Tân Giám đốc WB cam kết giúp Việt Nam thành nước công nghiệp trong vòng một thế hệ!
Trong bài phát biểu gần 2 phút của mình, ông Ousmane Dione, Tân Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam đã chia sẻ về những ưu tiên của ông trong hỗ trợ sự phát triển của đất nước, trong khi thưởng thức các món ăn Việt Nam và trò chuyện vui vẻ với người dân.
"Tôi rất vui được sống tại Việt Nam và thưởng thức các món ăn tại Việt Nam cũng như trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc tại đất nước này", ông nói trong phần đầu bài phát biểu.
Tân Giám đốc World Bank cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi, thực hiện những mục tiêu và định hướng theo Báo cáo Việt Nam 2035, giúp Việt Nam trở thành một nước công nghiệp trong vòng một thế hệ.
"Tôi sẽ làm việc với Chính phủ và người dân để vượt qua những thách thức hiện thời và nắm bắt những cơ hội mới, mang lại lợi ích cho đất nước. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác với Chính phủ cũng như tất cả các đối tác khác của World Bank tại Việt Nam", ông Ousmane Dione nói.
Ông cũng nhấn mạnh: "Cùng nhau chúng ta sẽ biến sự hợp tác này thành những mục tiêu và hành động, nhằm mang lại những kết quả thiết thực cho mọi người dân. Tôi mong đợi được làm việc với tất cả các bạn cho sự phát triển của Việt Nam!".
Ông Ousmane Dione sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam kể từ ngày 12/9/2016. Ông Ousmane Dione, quốc tịch Senegal, đã làm việc cho World Bank kể từ năm 2000 với chức vụ đầu tiên là Chuyên gia Quản lý Nguồn nước.
Kể từ đó tới nay ông đã giữ nhiều vị trí quản lý và điều hành khác nhau tại châu Phi, Nam Á, Mỹ La-tinh, và Đông Á Thái Bình Dương. Chức vụ gần đây nhất của ông là Giám đốc Ngành Nước khu vực Đông Á Thái Bình Dương.
Thông tin từ World Bank cho biết, trên cương vị mới của mình, ba ưu tiên hàng đầu của ông Ousmane gồm: Dẫn dắt quá trình tốt nghiệp IDA của VIệt Nam; tiếp tục phát triển quan hệ đối tác và hợp tác của Ngân hàng Thế giới với chính quyền cấp trung ương và địa phương của Việt Nam sâu hơn nữa; và hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển nhằm thực hiện tầm nhìn và các khuyến nghị nêu trong Báo cáo Việt Nam 2035.
Về Báo cáo Việt Nam 2035 được Tân Giám đốc World Bank nhắc tới, báo cáo này gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035 nội dung đáng chú ý như: Với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD.
Báo cáo cũng đề ra một số nhiệm vụ chính về việc phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo.
Trước ông Ousmane, vị trí Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam do Victoria Kwakwa đảm nhiệm, phụ trách toàn bộ danh mục dự án giá trị hàng tỷ USD và một chương trình tri thức sáng tạo. Hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã bổ nhiệm bà Victoria Kwakwa làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương.
Trong nhiệm kỳ của bà Kwakwa tại Việt Nam, quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam đã tăng theo chiều sâu, phù hợp với những thách thức ngày càng phức tạp của một nước thu nhập trung bình mới nổi. Mới đây, bà Kwakwa đã đứng đầu một nhóm chuyên gia cùng với Chính phủ soạn thảo báo cáo Việt Nam 2035, trong đó nêu rõ các phương án giúp Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong một thế hệ.
Phương Dung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn