Salman Abedi, nghi phạm đánh bom tự sát nhà hát ở Manchester, Anh. Ảnh: 9News |
Cảnh sát Anh hôm qua xác định nghi phạm gây ra vụ đánh bom tự sát ở thành phố Manchester khiến ít nhất 22 người chết là Salman Abedi, một người gốc Libya. Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ tấn công này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những kẻ khủng bố dạng "sói đơn độc", đặc biệt là khi những con sói này liên kết lại với nhau, theo Foreign Policy.
Trên chiến trường Iraq và Syria, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị liên quân quốc tế đẩy đến bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, một mặt trận then chốt của tổ chức khủng bố này dường như chưa hề bị ảnh hưởng, đó là khả năng kích động những kẻ trung thành thực hiện các hoạt động khủng bố thông qua kênh liên lạc trên mạng.
Từ kẻ xả súng giết 49 người trong một hộp đêm ở Orlando, Florida Mỹ, tới gã lao xe tải vào chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức, chúng đều lấy cảm hứng từ những video tuyển mộ, tuyên truyền của IS và các nhóm khủng bố được phát tán trên mạng xã hội. Chúng nghe theo lời kích động của các thủ lĩnh phiến quân, âm thầm lên kế hoạch, lựa chọn mục tiêu và thời điểm để thực hiện các cuộc tấn công "sói đơn độc" mà không hề nhận chỉ đạo hay hướng dẫn trực tiếp nào từ nhóm khủng bố.
Theo Bobby Chacon, cựu đặc vụ FBI, điều đáng lo ngại là những kẻ từng được gọi là "sói đơn độc" này giờ đây không còn đơn độc nữa. "Tôi cho rằng không còn khái niệm sói đơn độc nữa, bởi với quá trình cực đoan hóa đang diễn ra trên mạng, chúng đã thực sự trở thành một phần trong mạng lưới của IS".
Bình luận viên Jen Easterly cho rằng khi nhấn ga một chiếc xe tải hay chế tạo một quả bom nồi áp suất, những kẻ bị cực đoan hóa đó đã trở thành một phần của cộng đồng rộng lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Từ tháng 8/2014, IS liên tục tung lên mạng những đoạn video ghê rợn quay cảnh chặt đầu con tin, khiến dư luận phương Tây vô cùng phẫn nộ. Tuy nhiên, những đoạn video đó lại là một phần trong kế hoạch tuyển mộ của IS, bởi chúng khiến cho những kẻ mang trong mình tư tưởng cực đoan tại Mỹ và châu Âu có cảm giác rằng chúng là một cộng đồng.
Một phần của cộng đồng đó là những thị trấn ở Syria, nơi các tay súng nước ngoài tìm thấy ngôi nhà mới "tốt đẹp hơn", được cấp vợ, được hưởng các tiện nghi mà họ chưa từng có ở quê nhà. Phần còn lại của cộng đồng đó là những quốc gia phương Tây, với lời hứa hẹn của IS rằng nếu bạn trung thành với chúng, hành động nhân danh chúng, bạn sẽ lập tức có được anh em, bằng hữu và trở thành một phần của lịch sử.
Charlie Winter, chuyên gia nghiên cứu về IS, cho rằng có 6 yếu tố được nhóm khủng bố này đưa ra để tuyên truyền, lôi kéo thanh niên nước ngoài: sự tàn bạo, tình thương, cảm giác là nạn nhân, chiến tranh, được thuộc về một cái gì đó và thiên đường. Trong đó, yếu tố "được thuộc về cái gì đó" được Winter nhấn mạnh, coi đây là "một trong những thứ mạnh nhất để lôi kéo tân binh, đặc biệt là thanh niên phương Tây". Những video tuyên truyền của IS thường có hình ảnh các tay súng nghỉ ngơi bên chén trà, cùng hát hò với nhau, như một cách để nhấn mạnh vào tình anh em của đế chế Hồi giáo.
Cảnh sát Anh phong tỏa hiện trường vụ đánh bom nhà hát ở Manchester. Ảnh: Mirror |
Bằng thủ đoạn này, IS tạo ra cơ hội cho những kẻ cảm thấy cô đơn - những kẻ cho rằng mình không gặp thời hoặc bất mãn với chính trị, với xã hội – được hành động mà không cảm thấy đơn độc.
Theo chuyên gia Shane Kavanaugh và Gilad Shiloach, bằng việc chia sẻ cách thức chế tạo bom và kết nối những kẻ ủng hộ trên mạng xã hội, IS đã xây dựng một cộng đồng ảo với hàng trăm, hàng nghìn thành viên. Bởi vậy, ngay cả khi không nhận được bất cứ chỉ đạo nào từ IS, những kẻ thực hiện các vụ tấn công một mình không bao giờ đơn độc.
Mô hình Israel
Cây bút Maajid Nawaz của Daily Beast cho rằng mạng lưới những "con sói" được IS khơi gợi cảm hứng trong lòng xã hội phương Tây này là một mối đe dọa rất lớn mà giới chức Mỹ và châu Âu dường như chưa có những biện pháp đối phó hiệu quả.
Trong khi tình báo Mỹ, Pháp, Anh, Đức… đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để theo dõi những công dân đến Trung Đông chiến đấu cho IS, những "con sói" vẫn âm thầm kết nối với nhau trên mạng bằng các thông điệp được mã hóa. Chúng không hề có một kế hoạch cụ thể nào, ngoài kế hoạch tấn công bất cứ mục tiêu nào khả dĩ bằng bất cứ thứ vũ khí gì chúng có.
Theo James Rubin, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề công chúng dưới thời Bill Clinton, để chống lại mối đe dọa ngày càng lớn này, các quốc gia phương Tây nên áp dụng các biện pháp an ninh rất thành công của Israel.
"Một cá nhân quyết tâm hành động luôn có thể gây ra hậu quả", Rubin nói. "Có lẽ chúng ta nên làm tốt hơn trên mặt trận phòng thủ với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Những nước như Israel đã thực hiện các biện pháp đó rất hiệu quả".
Cảnh sát Israel tuần tra trên đường phố
Sân bay Ben-Gurion ở ngoại ô Tel Aviv của Israel là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Tại các thành phố của Israel, lực lượng an ninh mặc sắc phục và thường phục thường xuyên tuần tra, trong khi người dân được giáo dục về ý thức cảnh giác cao từ trên ghế nhà trường sẽ nhanh chóng báo cho nhà chức trách bất cứ hoạt động đáng ngờ nào.
Theo Rubin, Mỹ và châu Âu đã làm rất tốt về mặt quân sự, dồn ép IS vào bước đường cùng trên chiến trường. Nhưng trên trận tuyến "phi quân sự", các quốc gia này vẫn còn ngần ngại trong việc áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn ngừa những "con sói không còn đơn độc".
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn