốn ngon nhất phải làm bằng gạo gì? Có người bảo cứ lấy thứ gạo ngon nhất mà làm. Chỉ riêng những người làng Kênh tất cả đều cho rằng phải có gạo mộc tuyền mới làm được bánh cuốn ngon. Ngày xưa mộc tuyền cũng là một thứ gạo ngon ở Nam Định nhưng lâu rồi có nhiều giống lúa mới năng suất cao hơn, ngon hơn nên ít ai còn trồng, nhiều nơi người ta còn không biết đến tên giống lúa ấy nữa, phải nhờ các đại lý thu gom từ Thái Bình đưa sang, các huyện Giao Thủy, Hải Hậu đưa lên. Gạo mộc tuyền thổi lên cơm ăn hơi khô nhưng làm bánh cuốn thì lại rất hợp. Bánh vừa mềm, vừa mịn, vừa róc lại có độ dai.
Giò lụa
Nếu bạn đã một lần thưởng thức giò lụa Nam Đinh, có lẽ khó có thể quên được vị ngọt đậm đà, mềm mà vẫn giòn thơm rất riêng. Người Nam Định rất cẩn thận trong việc chọn lựa, pha và luộc thịt. Giò được làm từ thịt lợn nguyên nạc ở mông hoặc thăn. Từng miếng giò thành phẩm khi thái ra có màu hồng, mặt giò có nhiều lỗ rỗ, tỏa mùi thơm, ăn ngọt, giòn, không bị bã. Đặc biệt, giò để lâu không thiu, có thể bảo quản ở môi trường bình thường khoảng một tuần mới hỏng.
Bánh nhãn
Bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ đơn giản vì nó tròn và có màu giống quả nhãn. Bánh được làm từ một trong những sản phẩm nông sản của vùng đất nông nghiệp giàu có – loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguyên liệu làm bánh cũng như các khâu chế biến đều được chọn lựa, thực hiện kĩ càng công phu. Gạo nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn đều phải lựa loại ngon để bánh rán xong tròn trịa, màu giống quả nhãn và đều nhau nhìn bề ngoài có độ bóng. Khi ăn có độ giòn và có vị mát.
Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh. Ngày nay bánh nhãn có mặt khắp nơi trong tỉnh Nam Định, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của địa phương.
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn