*Tiếp tục cập nhật...
Sở GD&ĐT TP.HCM cho phép học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường
Chiều 12/5, sở GD&ĐT TP.HCM ra văn bản hướng dẫn cho phép học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường để ôn thi cuối cấp.
Theo đó, sở GD&ĐT TP.HCM cho phép học sinh khối 9 và 12 được tiếp tục đến trường học tập, ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo phương án do nhà trường xây dựng.
Sở yêu cầu các trường cần phối hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và dạy học qua Internet để giảm thời gian học sinh tập trung đông người tại trường; đảm bảo thực hiện 5K, kết hợp việc giữ khoảng cách giữa các học sinh trong từng lớp với việc giãn cách giữa các phòng học; chia tách khu vực sân chơi khi học sinh học tập tại trường.
Trong trường hợp số lượng học sinh đông, các trường cần phân chia học sinh theo năng lực thành từng nhóm, sắp xếp bố trí phù hợp cho các nhóm học sinh, thực hiện luân phiên đến trường học tập trực tiếp và học qua Internet nhằm đảm bảo các quy định phòng dịch COVID-19 .
Đặc biệt, các trường học thực hiện thông tin khai báo y tế, lịch sử đi lại của mọi thành viên trong nhà trường. Khi có trường hợp học sinh có các triệu chứng bất thường về bệnh lý có liên quan đến COVID-19 cần thực hiện cách ly, khoanh vùng và liên hệ với cơ quan y tế để đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng dịch.
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản cho học sinh các cấp dừng đến trường từ ngày 10/5, riêng học sinh khối 9 và 12 thì hiệu trưởng các trường chủ động sắp xếp hình thức ôn tập phù hợp cho các em.
(Theo Người Đưa Tin)
Hỏa tốc lập danh sách người ho, sốt, khó thở
Ngày 12-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, phát đi công điện số 07 hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, liên quan các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh.
Người dân ở Hà Nội khai báo y tế - Ảnh: Ngô Nhung
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu đối với người lao động, chuyên gia hiện cư trú trên địa bàn Hà Nội, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các tỉnh lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm: Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội liên hệ ngay với Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất các tỉnh lân cận để lập danh sách các đối tượng nêu trên (họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại) gửi Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã để quản lý; Giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo công an khu vực, tổ Covid cộng đồng rà soát, lập danh sách các đối tượng nêu trên (họ tên, chỗ ở hiện tại, số điện thoại) để chủ động giám sát khi xuất hiện các ca bệnh có liên quan.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa phải lập và lưu trữ danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm giao thương trong quá trình di chuyển đi và đến Hà Nội (đặc biệt đối với phương tiện vận chuyển các đối tượng nêu trên), phải khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố.
Yêu cầu toàn bộ người lao động, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động giao thương thường xuyên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn các tỉnh/thành phố khác chủ động khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo y tế với trạm y tế tại địa phương, cài đặt ứng dụng Bluezone, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khác theo quy định.
Đối các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố: Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch khi xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 (F0) theo quy định của Bộ Y tế. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định và các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Đối với người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở: Các phòng khám tư nhân, nhà thuốc trên địa bàn thành phố khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở… phải lập danh sách (họ và tên, số điện thoại, chỗ ở hiện tại, thời gian đến mua thuốc) và thông báo ngay với trạm y tế trên địa bàn; giao Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện phòng khám tư nhân, nhà thuốc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố.
Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường bổ sung trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ, y bác sĩ và nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, tránh để xảy ra lây nhiễm. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc cán bộ, y bác sĩ và nhân viên tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, có nguy cơ cao. Thủ trưởng/giám đốc cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm.
Yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc rà soát các đối tượng đi từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K3 Tân Triều, các tỉnh/thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng và các vùng có dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế, đặc biệt đối với trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở; báo cáo, gửi Sở Y tế tổng hợp hàng ngày.
(Theo Người Lao Động)
2 F1 vô tư ở nhà, khi xét nghiệm mới phát hiện dương tính
Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, chiều ngày 11/5, chủ tịch UBND TP Bắc Giang Lê Ánh Dương - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 tại huyện Lạng Giang.
Kiểm tra tại thôn Đồng Cống, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nghiêm túc phê bình lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang, UBND xã Yên Mỹ và lãnh đạo thôn khi thống kê sót lọt một trường hợp F1 không đưa đi cách ly tập trung.
Trường hợp bị F1 bị lọt là chị C.T.B (SN 1994), chỉ đến khi chị B có biểu hiện ho, sốt mới ra trạm y tế khám, lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy, chị B dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại thôn Tân Mới, xã Tân Dĩnh qua xét nghiệm cũng đã phát hiện một trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch ở KCN Vân Trung, huyện Việt Yên. Bệnh nhân này quê ở Nghệ An, làm ở KCN Vân Trung, thuê nhà trọ ở thôn Tân Dĩnh. Bệnh nhân không khai báo y tế với chính quyền địa phương theo quy định.
Theo báo cáo của UBND huyện Lạng Giang, đến chiều ngày 11/5/2021, huyện ghi nhận 28 trường hợp dương tính với COVID-19 ở 19 thôn, tổ dân phố thuộc 7 xã, thị trấn.
Hiện các ca dương tính đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Dã chiến tỉnh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Huyện cũng đã tổ chức rà soát, truy vết những người tiếp xúc với 28 ca bệnh (hơn 520 trường hợp F1, hơn 1.770 trường hợp F2 và hơn 1.480 trường hợp F3).
Bắc Giang tiếp tục giãn các xã hội thêm huyện Lạng Giang để phòng chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa có văn bản chỉ đạo tạm thời giãn cách xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn để phục vụ truy vết, lấy mẫu đối với các trường hợp F1, F2, F3 trên toàn huyện.
Thời gian bắt đầu từ 7 giờ 00 phút ngày 12/5/2021 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, UBND huyện Lạng Giang yêu cầu, dừng các hoạt động không thiết yếu gồm: Nhà hàng ăn uống tập trung, quán nước, quán cà phê, giải khát; hàng quán trên vỉa hè; điểm xông hơi, massage, các nhà nghỉ, cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp, cắt tóc, gội đầu…
Các nhà trọ phải thực hiện nghiêm túc quy định khai báo y tế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại các chợ, khu thương mại, trừ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Trước đó, huyện Lục Nam cũng đã tạm thời giãn cách xã hội đối với tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm CCOVID-19. Biện pháp này được áp dụng từ 17 giờ ngày 11/5 cho đến khi có thông báo mới.
Khẩn: Tìm người đến phòng Một cửa - nơi phát hiện cán bộ tư pháp mắc COVID-19
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa phát đi thông báo khẩn cấp những ai đến Phòng Một cửa UBND xã Tô Hiệu (Thường Tín) từ ngày 4 đến 6-5 thì tự cách ly ngay tại nhà và liên hệ với trạm y tế.
CDC Hà Nội cho biết đây là nơi làm việc của nữ bệnh nhân COVID-19 - chị P.T.T. (39 tuổi, trú tại Ba Lăng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Chị T. là cán bộ tư pháp xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín.
Chị T. tiếp xúc với BN3093 (có tiền sử dịch tễ lưu trú tại khách sạn ở Đà Nẵng) ngày 4-5 khi anh này đến làm giấy tờ.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Thường Tín.
Ngày 7-5, chị T. tự cách ly tại nhà, ngày 8-5 được Trung tâm y tế huyện Thường Tín lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 do CDC Hà Nội thực hiện. Ngày 9-5, bệnh nhân có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín.
Ngày 11-5, bệnh viện lấy mẫu gửi Bệnh viện Phổi Hà Nội làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính. Ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến CDC Hà Nội, kết quả dương tính (kỹ thuật RT-PCR). Bệnh nhân được Bộ Y tế công bố là ca bệnh Covid-19 mã số 3570
Sáng 12-5, CDC Hà Nội cho biết liên quan đến chùm ca bệnh ở Đà Nẵng, TP đã phát hiện thêm bệnh nhân N.T.H. (nam, SN 1980), là chồng của BN3570 (cán bộ tư pháp) ở Thường Tín, Hà Nội có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Do đó, CDC Hà Nội thông báo khẩn, những ai đã từng đến Phòng Một cửa UBND xã Tô Hiệu từ ngày 4 đến ngày 6-5 tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế theo số điện thoại: 0974910746 - 0917386596 - 0988835638 - 0363805801 để được xử lý dịch tễ. CDC xác định có 4 F1 là người trong nhà và 24 người liên quan đã được lấy mẫu.
Như vậy, đến nay ổ dịch tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín đã ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội thông báo khẩn tìm người đến quán phở và đi tàu vì liên quan đến COVID-19
Sáng 12/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến, liên quan các địa điểm sau:
- Quán phở Cường, địa chỉ tại 733 Nguyễn Đức Thuận, TDP số 3, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội Khoảng từ 5h – 6h sáng ngày 01/5/2021 (Quán ở mặt đường Quốc Lộ 5 cũ, gần nhà thi đấu huyện Gia Lâm, cách ngã từ Trâu Quỳ khoảng 1,5 km).
- Người đi chuyến tàu SE4 từ TP Hồ Chí Minh lúc 19h25 ngày 06/05/2021, qua ga Đà Nẵng, Đông Hà (Quảng Trị), đến ga Hà Nội lúc 8h30 ngày 8/5/2021. Người đã đến và liên quan các địa điểm và trong thời gian trên tư cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115 / 0949.396.115.
TP.HCM tìm được 82 người liên quan bệnh nhân 3298
Ngày 12/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) tiếp tục cập nhật thông tin về trường hợp bệnh nhân 3298 tại Đà Nẵng (có lịch trình di chuyển dày đặc tại TP. HCM trong dịp nghỉ lễ vừa qua).
Theo thông tin từ Bộ Y tế công bố, Bệnh nhân (BN) 3298 tại TP. Đà Nẵng. Đây là BN nam, 25 tuổi, địa chỉ tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, là F1 của BN3219.
BN3298 từng vào TP. HCM trên chuyến VN113 Đà Nẵng - Hồ Chí Minh ngày 30/04/2021, và trở về Đà Nẵng ngày 04/05/2021 trên chuyến VN136 Hồ Chí Minh - Đà Nẵng.
Trong thời gian ở tại TPHCM từ ngày 30/4 – 04/05, Bệnh nhân đi cùng với các người bạn bạn đang sinh sống tại TP.HCM, làm việc tại một số đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM, trong đó có nhân viên của HCDC.
Bệnh nhân và các người bạn (6 người) đã đi đến nhiều nơi tại TPHCM trong các ngày từ 30/4 đến 04/05. Sau khi nhận được thông tin, TP. HCM đã khẩn trương triển khai truy vết các các địa điểm mà bệnh nhân này đã đến.
Hiện tại, TP. HCM đã truy vết, cách ly 82 trường hợp, 80 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm trong đó 75 trường hợp âm tính, 5 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.
Bệnh viện Bạch Mai thông tin kết quả xét nghiệm lần 2 của 19 nhân viên tiếp xúc bệnh nhân COVID-19
Tối muộn 11/5, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về 19 nhân viên y tế phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm do tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 (BN3491) điều trị ở Bệnh viện K.
Ngay sau khi có thông tin BN3491 có lịch trình đi khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu vào ngày 28/4,
Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội rà soát và lập danh sách 19 nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân này. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy các nhân viên y tế đều đảm bảo phòng dịch đúng theo quy định (như đeo khẩu trang) khi tiếp xúc với bệnh nhân này.
Hiện 19 nhân viên y tế của bệnh viện đang cách ly y tế tại tầng 9, trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 4 - 5/5, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà người bệnh. Tất cả đều âm tính.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, sáng 11/5, bệnh viện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho 19 nhân viên y tế này. Kết quả lần 2 cũng đều âm tính.
Tuy nhiên, 19 nhân viên này vẫn sẽ tiếp tục cách ly đủ số ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế.
BN3491 là ông N.V.B., 68 tuổi, quê Nam Định, là bệnh nhân điều trị tại Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, từ ngày 27/4 - 6/5.
Ngày 28/4, ông được con trai đưa sang Bệnh viện Bạch Mai khám tim mạch để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi sinh thiết. Ông đến khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, được làm siêu âm tim, điện tim. Buổi chiều, sau khi có đủ kết quả, ông quay lại viện Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Thanh Hóa công bố kết quả xét nghiệm người mẹ tiếp xúc với con gái mắc COVID-19
Sáng 12/5, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho biết, trong 10/5, hệ thống giám sát dịch ghi nhận tại xã Hoằng Phú có 1 trường hợp bà L.T.T ra Hà Nội và tiếp xúc với con gái là BN3263.
Sau khi nhận thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Hoằng Phú đã xuống nơi gia đình F1 ở để khoanh vùng, truy vết các đối tượng có tiếp xúc với bà T. Trong đó có 34 trường hợp F2 và 186 F3.
Nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí tại chợ, nơi tập trung đông người.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 xã Hoằng Phú đã cách ly y tế tại nhà đối 34 trường hợp F2 và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe và thực hiện "5K" đối với 186 trường hợp F3.
Hiện kết quả xét nghiệm lần 1 của bà L.T.T. âm tính với SARS-CoV-2.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm kiếm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, sau khi triển khai quyết liệt việc truy vết, cách ly đến nay tình hình dịch đang được kiểm soát, liên quan đến BN3091 các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Liên quan tới các ca bệnh tại các BV đến nay toàn tỉnh đã giám sát, cách ly hơn 1600, trong đó đã lấy mẫu xét nghiệm 1568, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.
Đến ngày hôm nay (12/5) toàn tỉnh có 406 trường hợp được cách ly tập trung và 3506 người đang được giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường hoạt động Tổ giám sát cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, truy vết, cách ly kịp thời các trường hợp nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giám sát, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư động viên nhân viên toàn ngành
Ngày 12-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa gửi thư cho công chức, viên chức, lao động ngành y tế.
Bức thư nêu bối cảnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với nhiều biến chủng virus lây nhiễm nhanh và mạnh hơn.
Nội dung bức thư viết: "Toàn ngành y tế chúng ta đang ra sức cùng cả nước phòng, chống dịch. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế trong cả nước lời chúc sức khỏe và lời cảm ơn sâu sắc vì sự nỗ lực, đóng góp của các đồng chí trong suốt thời gian qua.
Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta phải thường xuyên, liên tục cảnh giác cao độ, làm hết sức, hết mình để phòng, chống dịch bệnh vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhân viên y tế trong cuộc chiến COVID-19 có vai trò rất quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm "chuyên trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công” nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát và lây lan trên diện rộng. Tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội", tôi kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thăng đại dịch COVID-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, cùng với các lực lượng tuyến đấu khác, toàn ngành y tế cần được đặt trong tình trạng tập trung cao độ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong ngành không được chủ quan, lơ là. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, vận dụng những kinh nghiệm quý, bài học hay qua các đợt chống dịch để kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống cho phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác phòng, chống dịch.
Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống y tế Việt Nam; cần sự dấn thân, cống hiến, phục vụ của mỗi cá nhân và tinh thần đoàn kết của toàn ngành vì sức khỏe của nhân dân.
Truyền thống vẻ vang từ các thế hệ thầy thuốc cha anh là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để chiến đấu và sớm chiến thăng đại dịch.
“Giặc” COVID-19 không chỉ xuất hiện ở một số địa phương như trước đây, mà đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Chúng ta không được phép chậm trễ, không được phép ngơi tay.
Trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của nhân dân và sự bình an của đất nước đang nằm trên vai chúng ta.
Tôi tin tưởng rằng toàn ngành Y tế sẽ chung một nhịp đập vì sức khỏe của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các Thầy thuốc hãy luôn giữ vững tinh thần, không quản gian nguy, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó!"
Đây là lần thứ 2 người đứng đầu ngành y tế gửi thư cho nhân viên toàn ngành kể từ khi đảm nhiệm vai trò bộ trưởng.
Lần thứ nhất là thời điểm Tết nguyên đán năm 2021, khi cả nước đón Tết trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, rất nhiều nhân viên y tế phải đón Tết trong khu cách ly, bệnh viện.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
1 học sinh nhiễm COVID-19, 430 thầy trò phải cách ly
Ngày 11-5, Sở Y tế Nam Định cho biết địa phương này ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với COVID-19.
Bệnh nhân N.X.Đ (con trai của một ca bệnh công bố trước đó), học sinh lớp 6 Trường THCS Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định).
Đêm 10-5, cháu Đ. bị sốt và được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay trong đêm, cơ quan chức năng đã thông báo thông tin nêu trên và xác định được 48 trường hợp F1, trong đó 40 học sinh và 8 giáo viên. Tất cả 48 F1 được đưa đến cơ sở cách ly tập trung tại huyện Giao Thủy.
Quảng Cáo
Ngoài ra, ba người thân trong gia đình bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh.
Ngay trong sáng 11-5, các cơ quan tiếp tục truy vết, xác định được 382 học sinh, giáo viên, nhân viên Trường THCS Cổ Lễ là F2 của bệnh nhân N.X.Đ.
Tất cả số này đã được lấy mẫu xét nghiệm và được khuyến cáo thực hiện cách ly tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Tạm dừng tất cả hoạt động TTYT quận Liên Chiều - Đà Nẵng vì có ca mắc COVID-19 đến viện
Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc TTYT quận Liên Chiều - TP Đà Nẵng cho biết, từ ngày 12/5, trung tâm sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp cứu (bao gồm cả khám sàng lọc cho đối tượng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2) cho đến khi có thông báo mới.
Theo ông Sỹ, nguyên nhân là một người nhà có con điều trị tại Khoa Nhi đã xác định dương tính với SARS-CoV-2. Người này ngày 10/5 đã đến chăm con tại Khoa Nhi.
Theo kế hoạch, trong ngày 12/5, toàn bộ người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 9/5, 280 nhân viên y tế của đơn vị này đã được xét nghiệm và tất cả âm tính với chủng virus này.
Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đề nghị tất cả những người từng đến trung tâm (địa chỉ 525 Tôn Đức Thắng, Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để khám, chữa bệnh trong sáng 6/5 (từ 7 giờ đến 9 giờ 30); sáng 8/5 (từ 9 giờ đến 11 giờ 30); sáng 10/5 (từ 7 giờ 50 đến 8 giờ 30); từ 8 giờ 30 ngày 10/5 đến 20 giờ ngày 11/5 có điều trị nội trú hoặc chăm sóc người bệnh tại Khoa Nhi khẩn trương liên hệ với trạm y tế gần nhất để khai báo y tế và được hỗ trợ, tư vấn lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời được áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp.
Thông báo khẩn: Tìm người đến nhiều địa điểm trong BV Đa khoa tỉnh Thái Bình trong 2 ngày
Sáng 12/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình phát đi thông báo khẩn tìm người liên quan đến ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào khoảng thời gian sau:
* Ngày 4/5:
- Tại Trung tâm Cấp cứu - khoa Khám bệnh trong khung giờ từ 17 giờ đến 18 giờ 15 phút.
- Tại cửa hàng tiện ích lúc khoảng 23 giờ 30 phút;
- Tại phòng E237 - khoa Thần Kinh từ 18 giờ.
* Ngày 5/5:
- Tại căng tin nhà ăn bệnh viện trong khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ;
- Tại khu vực khai báo y tế từ 9 giờ 50 phút đến 9 giờ 55 phút;
- Tại khu vực đăng ký của khoa Khám bệnh từ 9 giờ 55 phút đến 10 giờ;
- Tại phòng khám 201 - khoa Khám bệnh từ 10 giờ đến 10 giờ 45 phút;
- Tại buồng H910 - khoa Nội cán bộ Lão khoa từ 10 giờ 45 phút đến hết ngày 5.5.
Tất cả những người có đến các địa điểm, trong các khoảng thời gian kể trên liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ và cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.
Thực hư 14 nhân viên y tế tại Bệnh viện Thái Bình dương tính với SARS-CoV-2
Trước thông tin trên mạng xã hội về việc có 12 trường hợp có kết quả dương tính tại BV Đa khoa tỉnh Thái Bình và bệnh viện này tiếp tục bị phong tỏa, ngày 12/5, Sở Y tế tỉnh Thái Bình khẳng định đây là thông tin sau sự thật.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thái Bình, ngày 11/5, Bệnh viện Phổi tỉnh tiến hành lấy mẫu xét nghiệm test nhanh sàng lọc (mẫu gộp) và 14 trường hợp F1 này có kết quả dương tính. Sau đó, Bệnh viện đã làm test nhanh riêng từng mẫu với tất cả 14 mẫu này thì chỉ có 2 mẫu cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tiếp đó, các mẫu trên được gửi đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
Kết quả có 2/14 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2 (là bệnh nhân 3536 và 3537 đã được Bộ Y tế công bố tối 11/5) và 2 mẫu dương tính này là các trường hợp F1 của bệnh nhân 3042, 3044 đã được theo dõi, quản lý, cách ly từ 6/5 nên không có khả năng lây nhiễm. Hiện hai bệnh nhân này được chuyển cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Trước đó, BV Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã gỡ phong tỏa từ 0h ngày 10/5, chuyển trạng thái cách ly y tế đối với một số đơn vị, khu vực có nguy cơ do có người tiếp xúc với bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) về từ ngày 4/5 và Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) về từ ngày 22/4. Các khoa hiện đang thực hiện cách ly y tế gồm:Thần kinh, Lão khoa, Chấn thương chỉnh hình - Bỏng và Trung tâm Ung bướu.
Phó Thủ tướng: Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, đồng thời tránh tình trạng cực đoan
"Các ca bệnh lây nhiễm rất nhanh"
Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cuối giờ sáng 12/5, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết, hôm qua TP phát hiện ca mắc COVID-19 tại Công ty cổ phần Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng, thuộc Khu công nghiệp (KCN) An Đồn (quận Sơn Trà).
Đà Nẵng nhanh chóng lấy mẫu trong đêm, phát hiện thêm 32 ca dương tính SARS-CoV-2. "Các ca này lây nhiễm rất nhanh", ông Chinh nói.
660 mẫu xét nghiệm công nhân, bảo vệ, tiểu thương… khu vực quanh KCN An Đồn được lấy mẫu, đều âm tính. Riêng các F1 liên quan 33 ca dương tính, dự kiến trong hôm nay có kết quả.
Tại Bắc Ninh, bà Tô Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 ở Công ty TNHH Sam Sung Electronic Việt Nam, các lực lượng đã truy vết được 49 trường hợp F1 và 1.166 F2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp khẩn sáng 12/5 với 3 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về phòng chống dịch trong khu công nghiệp. Ảnh: Văn Điệp
Bắc Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm 1.160 mẫu người thuộc diện F1, F2 và công nhân của công ty, cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đối với ca mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Healths Việt Nam, Bắc Ninh đã truy vết, rà soát lại 27F1, 589F2; lấy 2.800 mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm.
Cùng với đó, các lực lượng đã rà soát, truy vết được 40F1, 533 F2 của mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam; lấy 1.998 mẫu và phát hiện 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đêm 11/5.
Từ 29/4 đến sáng 12/5, Bắc Ninh ghi nhận 123 ca mắc COVID-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Tình hình dịch tại huyện Thuận Thành diễn biến căng thẳng, tập trung chủ yếu ở xã Mão Điền với 95 ca COVID-19.
Tại Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp với trên 300.000 công nhân. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xác định nếu để dịch bệnh ảnh hưởng các KCN sẽ rất khó khăn.
Khẳng định hiện Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong các KCN nhưng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang đề nghị Chính phủ, các địa phương tháo gỡ khó khăn cho Bắc Ninh trong việc vận chuyển, đưa đón công nhân, chuyên gia khi đi qua các địa phương.
Theo đó, các xe chỉ sử dụng 50% số ghế ngồi, mỗi xe không quá 20 người, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, khử khuẩn… Tuy nhiên, khi đi qua các địa phương, một số chốt chặn không cho xe đi qua dẫn đến xe phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất. Bắc Ninh đề xuất gửi danh sách các xe đi theo tuyến, gửi các tỉnh liên quan để các địa phương hỗ trợ Bắc Ninh trong việc đưa đón công nhân, chuyên gia.
Tại Bắc Giang hiện có 2 ổ dịch ở xã Phương Sơn (huyện Lục Nam) và Công ty TNHH Shin young Việt Nam, KCN Vân Trung (huyện Việt Yên). Đến sáng nay, Bắc Giang có 79 ca mắc COVID-19. Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh này nhận định ổ dịch tại công ty Shin young Việt Nam "rất phức tạp" do công nhân tập trung đông (khoảng 90.000 người).
Đến nay, Bắc Giang đã lấy được gần 24.000 mẫu xét nghiệm của những người liên quan đến ổ dịch này; đồng thời, phong tỏa khu có đông công nhân ở trọ (khoảng 15.000 người, trong đó, đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính của 4.000/8.000 mẫu, các mẫu còn lại sẽ sớm có kết quả).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Văn Điệp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định tình hình dịch tại 3 địa phương Đà Nẵng, Bắc Ninh và Bắc Giang có đặc điểm tương đối giống nhau, khi xuất hiện ca F0 trong KCN và từ KCN lây bệnh ngoài cộng đồng. Tại các KCN, cụm công nghiệp, mật độ công nhân đông như và vào từng thời điểm thì cũng mật độ tiếp xúc với nhau rất gần, như cùng một giờ công nhân đến làm việc, cùng một giờ công nhân nghỉ ca hay giờ ăn trưa, giờ tan ca... như vậy, nguy cơ lây nhiễm trong KCN rất cao.
Nghiêm túc tự đánh giá, chuẩn bị sẵn sàng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình dịch bệnh tại các KCN còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lãnh đạo các địa phương đều khẳng định "cơ bản khoanh vùng được".
Phó Thủ tướng đề nghị, không chỉ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, tất cả các địa phương khác trên cả nước nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các KCN cập nhật việc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh định kỳ lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (https://antoancovid.vn). Bộ Công thương tiếp tục quán triệt sâu sát các địa phương thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới, nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm ở tình huống dịch bệnh khác nhau, tại những khu vực có nguy cơ khác nhau.
Nhắc lại chỉ đạo trong những đợt chống dịch trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhưng không được "ngăn sông, cấm chợ"; không thể để tình trạng xe đưa đón công nhân vào các KCN bị ách tắc như báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương, KCN đang có dịch, gửi văn bản (danh sách số xe, tuyến đường…) cho các địa phương có xe đi qua để được di chuyển thuận lợi, không gây ách tắc.
(Theo Gia đình và Xã hội)
.tabcorona{word-spacing:-5px;border-bottom:1px solid #e4e4e4}.tabcorona .tablinks{display:inline-block;padding:10px 15px;color:#666;font-size:14px;border:1px solid #e4e4e4;border-bottom:0;cursor:pointer;word-spacing:0}.tabcorona .tablinks.active{font-weight:700;color:#f45d40;border:1px solid}Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/covid-19-125-2-f1-vo-tu-o-nha-khi-xet-nghiem-moi-phat...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn