Tiêm kích hạm Su-33 (trái) và MiG-29K trên tàu sân bay Kuznetsov. Ảnh: Vkontakte. |
Tàu sân bay duy nhất của hải quân Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov và 7 tàu chiến khác đã rời căn cứ Severomorsk hôm 15/10 để lên đường tới Syria, theo TASS. Đây là lần thứ 8 nhóm tàu sân bay này tới Địa Trung Hải, hành trình có vai trò quan trọng trong chiến lược củng cố sức mạnh hải quân và tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Tuy nhiên, chuyến đi lần này lại rất khác biệt.
Theo bình luận viên Peter Apps của Reuters, Nga đã bỏ ra nhiều công sức trong hơn 10 năm qua để phát triển khả năng tác chiến từ tàu sân bay. Khác với Mỹ và đồng minh, tàu sân bay Nga chưa bao giờ tham gia chiến đấu thực tế. Nhưng trong vòng hai tuần tới, các máy bay Su-33 và MiG-29K xuất kích từ tàu Kuznetsov nhiều khả năng sẽ dội bão lửa xuống Aleppo và các vùng khác của Syria.
Apps cho rằng Nga không thực sự cần tới máy bay trên tàu Đô đốc Kuznetsov để thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria. Nếu muốn tăng lực lượng chiến đấu tại đây, họ chỉ cần gửi thêm máy bay tới các căn cứ trên mặt đất, với chi phí rẻ hơn, ít phức tạp hơn so với việc triển khai tàu sân bay. Tàu sân bay Kuznetsov thường gặp sự cố, khiến nó thường xuyên phải đồng hành với một chiếc tàu kéo.
Bởi vậy, với việc triển khai tàu sân bay tới Syria, Nga không chỉ muốn chứng tỏ khả năng huy động một lực lượng quân sự lớn đến tham chiến ở nơi xa xôi trong thời gian dài của mình, mà còn gây thêm khó khăn cho các tính toán chính trị của Mỹ đối với tương lai Syria, Apps nhận định.
Tiêm kích Su-33 huấn luyện trên tàu sân bay
Nhiều chỉ huy hải quân Nga hy vọng chuyến đi này cũng làm tăng tiếng nói của họ so với các quân chủng khác. Hầu hết những chiến dịch quân sự của Nga trong thời gian gần đây đều do không quân và lục quân thực hiện.
Nhiệm vụ chính của cụm tàu sân bay chiến đấu Kuznetsov tại Syria sẽ là tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất, nhưng những con tàu này cũng thừa sức tự bảo vệ mình trước các đe dọa trên biển. Chiếc Kuznetsov có thể mang 12-18 trực thăng săn ngầm, khiến tàu ngầm NATO khó có thể áp sát. Bên cạnh đó, cụm tàu này còn có những siêu chiến hạm như Peter đại đế cùng hai tàu săn ngầm cỡ lớn.
Một phần cụm tác chiến tàu sân bay của Nga. Ảnh: Airbase.ru. |
Thủy thủ Nga dù mới làm quen với các hoạt động chiến đấu trên tàu sân bay, nhưng họ cũng là lực lượng duy nhất thực chiến với tên lửa chống hạm kể từ sau cuộc chiến Falklands năm 1982 tới nay. Trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008, tàu chiến Nga và Gruzia đã đụng độ ác liệt trên biển.
Các yếu tố đó biến cụm tàu sân bay chiến đấu Nga ngoài khơi Syria thành một vũ khí mà Mỹ và đồng minh phương Tây không thể coi thường.
Trước đây, khi tính tới việc sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn chiến dịch không kích của Nga ở Syria, các chiến lược gia quân sự Mỹ chỉ cần xem xét khả năngc bắn rơi máy bay Nga hoặc tấn công các căn cứ không quân. Giờ đây, với sự xuất hiện của cụm tàu sân bay Kuznetsov, người Mỹ sẽ phải mở thêm một mặt trận đẫm máu trên biển nếu muốn chấm dứt hoạt động quân sự của Nga tại Syria.
"Sự xuất hiện của cụm tàu sân bay chiến đấu Nga trên Địa Trung Hải không chỉ làm tăng sự ảnh hưởng của họ tại Trung Đông, nó còn gây phức tạp thêm tình hình địa chính trị trên thế giới. Đó chính là điều mà Tổng thống Putin trông đợi", Apps nhấn mạnh.
Xem thêm: Mỹ có thể phải từ bỏ siêu tàu sân bay lớp Ford để đối phó Nga - Trung
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn