Ông Bill Hayton hôm qua phát biểu trong hội thảo "Trung Quốc và Biển Đông: Lịch sử, pháp lý và cạnh tranh quyền lực ở Châu Á – Thái Bình Dương", tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội. Ảnh: Trọng Giáp |
Mỹ đã thực hiện 6 chuyến tuần tra trong giai đoạn 2013 - 2016 khi ông Barack Obama làm ông chủ Nhà Trắng, nhưng Washington chưa thực hiện chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải nào ở Biển Đông kể khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu năm nay.
Tháng này, 7 thượng nghị sĩ từ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ gửi thư cho Tổng thống Trump, bày tỏ lo ngại về việc hải quân nước này không tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải nào trên Biển Đông từ tháng 10 năm ngoái. Giới quan sát nghi ngờ chính quyền của Tổng thống Mỹ muốn ngừng các chuyến tuần tra ở Biển Đông, coi đây là một sự "đánh đổi" để Trung Quốc ủng hộ các ưu tiên khác của Washington, gần đây là vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bill Hayton, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, hôm qua cho rằng lợi ích căn bản của Mỹ vẫn sẽ là duy trì việc tiếp cận và tự do hàng hải. Chính phủ Mỹ không chỉ có Donald Trump mà còn cả những nhóm vận động hành lang trong hệ thống, ông Hayton phát biểu tại hội thảo "Trung Quốc và Biển Đông: Lịch sử, pháp lý và cạnh tranh quyền lực ở Châu Á - Thái Bình Dương", tại Học viện Ngoại giao, Hà Nội hôm qua.
"Mỹ có Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương tại Hawaii với hàng nghìn người, 200.000 thủy thủ ở châu Á - Thái Bình Dương cộng với các binh sĩ đóng tại Hàn Quốc.... Nước này còn có những nghị sĩ như John McCain, quan tâm đến Trung Quốc và Biển Đông. Tất cả những người này sẽ hối thúc tiếp tục chính sách hiện tại, không thay đổi triệt để", Hayton nhận định.
Sắc thái trong phát biểu của ông Trump về Trung Quốc cũng thay đổi lớn trong năm qua, từ việc cáo buộc Trung Quốc "cưỡng dâm" Mỹ trong chiến dịch tranh cử tới tuyên bố "chúng tôi rất quý mến nhau" trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước. Theo Hayton, đây là sự "thay đổi lớn về hướng tiếp cận" của Trump với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ ở Biển Đông vẫn xoay quanh ba điểm: ưu tiên tổng thể việc tiếp cận vùng biển, để các tàu thương mại được tự do qua lại, sự an toàn của các đồng minh Mỹ và trật tự dựa trên các quy định. "Đó chắc chắn là điểm nhấn mạnh của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, chúng ta hãy xem liệu ông Trump có nhấn mạnh những điều đó nhiều như vậy hay không", Hayton nhận định.
"Quan điểm của chính quyền Trump dường như thay đổi qua từng tuần. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì lợi ích chiến lược sẽ là nhân tố quyết định. Và những lợi ích chiến lược này cũng tương tự dưới thời chính quyền Obama", học giả Anh nói.
Trọng GiápNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn