Suh, 30 tuổi, trốn khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc và nay mang theo đứa con gái mới 18 tháng tuổi rời Trung Quốc tìm đường sang Thái Lan. Ảnh: Washington Post |
"Ban đầu, tôi nghĩ chuyện chẳng là gì. Tôi cho rằng mọi thứ sẽ ổn bởi tôi không phải ngủ với bất kỳ ai", Suh, một phụ nữ trốn chạy khỏi Triều Tiên từng phải hành nghề khiêu dâm trên mạng ở Trung Quốc, kể. "Nhưng về sau tôi mới nhận ra ngoài kia còn rất nhiều kẻ vô cùng biến thái".
Theo Suh, những người đàn ông có lúc chỉ muốn nói chuyện. Nhưng đa phần, họ đều muốn lựa chọn khác: "Xem toàn bộ cơ thể".
Qua màn hình điện thoại, những người đàn ông sẽ yêu cầu các phụ nữ như Suh phơi bày ngực hay toàn bộ phần lưng, tự sờ soạng thân thể, thậm chí quan hệ tình dục với người khác. Hầu hết những người phụ nữ này đều chấp thuận yêu cầu. Họ cần tiền, dù ít ỏi, chỉ vài USD một ngày.
Suh, 30 tuổi, bỏ trốn từ Triều Tiên sang Trung Quốc năm 2008. Cô buộc phải làm công việc "video chat" qua mạng sau khi sinh đứa con thứ hai và thu nhập bất ổn của người chồng Trung Quốc không thể trang trải cuộc sống gia đình.
"Một số người chỉ muốn ngắm nhìn khuôn mặt bạn. Nhưng phần lớn đàn ông tìm tới tôi đều vì ham muốn tình dục", Suh nói, cúi đầu, mái tóc dài che đi khuôn mặt hiền hậu. "Tôi thấy thật kinh tởm".
Cùng với hai phụ nữ khác cũng làm "nghề video chat", Suh mùa hè vừa qua một lần nữa chạy trốn, nhưng lần này từ một ngôi làng nhỏ ở đông bắc Trung Quốc. Cô phải đưa ra quyết định đau đớn là bỏ đứa con gái 5 tuổi lại.
Ba người phụ nữ rong ruổi tới vùng biên giới tiếp giáp Lào. Họ xâm nhập bất hợp pháp vào đất Lào trong đêm. Suh cõng cô con gái mới 18 tháng tuổi Ji-yeon trên lưng.
Cả ba đến thủ đô Vientiane, Lào. Tại đây, phóng viên của Washington Post đã dành hai ngày để tìm hiểu họ. Ba người phụ nữ kể hàng giờ liền về cuộc sống ở Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng không giống những người trốn chạy khỏi Triều Tiên khác, thường phóng đại câu chuyện của mình để khiến chúng thêm kịch tính, họ dè dặt và có xu hướng nói giảm những gì phải trải qua, dường như vì xấu hổ.
Các câu chuyện họ kể đều có thể được chứng thực thông qua người môi giới hay mục sư đã giúp họ trốn chạy. Rõ ràng, những phụ nữ này phải tìm tới công việc khiêu dâm trên mạng vì không còn lựa chọn nào khác, cây bút Anna Fifield từ Washington Post nhận định.
Công việc của họ bao gồm ngồi trước màn hình máy tính, mặc nội y khiêu gợi, đôi khi không mặc gì, ghi hình, phát qua mạng để phục vụ đàn ông. Khách hàng, nhiều lúc lộ mặt, khi lại ẩn danh, đưa ra hàng loạt yêu cầu bắt họ thực hiện.
Giờ đây, khi đã rời khỏi Trung Quốc, hai người phụ nữ đi cùng Suh, đều tên Kim, muốn đến Hàn Quốc. Khác với họ, Suh ấp ủ một điểm đến tham vọng hơn nhiều: nước Mỹ, theo như lời cô là "quốc gia hùng mạnh nhất Trái Đất".
"Tôi nghĩ con gái tôi là một đứa trẻ may mắn", Suh nói, mắt chăm chú nhìn vào Ji-yeon khi cô bé đang say giấc. Hành lý của họ không nhiều, được đựng trong túi nylon. Đứa trẻ không có lấy một món đồ chơi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, Suh vẫn lạc quan: "Mọi khổ nhọc đều xứng đáng. Số phận chúng tôi đã thay đổi".
Rủi ro
Theo Washington Post, những phụ nữ như Suh và hai cô Kim phải đối mặt với cuộc sống vô cùng bấp bênh khi đặt chân sang Trung Quốc. Rất nhiều người bị bán. Số khác bị lừa rằng họ sẽ có một công việc tốt ở Trung Quốc để cuối cùng nhận ra người đã giúp họ bỏ trốn, hối lộ lính gác biên phòng và thu xếp việc đi lại cho họ, thực chất là kẻ buôn người. Người mua thường là đàn ông ở nông thôn Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lấy vợ.
Các nhân viên hỗ trợ nhân đạo và những người môi giới cho biết phụ nữ từ 15 - 25 tuổi thường có giá nhất, khoảng 10.000 đến 12.000 USD. Phụ nữ ngoài 30 giá chỉ còn một nửa.
Giá cao đồng nghĩa với việc một số gia đình Trung Quốc phải dành dụm cả đời mới đủ tiền mua một người phụ nữ Triều Tiên. Vì thế, họ thường bị nhốt trong nhà, cô lập với thế giới bên ngoài. Ngay cả khi họ được phép ra ngoài và biết chút ít tiếng Trung, việc tiếp xúc với xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ. Nếu rơi vào tay cảnh sát, họ có thể bị trục xuất về nước và tối thiểu là phải lao động trong trại khổ sai.
"Những phụ nữ Triều Tiên ở Trung Quốc này phải đối mặt với một tình thế cùng quẫn. Họ phải lựa chọn tiếp tục trốn tránh và chịu cảnh bị bóc lột tình dục hay liều mạng ra ngoài và đối diện với khả năng rất cao là chính quyền Trung Quốc sẽ bắt giữ và trả họ về Triều Tiên", Phil Robertson từ tổ chức Giám sát Nhân quyền cho hay.
Theo báo cáo về nạn buôn người năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ nữ và bé gái Triều Tiên là đối tượng dễ trở thành nô lệ tình dục cho những người đàn ông Trung Quốc hay người Trung Quốc gốc Hàn. Họ cũng có thể bị ép trở thành gái mại dâm, làm việc cho các nhà chứa hay thông qua các trang web sex hoặc phải phục vụ tại các câu lạc bộ đêm, quán bar.
Ngõ cụt hay lối thoát
Suh cõng con gái trên lưng. Ảnh: Washington Post |
Khoảng 1/5 phụ nữ Triều Tiên sống lẩn trốn tại Trung Quốc tham gia vào loại hình phục vụ tình dục qua mạng giống Suh, theo Park, một người môi giới.
"Nếu làm việc trong nhà hàng hay ra bên ngoài, bạn có khả năng bị cảnh sát hỏi giấy tờ. Vì thế, làm công việc này an toàn hơn và số tiền kiếm được cũng khá hơn", Park nói. "Tại ngôi làng nơi họ sống, phụ nữ Triều Tiên nào cũng làm vậy. Nó đã trở thành một điều bình thường". Tuy nhiên, cũng có một số người bị ép phải làm việc.
Suh bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc 8 năm trước. Theo Suh, người này đối xử tốt với cô, chỉ đánh cô "vài lần". Nhưng khi sinh đứa con thứ hai, điều kiện kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Suh nghe nói về công việc "video chat" từ bạn và bắt đầu nói chuyện qua mạng với những người đàn ông Hàn Quốc vào ban đêm, khi cả nhà đều đã ngủ. Ngày đầu tiên, cô kiếm được 3 USD.
Vài tháng trước, Suh cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. "Tôi tự hỏi sao mình phải làm điều này. Tôi cũng là con người, như bao người khác", Suh vừa khóc vừa nói. "Tôi muốn làm một người mẹ tốt, một người mẹ mạnh mẽ vì các con gái tôi".
Cô quyết định tìm cách bỏ trốn cùng hai phụ nữ khác. Họ nhờ đến Park và Kim Sung-eun, một mục sư từ Giáo hội Caleb chuyên giúp đỡ những người trốn chạy khỏi Triều Tiên. Lần thứ hai trong cuộc đời, họ lên đường tìm đến vùng đất mới.
"Tôi lo lắng lắm nhưng vẫn đi. Tôi cứ thế mà đi", Suh kể.
Lào là địa điểm trú chân an toàn hơn Trung Quốc nhưng họ vẫn có nguy cơ bị trục xuất. Nếu tới được Thái Lan, họ sẽ không còn phải lo sợ bị gửi về Triều Tiên nữa.
Vào ngày vượt biên sang Thái Lan, cả ba người phụ nữ tràn ngập niềm hy vọng xen lẫn hồi hộp. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như họ mong muốn. Họ bị cảnh sát địa phương bắt giữ và tống vào tù. Suh cùng hai người bạn vô cùng sợ hãi. Họ gửi hàng loạt tin nhắn cho Park để hỏi liệu họ có phải trở về Triều Tiên hay không.
Hiện tại, họ bị giam giữ ở Bangkok. Suh đã xin tị nạn tại Mỹ dù cô không biết tiếng Anh và cũng hiểu rằng mình sẽ không được hỗ trợ nhiều như ở Hàn Quốc.
Theo mục sư Kim, quan chức từ Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok đã tới gặp Suh và con gái. Ông đoán phải mất 4 tháng cơ quan chức năng mới có thể xử lý xong yêu cầu tị nạn của Suh.
Trong quãng thời gian dừng chân ở Vientiane và gặp phóng viên Washington Post, niềm vui vì đã rời khỏi Trung Quốc hiện rõ trên khuôn mặt ba người phụ nữ nhưng vẫn còn đó nỗi lo về những thách thức phía trước.
"Tôi không có hộ chiếu, không giấy tờ, không gì cả", Suh nói. "Tại sao cuộc sống của chúng tôi lại khác biệt vậy. Chỉ vì nơi chúng tôi sinh ra ư?".
Xem thêm: Nghi vấn Triều Tiên bắt cóc sinh viên Mỹ để dạy tiếng Anh cho Kim Jong-un
Vũ HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn