Theo lãnh đạo Cục kiểm lâm tình trạng buôn bán, vận chuyển cây cảnh phục vụ cho các khu du lịch, đô thị xuất hiện từ năm 2010. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định quản lý vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết theo hồ sơ mà chủ ba cây “khủng” bị bắt tại Thừa Thiên - Huế cung cấp thì nhóm có nguồn gốc tại Đắk Lắk.
Theo đó, ba cây trên là đa sộp được khai tác tại huyện Krông Năng, Krông Ana và huyện M’đrắk thuộc Đắk Lắk.
“Sáng nay đơn vị đã cử cán bộ mang hồ sơ vào phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra có đúng hay không. Bước đầu đơn vị xác nhận ba cây trên thuộc loại đa sộp cổ thụ”, ông Tùng nói.
Hiện trường một cây đa "khủng" được khai thác. Ảnh: Minh Quý. |
Theo ông Tùng, trong hồ sơ không thể hiện các cây này vận chuyển để tặng cho ai hay làm gì. “Theo bản kê, các cây trên có đường kính hơn 2 m và thuộc dạng cổ thụ. Giá trị các cây trên không được tiết lộ", ông Tùng nói.
Vị này cho biết thêm qua sự việc này Cục đã có văn bản gửi các địa phương tăng cường kiểm tra và khuyến khích người dân không nên buôn bán những loại cây này.
Liên quan đến quy trình cấp phép, khai thác một cây “khủng”, ông Tùng cho biết năm 2012 Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định về Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.
Theo ông Tùng, 3 cây cảnh được phát hiện tại Thừa Thiên - Huế bước đầu xác nhận là cây cổ thụ, có nguồn gốc của cá nhân chứ không phải từ rừng.
“Các cây có nguồn gốc từ nhà, trang trại hay cây trồng phân tán thì do UBND xã xác nhận. Để được UBND xã xác nhận, chủ cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ nộp hồ sơ trực tiếp để đề nghị”, ông Tùng nói.
Theo đó, hồ sơ đề nghị gồm: Bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ theo mẫu, hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính (nếu có) và các tài liệu về nguồn gốc cây.
Thời gian xác nhận và trả kết quả không quá 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp kiểm tra hồ sơ và cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ đảm bảo đúng quy định thì tiến hành xác nhận ngay.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo cho chủ cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ biết và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Nhiều nhánh còn sót lại sau khi được khai thác tại huyện Krông Năng. Ảnh: Minh Quý. |
Còn đối với trường hợp cần phải xác minh về nguồn gốc của cây trước khi xác nhận thì cơ quan tiếp nhận thông báo cho chủ cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ biết; kết thúc xác minh phải lập biên bản xác minh.
Sau khi xác minh, nếu không có vi phạm thì tiến hành ngay việc xác nhận. Thời gian xác nhận trong trường hợp này tối đa không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp xác minh phát hiện có vi phạm thì phải lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vị Cục trưởng cho biết thêm để vận chuyển một cây “khủng” chủ nhân phải có đủ hồ sơ gồm: Hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại và có xác nhận của UBND cấp xã.
"Tùy theo từng loại cây rừng hay nhà mà Hạt kiểm lâm địa phương nơi người dân cung cấp theo dõi và có ý kiến vì trách nhiệm quản lý thuộc về UBND cấp xã", ông Tùng nói.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn