Nguyên nhân trẻ chảy máu cam
Chảy máu cam (hay chảy máu mũi) xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ 2-10 tuổi.
Chảy máu cam ở trẻ có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày, tuy nhiên thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng. Đa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do phổ biến nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân khi trẻ chảy máu cao thường là do va đập vào các vật dụng cứng, chấn thương khi chơi đùa hoặc trẻ cho những vật dụng, đồ chơi vào mũi…
Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng khiến trẻ dễ bị chảy máu cam. Theo đó, nếu độ ẩm không khí quá thấp cũng sẽ làm cho không khí quá khô, màng nhầy vách mũi trẻ cũng bởi vậy mà không còn đàn hồi, giảm độ co giãn và vô cùng nhạy cảm.
Chảy máu cam ở trẻ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nên không được chủ quan.
Chỉ cần có sự chà xát nhỏ như khi bé hắt hơi hay dụi mũi cũng có thể làm máu cam chảy. Cũng tương tự khi trời nóng, các mạch máu giãn nở, trẻ sẽ cảm thấy ngứa và có thể ngoáy mũi và làm vỡ mạch máu.
Ngoài ra, chảy máu cam ở trẻ còn có thể do một số nguyên nhân khác như có dị vật ở mũi, viêm mũi, do yếu tố bẩm sinh.
Cần làm gì khi trẻ bị chảy máu cam
Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, khi trẻ bị chảy máu cam, các bậc phụ huynh vẫn cần phải động viên, an ủi trẻ để trẻ không hoảng sợ khi nhìn thấy máu.
Sau đó, hãy để trẻ ngồi thẳng lưng, đầu ngả về trước. Không nên ngửa đầu trẻ vì sẽ gây chảy máu ngược lại hốc mũi, xuống miệng trẻ sẽ khó chịu và có thể gây nôn. Tiếp theo, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, thở bằng miệng, giữ như vậy từ 5 -10 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi và thường làm máu ngừng chảy.
Không ngả đầu trẻ ra sau khi bị chảy máu cam.
Các bác sĩ cũng lưu ý, không ngả đầu bệnh nhâu ra sau bởi ngả đầu ra sau có thể khiến cho người bệnh bị sặc, ho do máu chảy xuống miệng. Nếu máu chảy xuống miệng thì không được nuốt vì sẽ gây khó chịu khiến trẻ dễ nôn.
Ngoài ra, phụ huynh có thể thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Lưu ý: chỉ nên áp dụng biện pháp này nếu trẻ đồng ý phối hợp.
Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì nhắc lại các bước trên một lần nữa. Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu.
Khi nào nên đưa trẻ đi bác sĩ nếu chảy máu cam
Trong trường hợp trẻ cháy máu cam không cầm máu đươc sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu 20 phút, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, nếu trẻ chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần, cháy nhiều và mất máu nhiều, chảy máu cam khi cơ thể trẻ yếu hoặc mệt mỏi, khi đang dùng thuốc đông máu….cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Một vấn đề các bậc phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý khi trẻ chảy máu cam, đó là máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Hoặc cháy máu mũi đi kèm các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể, đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu… thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được hỗ trợ và thăm khám kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn