Không so sánh với các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Malaysia, chỉ cần nhìn sang Campuchia và cao hơn nữa là Indonesia, đã thấy các dòng xe xanh của các nước đang được đầu tư rất mạnh. Nếu năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, ô tô từ các nước này được gỡ bỏ thuế quan theo cơ chế gỡ bỏ hàng hoá nhạy cảm cao (HCL) của Hiệp định thương mại tự do ASEAN (nay là AEC) thì việc Việt Nam bị biến thành thị trường ô tô của các nước trên không là chuyện khó.
Khu vực đang hướng đến xe xanh
Về thông tin Campuchia chế tạo thành công một chiếc “siêu xe” từ năm 2013 và hoàn thiện mẫu này năm 2014 với tên Angkor 2014. Loại xe này có trang bị hệ thống GPS, được chạy bằng điện với vận tốc tối đa 60km/giờ. Điều đáng nói, chiếc xe có thiết kế mở cánh lên trên như những chiếc siêu xe thời thượng. Giá dòng xe trên chỉ dao động chỉ 100 triệu đồng/chiếc.
Theo báo chí Campuchia, ý tưởng của nhà sản xuất xe điện người Campuchia này có được từ năm 2003, đầu tiên sử dụng máy của Honda C100, sau đó model thứ hai và thứ 3 của ông này sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn. Năm năm sau đó, ông này trình làng chiếc xe mới 2010 và năm 2014 trình làng chiếc xe Angkor EV 2014 chạy điện với 300 km/lần sạc.
Ngoài Campuchia, một nước đang có vấn nạn tắc đường hơn cả Việt Nam do xe máy quá nhiều là Indonesia cũng đã xây dựng các kịch bản nhằm chuyển nền sản xuất xe hơi của nước này sang hướng xanh hóa.
Cụ thể Indonesia đã có cả Chương trình phát triển ôtô điện quốc gia với mục tiêu sản xuất xe xanh hàng loạt. Từ năm 2012, sản phẩm ô tô điện của nước này đã ra đời. Tuy nhiên, còn sơ sài và phụ thuộc công nghệ và máy móc, thiết bị của Nhật Bản như các hãng Daihatsu và Toyota.
Đến Năm 2014, mẫu xe điện thử nghiệm của Viện nghiên cứu Nopember Sepuluh cho ra đời. Tuy nhiên, không đạt các mục tiêu của chiến lược cấp quốc gia, các mẫu xe xanh của nước này được tiếp tục nghiên cứu.
Gần đây, Indonesia đã chú trọng đẩy mạnh các chiến dịch chuyển các nhà sản xuất xe ô tô nội địa, hướng các doanh nghiệp liên doanh của Indonesia và Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển mảng ô tô điện, phấn đấu năm 2018, Indonesia sẽ cho ra đời sản phẩm ô tô điện với tỷ lệ nội địa cao.
Theo đó, Chính phủ Indonesia đã ban hành các chính sách tài chính và phi tài chính nhằm khuyến khích sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của thị trường toàn cầu. Về mức thuế suất đối với mặt hàng xe xanh, thân thiện môi trường, từ năm 2013, Indonesia đã ra Quy định số 41/2013 về việc đánh thuế ở mức thấp đối với các loại xe ô tô có mức tiêu hao nhiên liệu và lượng khí thải CO2 thấp.
Chính vì điều này, đã khuyến khích các nhà sản xuất xe hơi quốc tế tăng cường mở rộng đầu tư để tập trung sản xuất các loại xe thân thiện môi trường. Các loại xe tiêu hao ít năng lượng, xe xanh có công suất động cơ 1.200 CC được miễn thuế tại quốc đảo.
Gần đây, Chính phủ Indonesia đã quyêt đặt mục tiêu sản xuất 2,5 triệu chiếc vào năm 2019 và xuất khẩu phải tăng gấp ba lần vào năm 2017, trong đó các nhà sản xuất phải chú trọng cho ra đời các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, lượng khí thải CO2 thấp mới được ưu đãi thuế.
Theo báo chí quốc tế, Indonesia đang nỗ lực để tận dụng xu hướng quốc tế hóa xe xanh, xe điện, xe thân thiện với môi trường để thay thế Thái Lan, trở thành địa điểm sản xuất xe hơi thế hệ mới, quy tụ các nhà đầu tư, liên doanh của thế giới về đây thông qua chiếc lược bài bản và quyết tâm cao.
Việt Nam sẽ là vùng trũng trong thị trường xe nhập
Trở lại với Việt Nam, cộng đồng DN vừa qua rất vui mừng khi Bộ Công Thương chính thức giới thiệu 9 loại xăng theo tiêu chuẩn Euro 4 (xăng sạch theo tiêu chuẩn 5 bậc của châu Âu) bán ra thị trường từ ngày 1/1/2017, đồng thời thống nhất giới thiệu lộ trình bán các loại xăng trêm trước khi công bố quy định và kiểm định về công nghệ khí thải đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Theo nhận định của TS Ngô Trí Long, chuyên gia Kinh tế: "Vấn đề xăng tiêu chuẩn Euro 4 đã được Chính phủ đưa ra tại Quyết định số 49 của Chính phủ từ ngày 1/1/2017 đã phải bán và các DN phải lắp ráp công nghệ khí thải cho ô tô tương ứng. Động thái này dù muộn nhưng vẫn là điều đáng mừng, bởi lâu nay, chúng ta đang phải dùng loại xăng tiêu chuẩn thấp Euro 2 trong khi thế giới đã bán xăng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và quy định động cơ khí thải Euro 4 hàng chục năm rồi".
Ông Long nhấn mạnh: "Thế giới đang hướng đến xe điện, xe chạy bằng năng lượng mặt trời, Việt Nam không thể quẩn quanh trong giới hạn của xe động cơ khí thải thấp được, xe chạy xăng bẩn được... Về ngành ô tô, chúng ta đang đi sau thế giới, sau khu vực về cách nhìn và xu hướng. Tuy nhiên, đã đi sau thì phải kiên quyết yêu cầu các DN bán loại xăng trên, không được để giống với tình trạng chết yểu của xăng E5 hiện nay, sản phẩm tốt nhưng không được sử dụng".
Ông Tussin Mahamongkol, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam cho hay: "Tôi được biết một số liên doanh sản xuất ô tô của Thái đã hoàn thành nghiên cứu xe điện, họ chuyển một số model sang chế tạo quy mô phòng nghiên cứu và nhà máy, đi tiên phong là Nissan, Mitsubishi... Thái Lan là nước có ngành công nghiệp ô tô lớn, do đó để thay đổi hướng phát triển, cần phải thay đổi cả chuỗi cung ứng, do đó chắc các DN phải làm dần từng bước".
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn