"Trung Quốc hy vọng giành 30 tới 36 HCV". Tờ Thời báo Hoàn Cầu, thuộc cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giật tít lớn trên trang bìa khi Thế vận hội đầu tiên diễn ra tại Nam Mỹ khai màn.
Nhưng chưa đầy hai tuần sau, hy vọng thành ra thất vọng. Mục tiêu ban đầu của họ có khả năng bị phá sản. Đất Rio không dễ để tới rồi lấy vàng thoải mái. Kết thúc ngày thi đấu thứ 10, đoàn Trung Quốc chỉ đứng hạng ba trên bảng tổng sắp huy chương, sau Mỹ và Vương quốc Anh. Thành tích như tại Olympic 2008 và 2012 trở nên mong manh hơn.
Những nét mặt thất vọng của các VĐV Trung Quốc xuất hiện thường xuyên ở Olympic Rio. |
Truyền thông Trung Quốc hoảng hốt. "Đùa à?", hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa ra dòng tweet khi chứng kiến số HCV của thể thao nước nhà thua cả Vương quốc Anh. "Quốc gia này chưa bao giờ đứng trên Trung Quốc".
Trên mạng xã hội, người dùng Internet thể hiện một sự lãnh đạm và thái độ chua chát. Một ai đó cố tỏ ra lạc quan khi bào chữa trên trang Weibo: "Bao nhiêu HCV cũng được, miễn là các VĐV về nhà an toàn".
Sự gay gắt qua giọng điệu phân tích của các bình luận viên thể thao Trung Quốc được nghe thấy hằng ngày. Những câu nói như, "Một Rio rác rưởi!", và đâu đó là tiếng gầm gừ: "Các trọng tài rác rưởi!", xuất hiện thường xuyên.
Truyền thông Trung Quốc bắt đầu dịu giọng khi chứng kiến đoàn thể thao nước nhà không đạt được kết quả như mong muốn. "Thật khó để giành hơn 25 HCV tại Olympic năm nay, khi chỉ còn 5 ngày nữa giải sẽ hạ màn", phóng viên Yang Dawei viết trên tờ Đại Liên Thời báo.
Sau ngày thi đấu đầu tiên trắng tay trên công cuộc tìm vàng Olympic, truyền thông Trung Quốc nhanh chóng hạ nhiệt những ngôn từ khoa trương ban đầu.
Đoàn thể thao Trung Quốc không thi đấu thành công như mong đợi. |
He Wenyi, một chuyên gia thể thao ở đại học Peking, giải thích với Thời báo Hoàn Cầu: "Trung Quốc giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những HCV của Olympic không còn bóng loáng nữa. Người Trung Quốc không cần dùng sức mạnh của thể thao để thúc đẩy sự tự tin của quốc gia".
Tờ Nhân dân Nhật báo dùng những ngôn từ rất sáo rỗng để bào chữa cho thất bại. Họ đổ lỗi cho những chấn thương, VĐV "hết thời", năng lực của thế hệ VĐV dự Olympic không bằng quá khứ hào hùng. Đài truyền hình CCTV còn dùng phần lớn thời lượng phát sóng để bình luận về câu chuyện của những VĐV khác nhằm che đậy thất bại tủi hổ.
Từ Brazil, thể thao Trung Quốc sụp đổ như một thảm họa. Mang đến giải 416 VĐV, nhưng chỉ giành được 51 huy chương, bao gồm 17 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Đến cả những đối thủ khác cũng bất ngờ khi chạm trán VĐV Trung Quốc. Họ luôn mặc định trong đầu: “Chúng tôi không dám nghĩ đến HCV. Danh hiệu đó thuộc về Trung Quốc”.
Mark Dreyer, cây bút thể thao biên tập cho website China Sports Insider, phân tích sự thụt lùi của thể thao Trung Quốc không cần phải phóng đại. Việc thành trì Trung Quốc sụp đổ tại Olympic cho thấy các VĐV nước này đang trong quá trình chuyển giao. Theo đó, họ không còn nhận nhiều áp lực phải giành được huy chương bằng mọi giá nữa.
Mao Zhixiong, chuyên gia thể thao của trường đại học Bắc Kinh cũng đồng ý với quan điểm này. Ông kết luận, nhà nước Trung Quốc đã "cởi mở và thoáng hơn" về số HCV tại các kỳ Olympic. "Chúng tôi vẫn cần dùng sức mạnh thể thao để thúc đẩy niềm tin của đất nước và chứng tỏ sức mạnh. Song, người Trung Quốc cũng bắt đầu thực tế hơn", Mao Zhixiong nói.
Tại Olympic London 2012, đoàn thể thao Trung Quốc xếp thứ hai chung cuộc, với 38 HCV, 29 HCB và 21 HCĐ. Dẫn đầu là đoàn Mỹ, với 46 HCV, 28 HCB và 29 HCĐ. Đoàn Vương quốc Anh đứng thứ 3, với 29 HCV, 18 HCB, 19 HCĐ.
Còn tại Olympic 2008, Trung Quốc dẫn đầu ở kỳ Thế vận hội mà họ là nước chủ nhà, với 51 HCV, 21 HCB, 28 HCĐ. Đoàn Mỹ xếp thứ 2, với 36 HCV, 38 HCB và 36 HCĐ.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn