Mới đây, sự việc một người mẹ ở Quảng Xương (Thanh Hóa) đã pha thuốc diệt cỏ vào cốc sữa rồi cùng 2 con uống nhằm mục đích tự tử đã khiến dư luận hết sức hoang mang.
Theo chia sẻ từ người nhà của các nạn nhân, loại thuốc diệt cỏ mà người mẹ pha vào sữa là Paraquat, đây là loại thuốc cực độc, gây nguy hiểm đến tính mạng sau khi uống phải.
Chính vì độc tính cao, nên sau khi uống, dù được cấp cứu nhưng một bé trai 4 tuổi đã tử vong, còn người mẹ và một bé gái 9 tuổi dù vẫn đang tỉnh táo, nhưng các bác sĩ chưa thể tiên lượng trước được điều gì.
Bé gái 9 tuổi đã được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Nói về loại thuốc diệt cỏ Paraquat, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, đây là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.
BS Nguyên thông tin, những năm gần đây số ca ngộ độc paraquat ngày càng gia tăng, nếu như năm 2014 số ca ngộ độc loại hóa chất này là khoảng 300 cả, thì năm 2016 con số khoảng 450 ca… đó là tính riêng tại TT Chống độc BV Bạch Mai, chưa kể các đơn vị khác.
Qua thực tế cấp cứu hàng trăm ca ngộ độc Paraquat tại trung tâm, BS Nguyên cho biết, có đến 70-90% số người ngộ độc loại hóa chất này sẽ tử vong. Đa số bệnh nhân tử vong sau 3-10 ngày, thậm chí có trường hợp tử vong sau 3 tháng ngộ độc do xơ phổi, suy hô hấp. Điều đáng nói, những bệnh nhân ngộ độc paraquat đều tỉnh táo cho đến lúc tử vong.
“Nếu bệnh nhân ngộ độc Paraquat qua được ít nhất 18 ngày (chắc chắn nhất là 3 tháng) không bị lên cơn khó thở, thì họ mới có cơ hội qua khỏi. Một khi đã lên cơn khó thở, nghĩa là phổi bị xơ tiến triển, không thể phục hồi, người bệnh chết vì suy hô hấp”, BS Nguyên chia sẻ.
Đối với những trường hợp bệnh nhân ngộ độc paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác, nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống.
Paraquat là loại thuốc kịch độc.
Hiện nay, Việt Nam và cả trên thế giới đều chưa có biện pháp điều trị để cứu sống các bệnh nhân ngộ độc paraquat. Cách điều trị hiện nay là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế và phải gánh chịu chi phí rất lớn khi điều trị.
Khi bệnh nhân ngộ độc Paraquat, phương pháp sơ cứu ban đầu để hạn chế tác động nguy hại với tính mạng là cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để dùng than hoạt tính hoặc dùng thuốc truyền dịch thải độc, lọc máu…
Tuy nhiên, theo BS Nguyên để giải quyết căn cơ vấn đề ngộ độc Paraquat (đa phần do tự tử) thì cần phải cấm lưu hành loại thuốc diệt cỏ này. Hiện nay, trên thế giới, paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia.
Còn tại Việt Nam, dù Paraquat đã bị cấm, nhưng đến tháng 2/2019 mới hết hiệu lực lưu hành trên toàn quốc. Bởi vậy, BS Nguyên đề đạt nguyện vọng: “Chúng tôi mong muốn chất này được cấm càng sớm càng tốt bởi muộn ngày nào sẽ lại có thêm những ca tử vong rất đau thương”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn