Lính Đức học cách sử dụng Panzerfaust. Ảnh: Wikipedia. |
Đối với xe tăng quân Đồng minh trong Thế chiến II, súng chống tăng vác vai Panzerfaust của phát xít Đức là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất, chỉ xếp sau pháo diệt tăng cỡ nòng 88 mm, theo National Interest.
Khẩu súng chống tăng không giật vác vai Panzerfaust được tập đoàn HASAG của Đức phát triển và chế tạo lần đầu vào năm 1943 với tên gọi Panzerfaust 30M Klein nhằm đối phó với lực lượng xe tăng Liên Xô. Cũng trong năm 1943, HASAG cho ra mắt biến thể cải tiến đầu tiên sử dụng đầu đạn lớn hơn để tăng khả năng xuyên giáp.
Súng Panzerfaust có trọng lượng 3,25–8 kg, chiều dài trên một mét, sử dụng cỡ đạn từ 101 đến 149 mm, có thể xuyên thủng lớp giáp thép dày 150-220 mm. Đức sản xuất bốn biến thể gồm Panzerfaust 30M Klein, Panzerfaust 30M, Panzerfaust 60M và Panzerfaust 100M.
Theo chuyên gia quân sự Robert Beckhusen, súng Panzerfaust có thể phóng đạn với vận tốc 45-60 m/s, tầm bắn 60-100 m ở các biến thể Panzerfaust 60M và Panzerfaust 100M. Do tầm bắn hạn chế nên bộ binh Đức thường phải bí mật tiếp cận sát mục tiêu để khai hỏa. Cũng vì giới hạn này mà các đội lính chống tăng Đức chỉ phát huy hiệu quả tối đa trong môi trường đông đúc, nhiều vật cản như thành phố hoặc rừng rậm.
Cơn ác mộng với xe tăng Đồng minh
Theo Beckhusen, một lính Đức trang bị súng Panzerfaust có thể bắn thủng xe tăng quân Đồng minh, kích nổ bình nhiên liệu hoặc đạn dược, tiêu diệt kíp lái bên trong. Kíp tăng chỉ có vài giây để thoát khỏi chiếc xe tăng trúng đạn. Ngay cả khi kịp thoát thân, họ vẫn bị bỏng nặng.
Stuart Hills, một sĩ quan quân đội Anh, là người đã chứng kiến uy lực khủng khiếp của Panzerfaust trong các trận đụng độ đầu tiên ở miền bắc nước Bỉ, trước thời điểm diễn ra chiến dịch Market Garden.
"Xe tăng Sherman của tôi và ba xe khác cùng với đội kỵ binh Sherwood Ranger Yeomanry tấn công thọc sâu vào thành phố Gheel của Bỉ ngày 9/9/1944. Khi trời sáng, một chiếc Sherman cạnh xe tôi bỗng phát nổ và bốc cháy do trúng đạn từ Panzerfaust. Lái xe tử trận, trong khi trưởng xe Jimmy McWilliam kịp nhảy ra ngoài nhưng bị bỏng nặng", Hills viết trong hồi ký.
"Thông thường, chỉ nhờ vào may mắn, bạn mới có thể sống sót khi bị trúng các phát bắn trực tiếp của Panzerfaust. Đầu óc tôi hoảng loạn khi ở vị trí gần nhất, chứng kiến điều đã xảy ra với Jimmy và có thể tôi là nạn nhân kế tiếp. Bởi ở trong xe Sherman, tôi không thể xác định được bất kỳ mục tiêu hay hướng tấn công", Hills kể lại.
Một mảnh đạn sượt qua trán Hills, đánh văng mũ bảo hiểm của ông, nhưng không gây thiệt hại nào khác cho kíp tăng.
Lái xe của Hills cho biết đã nhìn thấy lính bộ binh Đức một giây trước khi quả đạn khai hỏa. Chiếc tăng Sherman của Hills bị vỡ tung lớp giáp bên phải, thủng một lỗ qua bánh xích. Nếu có đầy đủ kíp lái 5 người, lái phụ chắc chắn thiệt mạng, hoặc ít nhất cũng mất chân phải.
Những xe tăng sống sót trong đội kỵ binh Sherwood Rangers Yeomanry rút lui khỏi thành phố Gheel không lâu sau đó.
Theo World Gun, Panzerfaust là một trong số rất nhiều vũ khí mang tính cách mạng của phát xít Đức trong Thế chiến II. Nó trở thành hình mẫu cho mọi dự án vũ khí chống tăng vác vai sau này, trong đó có súng chống tăng đầu tiên của Liên Xô thời hậu chiến là RPG-2.
Đức đã sản xuất vài triệu súng Panzerfaust, khiến nhiều xe tăng Đồng minh bị tiêu diệt bởi loại vũ khí có bề ngoài thô kệch này trước khi bị quân Đồng minh và Hồng quân Liên Xô đánh bại hoàn toàn.
Lính Đức huấn luyện sử dụng Panzerfaust
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn