Không chỉ dịp Tết mà ngay cả ngày thường, các gia đình vẫn thường bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết tủ lạnh không phải là bảo bối vạn năng để bảo quản thực phẩm.
Theo đó, sai lầm nhiều người gặp phải nhất đó là bảo quản quá nhiều đồ trong tủ lạnh, thậm chí là bảo quản lẫn lộn đồ sống và đồ chín ở cùng một ngăn. Điều này hết sức nguy hại, bởi vi khuẩn dễ xâm nhập gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, tủ lạnh thường được chia làm 2 ngăn, đó là ngăn đá và ngăn mát. Mỗi ngăn có một công dụng khác nhau, đối với ngăn đá nhiệt độ có thể giảm xuống rất sâu, thậm chí tới âm 18-20 độ C. Do nhiệt độ âm sâu nên có thể ức chế vi sinh, có thể bảo quản đồ ăn được thời gian dài hơn so với ngăn mát. Tuy nhiên, cũng không nên bảo quản quá 1 tuần.
Tuyệt đối không để chung đồ sống, chín trong tủ lạnh, cũng như bảo quản đồ quá lâu trong tủ. (Ảnh minh họa)
Còn ngăn mát, nhiệt độ thường chỉ ở mức 10-12 độ C, nên thời gian bảo quản thường chỉ 2 đến 3 ngày với các loại rau, củ quả. Còn đối với các loại đồ ăn đã nấu chín không nên bảo quản quá 1 ngày. “Người dân tuyệt đối không bảo quản lẫn lộn đồ ăn chín và đồ ăn sống với nhau. Điều này rất không tốt, có thể khiến vi khuẩn có hại xâm nhập gây hại cho sức khỏe”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, thậm chí có gia đình bảo quản cả tháng trời cũng không tốt. Có thể để thực phẩm ở ngăn đá sẽ không bị hỏng, nhưng bảo quản lâu sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm, không còn giữ được mùi vị của thực phẩm.
Cách cất trữ đồ ăn trong tủ lạnh an toàn nhất
Trong những ngày Tết, để bảo quản thực phẩm ở tủ lạnh được tươi ngon, hiệu quả các gia đình đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh bị vi khuẩn xâm nhập.
Ngoài ra, nên chia nhỏ thực phẩm thành từng phần nhỏ vừa ăn trước khi cho vào tủ bảo quản. Bởi nếu để cả một khối to khi cho ra ngoài môi trường bình thường để rã đông sẽ bị vi khuẩn xâm nhập tấn công nhanh, gây hỏng thực phẩm.
PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo mọi người nên hạn chế bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh.
Riêng đối với việc rã đông, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo không nên rã đông trong nước, nhất là nước nóng vì làm vậy dù nhanh nhưng sai nguyên tắc, khiến chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị mất đi nhiều.
“Các bà nội trợ nên có sự tính toán trước khi nấu, nên rã đông một cách từ từ, đó là bỏ thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát, sau đó rã đông ở môi trường bên ngoài như vậy thực phẩm sẽ giữ được chất và ngon hơn”, ông Thịnh cho hay.
Cũng giống như tủ lạnh, màng bọc thực phẩm cũng được nhiều người lựa chọn, nhất là khi gia đình có công việc hoặc trong dịp lễ tết. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người thắc mắc đó là màng bọc thực phẩm có sử dụng được với các loại đồ ăn nóng, vì lo sợ nguy cơ bị thôi nhiễm nhựa ra thực phẩm.
Có thể sử dụng màng bọc thực phẩm với những loại rau củ quả tươi. (Ảnh minh họa)
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết đây là lo lắng rất chính đáng của người dân. “Nếu chọn mua những loại màng bọc thực phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, được kiểm định chất lượng kỹ lưỡng thì không đáng lo ngại.
Bởi những loại màng bọc này được sản xuất từ nhựa nguyên khai không bị ảnh hưởng nếu bảo quản thức ăn ở nhiệt độ 70-80 độ C. Trường hợp mua phải những loại màng bọc trôi nổi, nguy cơ gây hại đến sức khỏe khi sử dụng là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Thịnh cho hay.
Trước thực tế thị trường màng bọc thực phẩm như hiện nay, PGS Thịnh khuyên người dân nếu không mua được màng bọc uy tín chất lượng, thì cần phải hết sức lưu ý.
Theo đó, chỉ nên dùng các loại màng bọc, bao bì để bảo quản rau củ quả, không nên dùng những loại màng bọc trôi nổi để bảo quản thực phẩm chín, hoặc thịt sống hay những loại đồ ăn có nhiều dầu mỡ.
Với thói quen nhiều người khi nấu đồ ăn chín, đặc biệt là các loại thịt còn thừa thường dùng màng bọc thực phẩm đậy kín rồi bảo quản trong tủ lạnh. PGS Thịnh cho biết người dân không nên phó mặc sức khỏe bản thân cho màng bọc thực phẩm.
Những sản phẩm đã nấu chín nếu màng bọc thực phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây hại cho người dùng.
Theo phân tích của PGS Thịnh, quá trình bảo quản này có thể khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn. Bởi thực tế, tủ lạnh thường bảo quản rất nhiều đồ ăn khác nhau và được ví như cái chợ thu nhỏ nhất là trong dịp Tết. Đặc biệt là những loại đồ ăn sống - chín, sản phẩm đã chế biến hoặc sản phẩm mới sơ chế nên dễ bị nhiễm chéo vi khuẩn.
Để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyên mọi người nên mua lượng thực phẩm vừa đủ, nấu đến đâu ăn hết đến đó để tránh dư thừa đồ ăn.
“Ngay nay, thực phẩm rất đa dạng, kể cả ngày Tết chợ và siêu thị mở cửa rất sớm nên người dân không cần thiết phải tích trữ đồ ăn quá nhiều trong tủ lạnh. Bởi đồ ăn tươi bao giờ cũng có giá trị dinh dưỡng nhiều hơn các loại đồ ăn đã được bảo quản, trữ đông”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/sai-lam-khi-dung-tu-lanh-mang-boc-thuc-pham-bao-quan-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn