Ung thư phổi là một trong số những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong đứng hàng đầu ở Việt Nam. TS Nguyễn Quang Hùng – PGĐ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, đây là căn bệnh nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới, đặc biệt là số người mắc đang ngày càng trẻ hóa.
Theo BS Hùng, nếu như trước kia bệnh nhân ung thư phổi thường gặp ở những người trên 50 tuổi, thì gần đây bệnh nhân ung thư phổi xuất hiện ở nhóm tuổi rất trẻ, thậm chí là ở độ tuổi vị thành niên.
Điển hình như trường hợp cậu bé 16 tuổi mắc ung thư phổi mà bác sĩ Hùng từng trực tiếp điều trị. Trước khi vào viện, bệnh nhân này đã bị ho kéo dài, điều trị kháng sinh không đỡ, tình trạng ngày càng nặng thêm và kèm theo khó thở.
Hiện đang ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư phổi.
Qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh cho thấy có khối u ngấm thuốc, bờ tua gai ở phổi phải Bệnh nhân đã được xét nghiệm đánh giá bilan, sinh thiết u phổi và kết quả chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến thủy trên phổi phải.
BS Hùng cho biết, qua khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân có liên quan đến khói thuốc lá. Vì bố và ông bệnh nhân nghiện thuốc lá và thường hút thuốc lá trong nhà.
Đây không phải là trường hợp duy nhất mắc ung thư có liên quan đến khói thuốc lá mà BS Hùng từng gặp. Một nam bệnh nhân khác còn khá trẻ (30 tuổi) cũng được chuẩn đoán mắc ung thư phổi, nguyên nhân là do hút thuốc lá lâu năm. Theo đó, nam bệnh nhân này nghiện hút thuốc lá, tính đến khi phát hiện mắc ung thư phổi thì đã có thâm niên 15 năm liên tục hút thuốc lá.
Qua quá trình thăm khám và điều trị, TS Hùng cho biết, đa số (80%) bệnh nhân ung thư phổi điều trị tại trung tâm có liên quan đến khói thuốc lá. Số bệnh nhân còn lại có thể là do yếu tố môi trường làm việc, khói bụi, di truyền…
Đa số các ca ung thư phổi liên quan đến khói thuốc lá.
Việc điều trị căn bệnh ung thư phổi hoàn toàn phụ thuộc vào việc chẩn đoán và phát hiện sớm. Ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đa phần bệnh nhân ung thư phổi tới khám và điều trị đều đã ở giai đoạn muộn.
“Biểu hiện ban đầu của bệnh đa số có liên quan đến đường hô hấp, vì thế nhiều bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường khác. Chỉ khi điều trị không có kết quả thì mới đi khám chuyên sâu, lúc đó thì bệnh đã ở giai đoạn muộn”, TS Hùng nói.
Ngoài ra, một số bệnh nhân phát hiện ra bệnh, nhưng không điều trị thay vào đó là uống thuốc nam, thuốc lá... Bệnh chuyển biến nặng khi tới bệnh viện tình trạng đã quá muộn.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học hiện đại, việc điều trị ung thư phổi có những bước tiến không ngừng. Nhiều kỹ thuật càng tân tiến giúp chẩn đoán bệnh chính xác bệnh, chính xác giai đoạn bệnh, cũng như phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm.
Đặc biệt, ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị như xét nghiệm đột biến gene, dấu án miễn dịch, phân tích đột biến kháng thuốc... Giúp lựa chọn điều trị và tiên lượng bệnh. Đồng thời, người bệnh sẽ có cơ hội kéo dài thời gian sống thêm, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư phổi ngày càng cao.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn