Mới đây, một bé gái mới 14 tuổi, ở Bình Dương được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xác định mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối đang khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Được biết, trước khi nhập viện bé gái này có kinh nguyệt lần đầu song kéo dài suốt 2 tuần, kèm theo mệt mỏi, đau nhức.
Khi em T. ngày càng xanh xao, tái nhợt, ngày một đau bụng nhiều hơn, gia đình đưa em vào viện tỉnh để thăm khám, bác sĩ nghi em bị ung thư cổ tử cung nên chuyển em vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Sau khi thực hiện xét nghiệm và thăm khám, bác sĩ phát hiện em T. bị ung thư cổ tử cung, lan ra chu cung 2 bên, xâm lấn bàng quang, và xuống gần hết âm đạo, gây dãn niệu quản, thận ứ nước. Ngay sau đó, bé gái được các bác sĩ chỉ định mổ khẩn cấp nhưng thất bại do bệnh em phát hiện quá trễ, khối bướu to không chỉ chiếm hết tử cung, mà còn bám vào vách chậu, hạch chậu, kể cả hạch cạnh động mạch chủ bụng tạo thành khối. Bác sĩ đã chuyển sang xử lý bằng sinh thiết.
Bé gái phát hiện mắc ung thư cổ tử cung khi đã ở giai đoạn muộn.
Trước ca bệnh trên, GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết hiện nay ung thư cổ tử cung đang ngày càng trẻ hóa, đây cũng là vấn đề rất đáng cảnh báo cho cộng đồng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng hiện nay việc phát hiện ung thư cổ tử cung cũng không hề khó khăn. Để phát hiện được căn bệnh ung thư thì cần phải tiến hành sàng lọc rộng rãi trong cộng đồng. “Biện pháp đơn giản nhất là dùng axit axetic bôi lên thành cổ tử cung để kiểm tra các chấm trên thành cổ tử cung, nếu có sự thay đổi hoặc phát hiện sự bất thường thì tiến hành các biện pháp sàng lọc, xét nghiệm hiện đại hơn”, GS Đức cho hay.
Theo đó, bước đầu tiên có thể xét nghiệm Pap (Pap test) hay nhuộm tế bào bong theo Pap. Đây là phương pháp yêu cầu trang thiết bị không đắt tiền, chỉ cần một chiếc kính hiển vi quang học, một bộ dụng cụ khám phụ khoa thông thường, một hộp que lấy tế bào, lam kính và thuốc cố định, thuốc nhuộm.
Điều quan trọng nhất đó chính là việc các bác sĩ phải được đào tạo để thực hiện các bước trên. Với phương pháp này, kết quả có thể cho ta biết các tổn thương đang ở mức độ nào (phương pháp này chỉ phát hiện tổn thương mức độ I đến mức độ III).
Sau khi thử nghiệm, nếu phát hiện có dương tính thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang phương pháp tiếp theo đó là soi cổ tử cung. Với phương pháp này, sau khi quan sát bằng mắt thường, cổ tử cung được quan sát bằng máy soi với độ phóng đại cao, các tổn thương nhờ vậy cũng được đánh giá chính xác dù là rất nhỏ.
Với các hình ảnh quan sát được, máy soi cho phép chụp ảnh để làm tư liệu theo dõi và bác sĩ sẽ quyết định sinh thiết đơn thuần hay sinh thiết phối hợp để điều trị một cách chính xác.
Vị trí sinh thiết sẽ được hướng dẫn bởi máy soi cổ tử cung. Mảng sinh thiết được các bác sĩ mô bệnh học xử lý và cho kết luận cuối cùng. Tổn thương sẽ được xếp theo các mức độ từ I đến III, ung thư tại chỗ hay đã chuyển thành ung thư xâm lấn.
Với từng mức độ tổn thương, các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị bệnh hợp lý, nếu mức độ tổn thương càng nhẹ thì hiệu quả điều trị càng cao. “Tóm lại, khi thấy một số các biểu hiện như ra máu vùng kín, đau tức phần bụng dưới, đau mỏi vùng xương chậu, sụt cân...thì nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám”, GS Đức nói.
Ngoài ra, cách phòng bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất đó là việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Độ tuổi tiêm vắc xin hiệu quả nhất là từ 9-26 tuổi, với những trường hợp chưa quan hệ tình dục.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn