Cuộc cách mạng trong tác chiến hải quân
Giới chuyên gia nhận định tên lửa Zircon khi xuất hiện có thể tạo ra cuộc cách mạng trong tác chiến hải quân. Đặc biệt là tác chiến bất đối xứng giữa các lực lượng hải quân đơn giản nhưng trang bị hỏa lực mạnh, đối đầu với những hạm đội quy mô lớn như Mỹ đang sử dụng hiện nay trong các cuộc xung đột.
Những thông tin về quá trình thử nghiệm tên lửa diệt hạm Zircon của Nga hiện làm giới chức quân sự Mỹ lo ngại. Thông tin đầu tiên của dòng vũ khí Nga được công bố từ năm 2011. Những thông tin về Zircon rất hạn chế, nhưng qua các nguồn tin công khai, nó có thể đạt tốc độ siêu thanh tới Mach 5-6 (gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh), khả năng hoạt động tốt ở nhiều độ cao khác nhau trong khí quyển Trái đất và tầm bắn có thể lên tới 800-1.000km.
Zircon được phát triển chuẩn hóa để sử dụng tổ hợp thiết bị giếng phóng thẳng đứng đa dụng 3C-14, loại có thể sử dụng chung với đạn tên lửa Onyx và Kalibr. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ trang bị Zircon đầu tiên trên các tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng, thuộc Đồ án 11.442 và 11442M Orlan và tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ 5 Husky. Cùng với đó, công nghệ của tên lửa Zircon sẽ được áp dụng trên thế hệ tên lửa BrahMos-II hợp tác với Ấn Độ dành cho mục đích xuất khẩu.
Căn cứ vào dữ liệu đã được công bố, giới chuyên gia quân sự nhận định, dù có tính năng vượt trội, nhưng Zircon vẫn có kích thước tương đương với “người tiền nhiệm” P-800 Onyx và Kalibr. Nó có thể mang theo đầu đạn nặng cỡ 250-300kg để vô hiệu hóa các tàu chiến có lượng choán nước tới 10.000 tấn.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Zircon là quỹ đạo bay của nó. Với khả năng bay siêu thanh trên độ cao tới 30km giúp tối ưu quỹ đạo để đạt tầm xa tới 1.000km. Ở độ cao hoạt động này, việc phát hiện và ngăn chặn vật thể bay có quỹ đạo thay đổi là không dễ dàng. Cùng với đó, công nghệ vật liệu mới giúp giảm tiết diện phản xạ radar của Zircon chỉ khoảng 0.001m2. Các hệ thống radar hiện đại nhất chỉ có thể phát hiện ra nó ở khoảng cách 80-120km.
Quá trình thử nghiệm Zircon trên bộ đã cơ bản hoàn thành và dự kiến nó sẽ sớm được trang bị cho Hải quân Nga trong cuối thập kỷ này.
Dễ dàng xuyên thủng "lá chắn tên lửa" Standard Missile
Với những thông tin trên, Zircon có thừa đủ khả năng vượt quá các chiến hạm trang hiện đại thuộc lớp tuần dương Ticonderoga và khu trục hạm Arleigh Burke được trang bị hệ thống điều phối hỏa lực Aegic và tên lửa đánh chặn Standard Missile-6 (SM-6). Đây vốn là biểu tượng cho khả năng phòng thủ của Hải quân Mỹ.
Với tốc độ bay tới Mach 3.5, trần cao đánh chặn 33km, chịu quá tải trọng trường 50g và hệ thống đầu dò tân tiến, SM-6 được đánh giá có thể tiêu diệt các mục tiêu bay với vận tốc 800m/giây và tỷ lệ đánh chặn thành công đạt tới 95%. Tuy nhiên, hiệu quả này chỉ đạt với các mục tiêu bay hay tên lửa thế hệ cũ.
So sánh với Zircon, với tốc độ tiếp cận tới 1.500m/giây, SM-6 sẽ không có cơ hội đánh chặn dù các hệ thống cảnh giới khác có phát hiện ra mục tiêu. Điều này còn chưa tính tới tiết diệt phản xạ radar cực nhỏ của Zircon còn biến việc đánh chặn trở thành không thể.
Chuyên gia Mỹ tính toán, xác suất đánh chặn được tên lửa Zircon của SM-6 chỉ vào khoảng 20-30%.
Sát thủ đối với các nhóm tàu sân bay
Khi tác chiến với các nhóm chiến hạm lớn được trang bị đầy đủ công nghệ đánh chặn và gây nhiễu nhiều tầng như nhóm tàu sân bay, các đơn vị tên lửa Zircon riêng rẽ sẽ khó có thể đạt hiệu quả tác chiến cao nhất. Tuy nhiên, hiệu quả chiến đấu sẽ tăng vọt khi tấn công cùng lúc với nhiều đạn tên lửa.
Sức mạnh của nhóm tàu sân bay không chỉ nằm ở khả năng phòng thủ mà là khả năng bao quát phạm vi rộng với các đơn vị máy bay trên khoang, nhưng yếu tố này chỉ đạt hiệu quả cao khi đối đầu với chiến hạm của đối phương mang tên lửa diệt hạm tầm bắn từ 300-500km.
Khi đối đầu với chiến hạm trang bị tên lửa Zircon, vấn đề đảm bảo vùng kiểm soát rộng tới 2.000km của nhóm tàu sân bay sẽ trở nên cực kỳ phức tạp. Trong khi đó, chiến hạm trang bị tên lửa Zircon chỉ cần tiếp cận tới tầm phóng tên lửa (trên dưới 1.000km) bắn và thoát ly.
Chuyên gia Hải quân Mỹ tính toán, với các loạt bắn tới 15 đạn tên lửa Zircon, xác suất nhóm tàu sân bay bị vô hiệu hóa lên tới 70-85% với thiệt hại tối thiểu 2-3 tàu hộ tống. Mỗi tàu tuần dương lớp Orlan nâng cấp có thể mang tới 80 đạn Zircon đủ khả năng đối đầu với 3 nhóm tàu sân bay của Mỹ.
Tuy nhiên, yếu tố nói trên chỉ là kịch bản của một cuộc chiến tranh toàn diện. Nếu tên lửa Zircon được trang bị trên các tàu chiến nhỏ, cơ động nhanh, hoạt động theo nguyên tắc “bắn-chạy” thì đúng là “cơn ác mộng” không chỉ đối với Hải quân Mỹ, mà tất cả lực lượng hải quân trên thế giới.
Theo nhiều nguồn tin, Lầu Năm góc hiện cũng đang chú trọng phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh, nhưng chưa thể sở hữu được sản phẩm tương đương Zircon. Trong lĩnh vực này, Nga có thể đi trước Mỹ khoảng 10 năm.
Với sự xuất hiện của Zircon, Hải quân Mỹ đã buộc phải tính toán lại phương thức tác chiến trên biển, cũng như xây dựng nền tảng đối phó mới. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm có thể thành công ngay. Để đáp ứng được sẽ mất từ 10-15 năm.
Theo Tuấn Sơn(tổng hợp)
Quân đội nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn