Cặp khế cổ từ đời vua Gia Long, giá 10 tỷ khiến dân chơi “phát sốt”
Gần đây, hình ảnh về cặp khế cổ bonsai được cho là có từ thời vua Gia Long của tay chơi Toàn “đô la” Phú Thọ bất ngờ gây “sốt” và nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận nhờ hình dáng lạ mắt.
Theo đó, cặp cây có tuổi đời hơn 400 năm, cao gần 3m và đường kính gốc một người lớn ôm mới xuể. Tay chơi này cho biết, cây được làm theo tích “tam ca ngũ thường”, một cây khế chồng, một cây khế vợ. Theo chủ nhân cũ của cây, cặp khế do đích thân vua Gia Long trồng và chăm sóc.
Khi con trai của vua Gia Long là hoàng tử Cảnh trưởng thành, vua trao cặp khế cho hoàng tử đi khai phá miền Tây. Sau đó, cặp khế được truyền lại qua nhiều đời và từng thuộc sở hữu của những tay chơi sinh vật cảnh nổi tiếng.
Chính vì nguồn gốc đặc biệt và dáng thế lạ mắt mà cặp khế được nhiều người săn lùng, tìm mua. Để sở hữu được cây quý, đại gia đất Việt Trì phải mất khá nhiều thời gian đeo đuổi, thuyết phục. Anh Toàn kể, anh phải lặn lội nhiều lần từ Phú Thọ vào tận Tiền Giang. Thời gian đầu chỉ là để kết thân với chủ nhân cặp khế cổ, sau đó mới dám ngỏ lời mua đứt.
Nói về giá trị của cây, anh Toàn cho hay: “Cây cổ thì giá trị vô cùng, hiện giá trị của cặp khế này khoảng hơn 10 tỷ đồng”. Được biết, cặp khế cổ cũng đã được công nhận là cây di sản của Việt Nam.
Bộ ba sanh cổ "hóa thạch" hét giá 30 tỷ của đại gia Hưng Yên
Bộ ba sanh cổ của anh Chử Minh Nghiệp (Văn Giang, Hưng Yên). Đây cũng được đánh giá là bộ sanh cổ “hiếm có, khó tìm” trên thị trường nhờ hình dáng độc đáo và tuổi đời lâu năm. Theo đó, tác phẩm được anh Nghiệp sưu tập và mua lại trong nhiều năm trời, sau đó chỉnh sửa, chăm sóc ghép lại thành bộ ba “Tam Đa”.
Cả ba cây đều có tuổi đời lên tới hàng trăm năm, được giữ gìn, tạo tác qua nhiều nghệ nhân chơi cây nổi tiếng trên cả nước. Trong ba cây, hai cây có dáng trực, một cây có dáng “phúc-lộc-thọ” thể hiện sự quy tụ, sum vầy. Điều đặc biệt, các cây đều có thân, bệ u bướu, tay cành uyển chuyển và các dăm cành đối xứng, đẹp mắt.
Theo anh Nghiệp, cả ba cây sanh cổ đều có bộ rễ cổ kính, ôm trọn phiến đá cổ. Trong đó, có cây anh phải mất hàng tháng trời theo đuổi, thuyết phục người chủ mới quyết định sang tên, bán đứt với một số tiền lớn.
Để tôn thêm vẻ đẹp cho các cây, chủ nhân của bộ tác phẩm này còn lặn lộn khắp nơi, sưu tập các bệ đá cổ để trồng “siêu cây”. Được biết, từng có người chịu chi trả giá tác phẩm lên tới nhiều tỷ đồng nhưng anh Nghiệp chưa đồng ý bán. Theo anh Nghiệp, một phần vì chưa được giá, một phần anh muốn để chăm sóc, tạo tác thêm một thời gian nữa. “Bộ ba tác phẩm này nếu tính theo giá thị trường thì ít nhất cũng phải có giá 30 tỷ. Tuy nhiên, việc mua bán này cũng khó nói, nhiều khi còn phụ thuộc vào cái duyên nữa”, anh Nghiệp khẳng định.
Doanh nhân đổi 8 lô đất ở Thủ đô lấy cây sanh cổ nhất châu Á
Tác phẩm sanh "Mộc thạch nghênh phong" hiện thuộc sở hữu của một giám đốc công ty ở Hoàng Mai (Hà Nội). Cây cao 3m, chu vi của cả bộ rễ ôm đá này lên đến 5,5m. Chủ nhân của siêu cây này cho biết, cây có nguồn gốc từ một gia đình quý tộc, thời phong kiến. Nó đã trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm cùng kiếp nhân sinh. Dấu tích của thời gian chính là sự tương giao hòa hợp, cây và đá nương tựa vào nhau trường tồn cùng thời gian.
“Tôi mua cây sanh này cách đây gần 20 năm. Thời điểm đó, tôi phải đổi 8 lô đất ở Hà Nội, nếu quy đổi ra giá trị hiện tại phải vài triệu đôla", chủ nhân "siêu cây" cho biết.
Giải thích về dáng “Mộc thanh nghênh phong, người này cho hay, cây có bộ rễ ôm đá mà thế đứng làm cho cây và khối đá dưới chân gắn chặt vào nhau như đưa toàn thân vươn lên cùng nghênh đón gió.
Nếu nhìn thoáng qua mặt trước của tác phẩm thì dễ nhầm tưởng đây là cây không thân, chỉ có hai cành tỏa về hai hướng, có rễ phụ phun ra tua tủa tạo thành lớp màng ôm trọn lấy viên đá. Trong khi đó, quan sát các phía, phần thân chính chạy thành một dải kết bện thành mảng lâu ngày đã quyện vào đá, chỉ còn lại một phần rất nhỏ nổi ra bên ngoài.
Được biết, tác phẩm này đã được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là "Cây sanh ôm đá nghệ thuật lớn, cổ nhất châu Á" vào ngày 18/12/ 2010.
Đại gia bỏ 8 tỷ mua “đứt” cây sanh cổ, mở tiệc linh đình
Siêu cây “Dấu ấn thời gian” là cây sanh cổ, với dáng thế độc đáo, đẹp mắt được nhiều người ví là “biểu tượng” trong giới chơi cây. Cây có nguồn gốc từ Nam Định và từng được chính tay nghệ nhân nổi tiếng bậc nhất Hà Nội - ông Đặng Xuân Cường (hay còn gọi là Cường họa sỹ) tạo tác, chỉnh sửa.
Theo đó, cây cao khoảng 1m, đường kính thân bệ khoảng 60cm, hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ văn” của một cây cảnh đẹp. Đặc biệt, bệ ôm đá, thân cây nổi u bướu rất đẹp mắt, các bông tán hài hòa, cân đối như một tác phẩm nghệ thuật.
Cùng với siêu cây “Mâm xôi con gà” đình đám trước đây, cây “Dấu ấn thời gian” được xem là cây cảnh có giá trị đắt đỏ bậc nhất, được nhiều người “săn” tìm.
Đầu năm 2017, cây được một dân chơi cây cảnh là anh Minh Dưỡng (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) bỏ tiền mua đứt. Thương vụ mua bán “siêu” cây này từng gây xôn xao và ồn ào trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, khi sở hữu thành công cây cảnh giá trị này, chủ nhân mới còn mời dân chơi sinh vật cảnh ở khắp mọi miền đất nước về mở tiệc linh đình.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn