Luộc rau cho muối để xanh tưởng ngon hóa hại: Chuyên gia chỉ 5 sai lầm khiến bệnh chồng bệnh

Thứ ba - 22/09/2020 17:24

Luộc rau cho muối để xanh tưởng ngon hóa hại: Chuyên gia chỉ 5 sai lầm khiến bệnh chồng bệnh

Nêm muối trước đối với các món canh, món hầm hay luộc rau cho muối để rau xanh hơn là không nên vì khi ra bàn ăn mọi người dùng thêm nước chấm, như vậy lượng muối vào cơ thể quá nhiều.

Muối là loại gia vị phổ biến được người dân sử dụng từ xa xưa nhằm chế biến và bảo quản thực phẩm. Tiến sĩ Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, muối có vai trò quan trọng với cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều muối lại làm tăng yếu tố nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch, ung thư...

TS Bắc cho rằng, hiện nay người Việt đang ăn rất mặn, gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, WHO khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày, còn ở nước ta theo thống kê số lượng muối tiêu thụ ở một người trưởng thành hiện là gần 9,4g.

70% lượng muối ăn vào hàng ngày của người Việt là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn, hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Vậy nhưng khi được hỏi thì đa số mọi người không biết mình đang trong tình trạng ăn mặn. 

“Ở nước ta dù ở gia đình hay nhà hàng, dù món luộc hay chiên rán, luôn có bát nước chấm ở bàn ăn. Không chỉ có vậy, mỗi món ăn lại có một loại nước chấm, có những gia đình cùng lúc có cả xì dầu, nước mắm, bột canh…”, TS Bắc chia sẻ.

TS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

“Nồng độ muối của các chất dịch trong cơ thể là ổn định. Vì thế khi ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. 

Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp.

Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận.

Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn”, TS Phương chia sẻ. 

Ăn mặn làm tăng nguy cơ các bệnh huyết áp, tim mạch. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia cho rằng, chính những sai lầm khi chế biến thực phẩm và khi dùng thực phẩm khiến lượng muối vào cơ thể quá nhiều, tích tụ lâu dần dẫn đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe, điển hình là mắc các bệnh không lây nhiễm.

- Luộc rau cho thêm muối để xanh hơn: Theo kinh nghiệm truyền tai, khi luộc các loại rau mọi người thường cho thêm muối hoặc bột canh vào với mục đích để rau luộc ra được xanh hơn. Điều này là một sai lầm, vì thói quen của người Việt là chấm nhiều, dù đã cho muối rồi nhưng khi ăn mọi người vẫn chấm cùng các loại gia vị chứa nhiều muối khác như mắm, xì dầu…Điều này khiến lượng muối đi vào cơ thể tăng lên đáng kể.

- Rửa ướp thực phẩm bằng muối trước khi nấu: Với cá, gà, vịt và một số loại thịt rất nhiều người thường rửa hoặc sát khuẩn ngoài da với mục đích làm thực phẩm sạch hơn. Điều này khiến cho một lượng muối nhất định ngấm vào thực phẩm nhưng mọi người không hề hay biết.

Khi chế biến, người dùng lại tiếp tục nêm muối vào thực phẩm, hoặc lúc ăn sử dụng thêm nước chấm. Như vậy, rất nhiều lần thực phẩm ngấm muối và nơi hứng chịu cuối cùng chính là cơ thể con người.

- Nêm muối ngay khi mới nấu: Ướp thực phẩm trước khi nấu, hoặc ngay cả các món hầm, canh nhiều người vẫn có thói quen nấu trước cho “vừa mắm, vừa muối”. Đây là sai lầm hầu như ai cũng gặp, bởi cho muối ngay từ đầu quá trình nấu nước sẽ bốc hơi và cạn bớt lượng nước khi đó độ mặn sẽ cô đọng lại và khiến món ăn lúc đầu nêm vừa, nhưng thành phẩm lại rất mặn. Vì vậy, nên nêm mắm muối khi món ăn gần hoàn thành.

- Chọn muối không hợp lý: Ngoài những sai lầm dùng muối khi chế biến, nấu ăn nhiều người còn mắc sai lầm khi lựa chọn muối. Theo đó, hiện nay do nhu cầu của nhiều người thay đổi, việc dùng muối hạt (muối trắng) khi nấu ăn rất ít, mà đa số sử dụng bột canh.

Tuy vậy, nhiều người lại chọn các loại bột canh có trộn thêm các gia vị, hương liệu khác để dễ ăn hơn mà không hề để ý rằng, đó là loại bột canh không hề chứa i-ốt. Các chuyên gia cảnh báo, việc làm này rất nguy hiểm vì sẽ mắc nguy cơ kép đó có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm do ăn mặn và ăn thiếu i-ốt sẽ dẫn đến mắc các bệnh lý tuyến giáp, đần độn.

Vì vậy ngoài việc hạn chế ăn mặn, người dân cần phải tỉnh táo khi lựa chọn gia vị chứa muối. Đó là phải chọn muối i-ốt hoặc bột canh i-ốt có ghi rõ ngoài bao bì sản phẩm.

Ăn quá nhiều đồ muối, ướp cũng không tốt.

- Ăn quá nhiều đồ muối, ướp: Không chỉ hiện nay mà ngày xưa người Việt có thói quen ăn các loại rau, củ, quả muối. Ngoài ra, nhiều người còn bảo quản thực phẩm như thịt trâu, bò, lợn, cá bằng cách ướp muối.... Việc sử dụng các đồ muối nhiều không chỉ tăng lượng muối mà nó còn thúc đẩy mắc các bệnh ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa.

WHO và Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân không ăn quá 5g muối/ngày, giảm một nửa lượng muối cho vào khi chế biến thức ăn cho gia đình, hạn chế sử dụng các gia vị mặn trên bàn ăn. Nếu có sử dụng nên pha loãng các gia vị mặn và chấm nhẹ tay. Nên sử dụng muối theo phương châm: “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”. 

Có thể giảm lượng muối, gia vị mặn chứa nhiều muối được nêm nếm vào trong món ăn bằng cách chế biến món ăn với các loại gia vị khác để làm tăng cảm giác ngon miệng bù cho giảm vị mặn do hạn chế muối. Thay vì muối, có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để thêm hương vị. Chanh mang vị chua có thể dùng để làm giảm vị mặn của món ăn.

Mọi người nên lựa chọn loại muối phù hợp, khuyến cáo dùng loại muối có i ốt.

Không nên cho muối hay gia vị có nhiều muối vào nước luộc rau. Cố gắng giảm dần số lượng gia vị mặn trong chế biến vì vị giác sẽ thích ứng khá nhanh theo thời gian trong vòng từ 1-2 tuần.

Khi sử dụng các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn, cần đọc nhãn dinh dưỡng ghi trên bao gói sản phẩm để biết được hàm lượng muối có trong sản phẩm đó.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cân nhắc và hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều muối như rau củ muối, mỳ ăn liền, thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích,… Cùng với đó, nên tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang.  

Đối với trẻ em, cha mẹ nên rèn cho con thói quen giảm ăn muối ngay từ nhỏ. Còn với người có thói quen ăn nhiều muối, nên thực hiện các khuyến cáo giảm muối trong các bữa ăn hàng ngày để dần có chế độ ăn lành mạnh. Mỗi hành động nhỏ như giảm ăn muối, tạo thói quen sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm. 

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/luoc-rau-cho-muoi-de-xanh-tuong-ngon-hoa-hai-chuyen-g...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/luoc-rau-cho-muoi-de-xanh-tuong-ngon-hoa-hai-chuyen-gia-chi-5-sai-lam-khien-benh-chong-benh-d5120201591021312.html

Thói quen thắng đường kho thịt, cá: Nguy cơ kép gây hại cho sức khỏe nhưng không ai biết
Thói quen dùng quá nhiều đường khi kết hợp với chế biến thực phẩm, đặc biệt là thắng đường kho cá thịt đang tạo nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Bấm xem >>

Theo Lê Phương. (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây