Sau Formosa đến lượt Vedan xin tự nhập than để phát điện

Thứ sáu - 14/10/2016 13:24

Sau Formosa  đến lượt Vedan xin tự nhập than để phát điện

Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài - FDI) vừa có công văn xin Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Công Thương và Tổng cục Hải quan cho nhập khẩu than trực tiếp về phát điện thay vì qua các doanh nghiệp (DN) được chỉ định theo quy định của Chính phủ từ năm 2014.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (trụ sở chính đặt tại Quốc lộ 51, thuộc xã Phước Thái, H. Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết từ năm 1991, họ đã xây dựng lò hơi đốt than phun 60 MW, công suất 307 tấn hơi/giờ, cung cấp điện năng và hơi nóng phụ vụ toàn bộ hoạt động của công ty trong sản xuất.

Một góc nhà máy Vedan Việt Nam, bên dòng sông Thị Vải Đồng Nai

Ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Vedan Việt Nam cho hay: Để vận hành nhà máy điện ổn định, công ty này phải sử dụng công nghệ đốt than phun với công nghệ cao. Do đó đòi hỏi chất lượng than phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thiết bị, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị và hiệu suất sử dụng.

Trong quá trình đầu tư và sản xuất, hàng tháng công ty này đều nhập than từ nước ngoài để sử dụng, trung bình mối tháng, công ty này nhập khoảng 31.500 tấn. Hiện Vedan Việt Nam đã thông qua chi nhánh Vedan tại Đài Loan ký hợp đồng dài hạn với Mitsui Group (Nhật Bản) để mua than đến hết tháng 3/2017.

Tuy nhiên, cuối tháng 9/2016, Vedan đã làm việc với Chi cục Hải quan Long Thành, Đồng Nai và được hướng dẫn muốn nhập khẩu than trực tiếp phải được sự cho phép của Thủ tướng theo quy định. Đồng thời cần ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoặc Tổng Công ty Đông Bắc.

Trên thực tế ngày 26/8/2014 Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 346/TB-VPCP về kết luận về việc nhập khẩu than theo quy định phải qua hai đầu mối chính. Đây là điều này phù hợp với thông lệ quốc tế vừa bảo đảm các doanh nghiệp đầu mối tìm nguồn cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp. Văn bản này có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành. Tuy nhiên, điều này không khả thi với nhiều doanh nghiệp cần nhập than.

Theo lý giải của Vedan, việc thay đổi trên là sự bất ngờ đối với công ty bởi từ năm 2015 công ty này mới bắt đầu sử dụng than để phát điện. Đại diện Vedan Việt Nam giải thích: "Công ty chúng tôi nghĩ rằng Thông báo trên chỉ áp dụng đối với DN nhà nước mà không ý thức được rằng DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải tuân thủ. Do mới biết đến Thông báo này và do thời gian quá cấp bách, chúng tôi chưa có thời gian tìm hiểu và làm việc với TKV và Cty Đông Bắc vì liên quan đến nhiều yếu tố như chủng loại than, chất lượng, giá cả và vận chuyển.... do đó xin Thủ tướng xem xét cho nhập khẩu than trực tiếp , thực hiện hết hợp đồng đã ký với đối tác".

Vedan cho hay, nếu không được nhập khẩu trực tiếp, phải thông qua một trong hai công ty của Việt Nam, công ty sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại. Cụ thể là không có điện phục vụ sản xuất bột ngọt, tinh bột, xut axit, phân bón... và phải dừng hoạt động. Ngoài ra, còn phải chịu tổn thật vì hủy bỏ hợp đồng, phạt hợp đồng đối với đối tác Nhật và bồi thường cho hãng vận chuyển... những tổn thật là không thể bù đắp được.

Trước đó như tin Dân Trí đã đưa, Công ty Formosa cũng gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan đề nghị cho tự nhập khẩu than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 tại Đồng Nai. Lý do được Formosa đưa ra là than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai. Về quy định nhập qua hai đầu mối trên, Formosa khẳng định, họ đã có nhiều năm kinh nghiệm nhập khẩu, nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá cả phù hợp rồi, Formosa không cần thiết phải ký kết với hai DN nói trên.

Thời gian qua, tình hình nhập khẩu than khá phức tạp và có chiều hướng tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại, hoạt động kinh doanh, khai thác của ngành than. Bên cạnh đó, việc cho phép các DN trong nước được tự nhập than về khiến nhiều nhà máy công nghiệp tại Việt Nam lạm dụng tài nguyên, sử dụng hoặc không chịu thay đổi công nghệ đã cũ, lạc hậu...

Con số thông kế của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm2016, tổng lượng than nhập về Việt Nam đạt 10 triệu tấn, vượt xa rất nhiều con số dự đoán của Bộ Công Thương là trên 3 triệu tấn/năm. Điều đáng nói, trong các thị trường cung cấp than lớn cho Việt Nam, Trung Quốc là nước cung cấp ít hơn hẳn so với Nga, Indonesia nhưng giá than Trung Quốc cao nhất, trên 71 USD/tấn, cao hơn con số trung bình của thế giới từ 50 USD/tấn, vượt xa giá than của Nga và Indonesia.

Một động thái rất đáng chú ý là mới đây Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết sẽ cắt giảm hơn 4.000 lao động trong ngành này vì quý III và 9 tháng đầu năm, Tập đoàn này kinh doanh khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm...

Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 71.460 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2015. So với kế hoạch cả năm đề ra, mới hoàn thành 65% kế hoạch. Cùng với đó, sản lượng khai thác đều thấp hơn cùng kỳ, than nguyên khai sản xuất đạt 26,7 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch đề ra.

Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây