Tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 của Triều Tiên. Ảnh: SCMP |
Triều Tiên hôm qua tuyên bố vụ thử tên lửa Pukguksong-2 ngày 21/5 đã thành công. Theo thông báo từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa đạn đạo tầm trung được thử nghiệm đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật và Bình Nhưỡng có thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng như giới chuyên gia lại tỏ ra ngờ vực trước tiến độ phát triển của chương trình tên lửa Triều Tiên, theo Reuters.
Bình Nhưỡng cho biết Pukguksong-2 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn. Song các chuyên gia Mỹ lại cho rằng Triều Tiên khó lòng đạt được bước tiến xa như vậy chỉ trong vài lần thử nghiệm.
Một số quan chức Mỹ nhận định vụ thử tên lửa mới nhất mà Triều Tiên thực hiện không cho thấy những năng lực mới cũng như chúng chưa thể trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Nhưng việc Bình Nhưỡng thử tên lửa hai lần liên tiếp trong một tuần đã làm tiêu tan hy vọng về hòa bình.
Giới chức Mỹ bên cạnh đó cũng ngờ vực về vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa KN-17, hay Hwasong-12, của Triều Tiên cách đây hơn một tuần. Triều Tiên cho hay tên lửa thử nghiệm có khả năng mang "đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn" đủ sức vươn tới lục địa Mỹ.
Chuyên gia phương Tây nhận định Hwasong-12 về mặt nào đó cũng cho thấy sự tiến bộ của Triều Tiên trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ, song Bình Nhưỡng vẫn còn cách vạch đích khá xa.
Triều Tiên công bố video phóng tên lửa Pukguksong-2KCNA cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân thị sát vụ thử tên lửa mới nhất và xác nhận độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn trong Pukguksong-2, quá trình phân tách cũng như quá trình dẫn đường giai đoạn cuối cho đầu đạn hạt nhân. Dữ liệu về vụ phóng đã được một thiết bị gắn trên đầu đạn ghi lại.
"Tuyên bố với niềm tự hào rằng tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của tên lửa rất chính xác và Pukguksong-2 là một vũ khí chiến lược thành công, ông đã ra lệnh đưa hệ thống vũ khí này vào hoạt động", KCNA dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un nói.
Theo KCNA, ông Kim còn có thể quan sát Trái Đất từ một camera gắn trên tên lửa. "Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nói ông thực sự vui mừng khi được nhìn ảnh Trái Đất theo thời gian thực do camera gắn trên tên lửa chụp (từ khí quyển)", Rodong Sinmun, nhật báo đảng Lao động Triều Tiên, viết. "Thế giới nhìn thật đẹp".
Quân đội Hàn Quốc trong khi đó cho hay tên lửa Triều Tiên bay khoảng 500 km, đạt đến độ cao 560 km. Theo họ, vụ thử nghiệm cung cấp "những dữ liệu ý nghĩa" đối với chương trình tên lửa Triều Tiên, nhưng vẫn cần phải tiến hành thêm các phân tích khác để xác định liệu Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ ngăn đầu đạn bốc cháy khi tái xâm nhập khí quyển Trái Đất hay chưa.
Ảnh chụp Trái Đất từ tên lửa Triều Tiên do báo Rodong Sinmun đăng. Ảnh: Yonhap |
Các chuyên gia Mỹ đánh giá tên lửa Pukguksong-2 có tầm bắn tối đa khoảng 1.500 km. Tuy nhiên, họ vẫn hoài nghi trước tuyên bố mà Triều Tiên đưa ra, khẳng định độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn trong tên lửa bởi số lần Bình Nhưỡng thử nghiệm còn rất giới hạn.
"Đưa vào sản xuất hàng loạt tên lửa khi vẫn còn trong giai đoạn phát triển thực sự rủi ro nhưng có lẽ người Triều Tiên liều lĩnh cảm thấy thoải mái với hành động này", ông Michael Elleman từ Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận xét.
Jeffrey Lewis, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trụ sở ở California, cho rằng Triều Tiên có thể vẫn phải tiếp tục tiến hành thử nghiệm tên lửa, sửa chữa những lỗi phát sinh trước khi đưa chúng vào hoạt động.
Việc dùng động cơ nhiên liệu rắn giúp tên lửa Triều Tiên ổn định hơn, giảm thiểu thời gian nạp nhiên liệu. Song theo ông Elleman, quá trình phát triển tên lửa tầm xa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn vô cùng phức tạp và "mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện".
Chuyên gia tên lửa John Schilling ước tính phải đến ít nhất là năm 2020 Triều Tiên mới có thể chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vươn được tới Mỹ.
Theo ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á tại Washington, với các vụ phóng tên lửa, Bình Nhưỡng dường như muốn thuyết phục Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới rằng họ cần chấp nhận việc Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Thông điệp Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ là chiến thuật gây áp lực của các bạn không thể thành công và chúng tôi sẽ nhìn vào những lệnh trừng phạt để rồi dần dần đưa chương trình tên lửa đạn đạo ngày càng tiến bộ", ông Russel, thành viên Viện Chính sách Xã hội châu Á, bình luận.
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn