Mourinho lại “cải tổ”
Mourinho là vậy. Ông luôn muốn thâu tóm quyền lực tối đa về tay mình. Đó là lý do người đàn ông ấy liên tục “cải tổ” ở CLB nào để thực hiện mục tiêu đích của mình (khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa). Tất nhiên, cuộc “cải tổ” nào cũng… khốc liệt.
Điển hình như ở Real Madrid. Ngay khi cập bến Bernabeu, ông đã loại thẳng tay những công thần như Raul, Guti… rồi tới Giám đốc kỹ thuật Valdano và cuối cùng là Iker Casillas.
Theo mô tả của trung vệ Pepe, Real Madrid thời Mourinho “loạn chưa từng thấy” với những tranh cãi không dứt. Cùng với đó, nội bộ đội bóng chia phe: chống lại và chung chiến hào với “Người đặc biệt”.
Trong lần thứ 2 trở về Chelsea, ông không thực hiện cuộc “cải tổ” mạnh mẽ trong thời kỳ đầu nhưng tới mùa giải cuối, Mourinho đã làm mạnh tay. Ông “trảm” nữ bác sĩ Eva Carneiro vì… không tuân lệnh. Kéo theo đó là hàng loạt những “cuộc chạm trán” nảy lửa với nhóm công thần như Eden Hazard, Fabregas, Diego Costa.
Khi tới MU, ông thày người Bồ Đào Nha đã bắt đầu thực hiện chiến dịch “bàn tay sắt” của mình. Mới nhất, ông đã công khai chỉ trích hai cầu thủ Smalling, Luke Shaw vì thiếu tinh thần chiến đấu (họ đã từ chối ra sân khi không đủ thể lực).
Mạnh mẽ hơn, HLV Mourinho đã yêu cầu “cải tổ toàn diện” CLB. Ông yêu cầu đội ngũ y tế phải kê khai chi tiết những ca chấn thương của MU và cả tình hình thể lực của các cầu thủ như Martial, Wayne Rooney, Phil Jones (những người không đạt phong độ tốt nhất). Việc “cải tổ” của Mourinho nên làm nhưng rõ ràng, nếu áp dụng ở thời điểm này, mọi chuyện sẽ có thể vượt quá giới hạn.
Hiểm họa khôn lường
Cuộc sống luôn có hai mặt. Sự cứng rắn của Mourinho có thể tác dụng ngược. Hồi ở Real Madrid, sở dĩ mọi chuyện yên ổn khi C.Ronaldo, Pepe (những cá tính lớn trong phòng thay đồ) đã theo phe Mourinho (nhưng rồi, họ cũng nói xấu ông sau khi ra đi). Ngược lại, “mầm nổi loạn” Sergio Ramos đã bắt đầu… kích hoạt nhưng Mourinho chưa phải chịu hậu quả bởi ông đã rời khỏi Bernabeu.
Thế nhưng, tình hình không “yên bình” như vậy với Mourinho ở Chelsea. Tác dụng ngược của chính sách “cứng rắn” của HLV người Bồ Đào Nha đã thể hiện rõ nhất ở mùa giải cuối cùng ông cầm quân ở CLB này.
Ngay trước thời điểm HLV Mourinho ra đi, ông đã buộc phải thốt lên: “Tôi đã bị phản bội”. Chứng kiến phong độ tốt của Eden Hazard, Diego Costa ở mùa giải này, người ta có quyền nghi ngờ về thái độ của bộ ba này hồi trước.
Thực tế, giờ đây, những ngôi sao đã ý thức được rất rõ cái tôi của mình (khi thu nhập cao cùng sự nổi tiếng của họ đến khá sớm). Do đó, phương pháp của HLV Mourinho ngày càng dễ thất bại hơn.
Chính vì vậy, nhiều người lo ngại thực tế tương tự sẽ xảy ra với Mourinho ở MU. Giờ đây, những ngôi sao như Luke Shaw, Smalling là những người bị nghi ngờ nhất. Mới nhất, báo giới Anh đã đưa tin Smalling sẽ phải nghỉ thi đấu ít nhất 1 tháng vi bị gãy ngón chân. Đó là thông tin không tốt trong bối cảnh MU khủng hoảng hàng thủ. Ở thời điểm nhạy cảm này, sự vắng mặt của trung vệ người Anh (nguyên nhân vẫn cần kiểm chứng).
Trong khi đó, Ibrahimovic cũng bắt đầu có phàn nàn về chế độ tập luyện của HLV Mourinho, khi ông cho toàn đội MU tập luyện quá nhiều về kỹ, chiến thuật mà hầu như bỏ qua yếu tố thể lực. Điều đó khiến cho những cầu thủ MU tập luyện tốt nhất.
Tất nhiên, tính cách Mourinho là vậy. Ông không bao giờ thay đổi kế hoạch của mình. Nếu thành công, ông có thể ổn định CLB và sớm hướng tới quỹ đạo chiến thắng. Nhưng nếu thất bại, tình hình có thể nằm ngoài tầm kiểm soát. Nên nhớ, HLV Mourinho không phải là người giỏi giải quyết vấn đề rắc rối (đặc biệt là nếu MU thi đấu không thất bại).
Có vẻ như, chính sách này của Mourinho đang dần lỗi thời.
H.Long
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn