Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm Mỹ từ 29/5. Ảnh: Giang Huy |
Dự báo về nội dung thảo luận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tới tại Washington, ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, cho rằng vấn đề Việt Nam sắp tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) không phải là yếu tố chủ chốt.
Theo ông Hiebert, nội dung về APEC chỉ là một phần trao đổi trước khi Tổng thống Trump dự kiến tới Việt Nam dự vào tháng 11 sắp tới. Điều quan trọng hơn là các vấn đề chiến lược giữa hai nước.
"Chính quyền của Tổng thống Trump không thể bỏ qua vấn đề Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc và đang có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông", ông Hiebert nêu rõ nội dung chính mà lãnh đạo hai nước sẽ bàn thảo.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng muốn tìm hiểu đánh giá của ông Donald Trump về diễn biến Biển Đông và những hành động của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm đòi yêu sách ở khu vực này.
Chuyên gia CSIS lưu ý chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam diễn ra sớm, kể từ khi ông Trump nhậm chức, thể hiện định hướng chiến lược hướng ra bên ngoài mạnh mẽ của Hà Nội, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia lân cận ở Đông Nam Á phải tập trung giải quyết các vấn đề trong nước.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Việt Nam đều muốn tìm hiểu mối quan hệ hợp tác song phương sẽ như thế nào khi Mỹ có chính quyền mới. Hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể muốn xác định các kế hoạch can dự của Mỹ ở Đông Nam Á", ông Hiebert nói.
Là người theo dõi quan hệ Việt - Mỹ lâu năm, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, cũng nêu bật nội dung trao đổi về Biển Đông giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Việt Nam trong tuần tới.
"Cả hai nước đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông, an ninh biển. Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trao đổi quan điểm và bàn một số biện pháp để Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ an ninh biển", ông Vuving nói.
Chuyên gia Vuving đánh giá trong số các nước ASEAN, Việt Nam là nước có nhiều nỗ lực tiếp xúc với chính quyền Trump. Ngược lại, chính quyền của ông Trump cũng coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Giáo sư Vuving dự đoán Thủ tướng Việt Nam cũng muốn biết Mỹ có kế hoạch gì để thay thế TPP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Mỹ từ 29/5, chuyến đi kéo dài đến 31/5. Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua cho biết lãnh đạo Việt - Mỹ sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.
Việt Nam và Mỹ gần đây đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển. Hôm 22/5, Mỹ bàn giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hỗ trợ hoạt động tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật trên biển.
Ngày 25/5, Tuần duyên Mỹ bàn giao một tàu tuần tra tải trọng cao cho Cảnh sát biển Việt Nam. Con tàu này sẽ được đổi tên thành CSB 8020, góp phần giúp Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải, tăng cường năng lực trong thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó nhân đạo.
Khánh LynhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn