Nhãn lồng
Nhãn được trồng ở nhiều nơi trên đất nước nhưng lại “bén duyên” với mảnh đất Hưng Yên bởi loại nhãn nơi đây sai trĩu quả, khi chín hương thơm lan tỏa khắp đất trời. Nhãn ra hoa vào đúng mùa xuân, những ngày có cả mưa phùn và lạnh. Nếu vào dịp có nắng ấm, hương thơm sẽ tỏa nhẹ thơm mát làm ngây ngất lòng người; giá trị và hương vị ngọt ngào hiếm có của những cây nhãn nơi đây đã trở thành quà tặng mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho mảnh đất này.
Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ. Đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, nặng trĩu. Hưng Yên như một vương quốc nhãn lồng với hàng ngàn cây trĩu quả, những cây nhãn chín rộ nhuộm vàng một góc trời, dòng người tấp nập đổ về mua nhãn đông đúc, chật kín. Từng trái nhãn, vị nhãn đều đậm đà một hương vị khó quên, không thể trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát. Mùa hè mà có bát chè khúc bạch - nhãn lồng thì thật là tuyệt vời phải không?
Tương bần
Từ xa xưa tương Bần là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”.
Nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và “bí quyết” của từng gia đình. Phải mất ít nhất một đến hai tháng người thợ mới cho ra được một mẻ tương Bần. Tuy nhiên, thời gian lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào thời tiết có nắng hay không.
Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Thịt bê mà chấm với nước tương bần thơm ngon thì thật là tuyệt vời, không những thế tương bần còn là nguyên liệu chính cho món thịt đậu kho tương bần đầy hấp dẫn đấy.
Bánh dày làng Giàu
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao – Văn Giang) đã được xếp ngang với rượu Trương Xã, tương Bần, góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hoá ẩm thực của đất Hưng Yên. Từ cây lúa hạt gạo, người làng Gàu đã sáng tạo ra loại bành dày có nhân ngon nổi tiếng trên cơ sở của chiếc bánh dày thời Lang Liêu đời Hùng Vương.
Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát. Cái đặc sác của bành dày làng Gàu là gạo nếp phải được gieo trồng trên đồng ruộng làng Gàu, ngâm nước giếng làng Gàu, và được chính tay khéo léo của các cô gái làng Gàu nặn mới thành tấm bánh xinh xắn, thơm ngon.
Bánh dày làng Gàu được khách xa gần đến đặt mua với số lượng hàng tạ phục vụ cho các cửa hàng ăn uống ở thủ đô, hội nghị, tiệc cưới, đã tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động. Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên ban thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của quê ta…
Chả gà Tiểu Quan
Tiểu Quan là một thôn nhỏ thuộc xã Nhuế Dương huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Cách làm chả rất công phu. Khi thịt con gà, phải chọn chỗ thịt nạc, bỏ hết gân, xương rồi chặt nhỏ cho vào cối giã. Khi giã gần được thì trộn với lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, gừng, mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp. Giã thịt cũng phải cách, nhát nào chắc nhát ấy không để thịt bắn ra ngoài. Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Nướng chả phải nướng bằng tha hoa, than củi, nếu là than nhãn thì tốt. Nếu kiếm được quả thông khô cho vào than thì càng thơm. ăn chả gà đúng hơn là thưởng thức một món ăn lạ độc đáo, không thể ăn bỗ bã như các thứ khác. Khi ăn ta nhấm nháp từ từ để các giác quan cảm nhận được vị ngọt béo, thơm cay của chả.
Ăn chả gà thích nhất là vào dịp tết, trời se lạnh, có điều kiện ngồi lai rai. Ngoài trời mưa phùn mờ sương, bạn hữu quây quần nâng chén rượu Trương Xá ăn với chả gà, chiều xuân vào tối lúc nào không hay…
Ếch om Phượng Tường
Làng Phượng Tường huyện Tiên Lữ có câu ca dao về món ếch om lưu truyền từ lâu đời chứng tỏ nó là món ăn tuy dân dã nhưng đã được nâng lên tới mức nghệ thuật trong khoa ẩm thực.
Trước hết là khâu chọn ếch. Chỉ có ếch từ tháng 9, tháng 10 trở đi con nào con nấy đều béo mẫm do tích nhiều mỡ, chui vào hang nghỉ đông thì thịt mới ngon.. Có được ếch ngon thì việc “làm lông” cũng phải công phu. Phải dùng lá tre, nước vôi, muối xát kỹ và rửa bằng nước dấm cho sạch hết nhớt. Ếch được chế biến thành hai món.
Nếu làm món ếch mọc thì phải lột sạch da cho thật khéo, từ miệng xuống chân, nguyên vẹn, không để cho da bị thủng rách. Thịt ếch đem băm nhỏ lẫn với vỏ quít khô, mộc nhĩ, nấm hương, thịt ba chỉ, trứng gà thêm gia vị tiêu, ớt, bột ngọt rồi cho vào cối giã mịn như giã giò. Sau đó nhồi lại vào da thành hình con ếch. Phải nhớ nhồi nom như ếch đói để khi chín nở ra là vừa. Đặt ếch lên điã để ngồi như ếch còn sống, ta cho vào nồi hấp. Lúc sắp bắc ra lấy trứng gà hoặc trứng vịt đánh nhuyễn dội lên mình ếch cho chảy xuống thành hình hoa mướp. Khi ăn dùng dao cắt ra từng miếng chấm với nước mắm hạt tiêu. Ai đã một lần thưởng thức tưởng không thể quên hương vị của thứ đặc sản này.
Còn món ếch om thì khi “làm lông” sạch, mổ bụng bỏ hết ruột gan, chỉ bóc lấy lại mỡ áo tơi, đặt ếch lên thớt dùng gọng dao dần kỹ cho nhuyễn xương, nhưng khi cầm lên vẫn phải nguyên là con ếch. Muốn thế gọng dao phải tròn, dần thật khéo, sau đó đem ướp gia vị gồm mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm. Đoạn lấy lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Nhớ đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi chín ếch và nước chỉ vừa một bát. Khi múc ra ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.
Gà Đông Tảo
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.
Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Nguồn tin: www.lamsao.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn