Cuộc tháo chạy của người phụ nữ khỏi phòng sếp lớn

Thứ ba - 24/04/2018 09:57

Cuộc tháo chạy của người phụ nữ khỏi phòng sếp lớn

“Tôi nhớ rất rõ câu chuyện ấy bởi đó là một trong số những ca hiếm hoi về quấy rối, xâm hại tình dục nơi công sở tôi tư vấn. Nhiều nạn nhân (cả nam và nữ) đều né tránh vấn đề này. Thay vì đối mặt, lên tiếng họ thường chọn cách im lặng”, Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định, từ xa xưa con người quan hệ tình dục nhằm giữ gìn, phát triển nòi giống và thỏa mãn đam mê về mặt thể xác, tình cảm.

Nhưng việc này phải có tình cảm sự đồng điệu từ cả hai phía. Bất cứ hành vi nào xâm hại để thỏa mãn nhu cầu cá nhân khi đối phương không đồng tình đều là hành vi, quấy rối xâm hại tình dục.

Theo chuyên gia tâm lý, quấy rối tình dục bao gồm các hành vi mang bản chất tình dục bằng lời nói và không bằng lời nói.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Ngọc Trang

“Kẻ quấy rối chỉ dùng ánh mắt nhìn một cách soi mói, cố ý trên cơ thể của đối phương khiến người này phải lúng túng. Đây cũng là một hình thức quấy rối tình dục, có thể nói là hình thức quấy rối đầu tiên”, chuyên gia tâm lý khẳng định.

Việc tán tỉnh, trêu ghẹo bằng các từ ngữ nhạy cảm về tình dục, cho xem hình ảnh gợi dục, ôm hôn, quàng vai, áp sát… làm cho người khác cảm thấy khó chịu, xấu hổ cũng bị xếp vào hành vi quấy rối tình dục.

Nhiều người thường nhầm lẫn rằng các hành vi cưỡng hiếp, hiếp dâm mới là quấy rối tình dục, trong khi đây là hình thức quấy rối nghiêm trọng nhất.

Chính sự nhầm tưởng này khiến nhiều nạn nhân bị quấy rối mà không hay biết. Họ bị đối phương buông những lời nói khiếm nhã, những cái đụng chạm… nhưng tặc lưỡi cho qua. Điều này khiến “yêu râu xanh” chốn công sở có điều kiện, cơ hội để “làm tới”.

Chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ: “Người quấy rối thường là người có “sức mạnh”, không đơn giản là sức mạnh cơ bắp mà là người mạnh về vị thế trong công việc, tiền tài. Đối tượng này dùng thế mạnh của mình để khống chế, ép buộc nạn nhân nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân”.

Đây là lý do khiến nạn nhân của các vụ việc thường chọn cách im lặng thay vì đứng lên phơi bày sự thật. Họ mang tâm lý mặc cảm, xấu hổ và sợ bị trả thù, chèn ép. Các nạn nhân chỉ tìm đến chuyên gia tâm lý khi sự việc đã diễn ra trong thời gian dài và đạt đến mức độ nghiêm trọng. Trường hợp của chị P. (30 tuổi) một nhân viên công sở ở Hà Nội cũng là một vụ việc mang tính tương tự.

“Khách hàng đó đến gặp tôi vào một buổi chiều muộn. Chị là một phụ nữ không quá xinh đẹp nhưng cách ăn nói nhẹ nhàng, cử chỉ duyên dáng khiến người đối diện bị cuốn hút.

Chị P. đến tìm tôi không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Sau thời gian dài chia sẻ, thuyết phục chị mới dám kể câu chuyện của mình”, ông Nguyễn An Chất kể lại.

Làm trong môi trường công sở, người phụ nữ này bị quấy rối tình dục bởi cấp trên của mình. Ban đầu, ông ta thể hiện sự quan tâm với chị bằng cách đề nghị giúp đỡ về công việc và những vấn đề trong cuộc sống.

Chị P. lầm tưởng những sự hỗ trợ đó là sự vô tư, hào hiệp xuất phát từ mối quan hệ đồng nghiệp tuy nhiên lâu dần chị cảm thấy có vấn đề trong sự giúp đỡ đó.

Vì nhiều lý do, nạn nhân bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng. Ảnh minh họa (Nguồn: Milled.com)

“Người khách hàng này nói với tôi: “Ông ta thể hiện ý đồ với tôi (chị P.) từ những hành vi nhỏ. Đó là vào một buổi họp chung ở cơ quan, ông ta dùng chân chạm vào chân tôi từ phía dưới gầm bàn.

Một lần khác, ông ta rủ tôi đi uống cà phê riêng để bàn thêm về công việc. Suốt buổi cà phê ông ta dùng ánh mắt mê dại nhìn vào chỗ nhạy cảm trên người tôi khiến tôi lúng túng phải tìm cớ về sớm”.

Không chỉ dừng lại ở đó, một ngày đến công sở chị lại bị đối tượng trên có những hành vi quấy rối khác nhau khiến chị không khỏi lo sợ. Một lần, khi chị vào phòng nộp báo cáo, ông ta nhìn chị rất lâu.

Sau đó ông ta đi ra phía sau người chị, bất ngờ luồn tay vào mái tóc chị. Lần khác, ông ta tìm cách giả vờ vươn người qua bàn chị để lấy vật dụng và cố tình chạm vào ngực chị. Những sự đụng chạm đó khiến chị P. hoảng sợ.

Khi chị P. cố giữ khoảng cách, người sếp này lại dùng cách tấn công bằng lời nói, ngôn ngữ. Thậm chí, có lần anh ta còn làm hỏng xe chị để kiếm cớ đưa chị về nhà. Việc này kéo dài khiến chị bị khủng hoảng tinh thần.

Tuy nhiên chị không thể nói cùng ai. Ở công sở, nhiều người biết sếp đang có “tình ý” với chị nhưng vì anh ta là sếp, có “quyền sinh quyền sát” nên không ai dám ý kiến. Chồng chị là người đàn ông kỹ tính, gia trưởng chị càng không thể trải lòng. Là công việc yêu thích nên chị cũng không thể từ bỏ.

Chị im lặng, lầm lũi đến công sở như một con rùa tới một ngày sự việc bị đẩy đến đỉnh điểm.

Lần đó người sếp trách mắng chị P. vì công việc chưa tốt. Đến giờ tan sở, công việc vẫn chưa hoàn thành, ông ta yêu cầu chị ở lại làm thêm giờ. Chị nghe theo. Khi văn phòng chỉ còn hai người, ông ta giở trò đồi bại ngay trong phòng riêng.

Tuy nhiên chị P. may mắn chạy thoát nhờ một người đồng nghiệp quay lại văn phòng lấy đồ để quên. Nghe tiếng động ở phòng bên cạnh, ông ta giật mình. Nhân giây phút đó, chị P. lao chạy ra ngoài.

Sau sự việc trên, chị P. không dám nói với ai. Chị xin chuyển sang bộ phận khác, nơi công việc nặng hơn và mức lương thấp hơn. “Đó là một sự đối phó thụ động nhưng tôi không còn có cách nào khác”, chị nói.

Những tháng ngày sau, chị luôn bị ám ảnh về chuyện cũ. Chị P. đến nơi làm việc với nỗi chán chường. Chị lo ngại với cả những đồng nghiệp nam từng cư xử rất vô tư và thân thiện với chị.

“Sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng, chị phải gõ cửa phòng chuyên gia tâm lý cầu cứu”, Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất kể lại.

Theo Vietnamnet

Nguồn tin: eneoia.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây