Business Insider dẫn bình luận của các chuyên gia cho rằng, lần thỏa thuận ngừng bắn trong 8 tiếng ngày 20/10 đợt này sẽ khiến Nga có cơ hội lấy lý do nhân đạo trước khi san phẳng Aleppo.
Theo đó, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra tuyên bố thực hiện ngừng bắn ở thành phố chiến lược Aleppo trong 8 tiếng tại một cuộc họp được ghi hình cùng với các quan chức quân đội, ông hy vọng phiến quân Syria ở Aleppo sẽ sử dụng thời gian ngừng bắn này để rời khỏi thành phố thông qua hai hành lang đặc biệt.
Phiến quân có thể mang theo vũ khí và ông cũng hứa quân đội Syria sẽ cho phép họ rời đi mà không ảnh hưởng tới sự an toàn.
Nguồn tin ở Syria cho biết Nga đã dừng mọi cuộc không kích từ sáng thứ Ba. Theo phía Nga, phiến quân trong thành phố Aleppo đang sử dụng người dân như lá chắn và ngăn họ rời khỏi thành phố.
Tờ báo Mỹ dẫn lời Jeff White, một chuyên gia quân sự của Trung tâm Washington về chính sách Cận Đông và là cựu sĩ quan thuộc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho hay: “Việc có càng nhiều người dân và binh lính rời khỏi Aleppo là vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của Nga và chính quyền ông Assad”.
Truyền thông phương Tây thì liên tiếp dẫn chứng các phiến quân ở Đông Aleppo không hề được chuẩn bị cho việc tình nguyện rời khỏi thành phố.
“Các cánh quân đều hoàn toàn phản đối việc rời đi. Đó chính là đầu hàng”, Zakaria Malahifji, thủ lĩnh chính trị của nhóm phiến quân Fastaqim đóng tại Aleppo trả lời Reuters.
Song thực tế, điều này lại đặt ra một cơ hội lớn cho Nga.
Giới quan sát phương Tây nghi ngờ Nga có thể đang chờ đợi các nhóm phiến quân bác bỏ thoả thuận này. Quả thực, với việc đưa ra đề xuất trước tiên, Nga tự đặt mình vào vị thế mà sau này có thể nói rằng Nga đã cố để di dời thành phố trước khi san bằng nó, nhưng phiến quân đã không hợp tác.
Rõ ràng, chiến dịch quân sự của Nga ở Aleppo trong tháng qua đã loại bỏ phe đối lập cho chính quyền ông Bashar Assad - đồng minh của Nga.
Ông Boris Zilberman, một chuyên gia Nga phân tích với Business Insider rằng kế hoạch này cũng cho phép Nga cải tổ lại lực lượng và đặt ra những mục tiêu mới để tấn công ngay khi 8 giờ ngừng bắn kết thúc hoặc bất cứ khi nào muốn phá vỡ lệnh ngừng bắn này.
Cái bẫy san phẳng Aleppo: Bài học từ lịch sử
Rõ ràng Nga tỏ ra thiện chí nhưng cũng đầy tính toán sau hàng loạt những chiêu bài của truyền thông phương Tây.
Business Insider dẫn nhận định từ vài chuyên gia cho rằng không phải Nga đang muốn một giải pháp hoà bình với phía phiến quân mà đang đặt ra một tối hậu thư nhằm ép phiến quân hoặc giao nộp Aleppo, hoặc là bị tiêu diệt sạch bằng những trận không kích ngay sau khi lệnh ngừng bắn chấm dứt.
Mark Kramer, Giám đốc Dự án Nghiên cứu Chiến tranh lạnh tại Trung tâm Davis nghiên cứu Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, cho rằng đề xuất này giống như “một bước đi gây hoài nghi” nhằm khiến các Ngoại trưởng của EU không đồng ý với những lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, trong khi Moscow đã có những trận oanh tạc hết sức dữ dội tại Aleppo.
"Một khả năng đáng lo ngại hơn là quân đội Nga đang phá hủy hoàn toàn Aleppo. Phương pháp tương tự như vậy cũng từng được sử dụng vào tháng 12/1999 và tháng 1/2000, khi quân Nga gửi một tối hậu thư tới quân ly khai ở Grozy (Chechnya) yêu cầu họ rời khỏi thành phố và sau đó đã san phẳng thành phố này”, Kramer nói...
Dẫu vậy, sự tính toán của Nga ở Syria không phải chỉ có lần này. Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về quyết định rút quân khỏi Syria và chỉ để lại những lực lượng đặc biệt.
Nhưng sau đó, Nga đã đưa quân quay trở lại bởi chính Mỹ đã phá hoại thỏa thuận đình chiến tại Syria do Nga, Mỹ “kịch bản”, gây dựng khiến Nga không thể ngồi nhìn.
Video: Quân Jabhat Fateh al-Sham bắn tỉa dân thường ở Aleppo
Thỏa thuận đình chiến tại Syria được ký kết ngày 27/2, theo đó, các bên được coi là "đối lập" với chính phủ Assad sẽ tiến hành đàm phán tìm ra giải pháp hòa bình tại Genava dưới sự chủ trì của LHQ.
Một phần cơ bản của thỏa thuận này là Mỹ thuyết phục các nhóm cái gọi là “ôn hòa” thành một lực lượng chung “Quân đội Syria tự do” tách ra khỏi nhóm IS, Al-Qaeda – Jabhat Al-Nusra. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy Mỹ thực hiện bất kỳ nỗ lực nghiêm túc nào để thuyết phục lực lượng "ôn hòa" tách ra khỏi IS hoặc Jabhat Al-Nusra.
Điều nguy hiểm là các lực lượng này không những không bị tách ra mà chúng còn hợp tác chặt chẽ với nhau để tấn công quân chính phủ Assad, hợp tác với nhau để tránh bị VKS Nga không kích, tái tạo lực lượng, truy cập vào nguồn tài trợ từ các nước vùng Vịnh và Mỹ.
Trong khi đó, khi Nga thu hẹp các cuộc không kích, lực lượng người Kurd Syria tấn công Raqqa, “thủ đô IS” từ phía Đông. Lực lượng Kurd-Arab, Lions of Rojava (lực lượng khoác áo chống IS của Anh) từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tấn công từ phía Bắc. Cả hai lực lượng này được chỉ huy bởi người Mỹ để “vẽ lại biên giới Syria” theo "kế hoạch B".
Đồng thời, xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua biên giới Syria hỗ trợ cho IS tại những khu vực bị bao vây không chỉ vũ khí mà cả lực lượng. Vũ khí đạn dược, lương thực từ xe tải của Thổ Nhĩ Kỳ đã, đang tiếp tục vận chuyển đến nhóm Jabhat al-Nusra…
Việc Nga rời đi và quay trở lại chiến trường Syria sau đó đã phần nào giúp thế giới nhận thấy sự chuyển biến một cách mạnh mẽ trên chiến trường Syria...
Theo Huy Vũ
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn