Đây là một khu vực giàu tài nguyên, và xét trên phương diện lịch sử đã và đang là chiến trường của cạnh tranh địa chính trị.
Do vậy, các nước trong khu vực như Romania, Gruzia hay Ukraine, bên cạnh việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm bảo vệ Biển Đen, còn phải “nhờ cậy” đến các đồng minh ở phương Tây, đặc biệt sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3-2014.
Việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không những liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn mà còn tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen - vốn được coi là “sân sau” của Moscow - khiến nguy cơ đụng độ với tàu chiến của Nga gia tăng mạnh mẽ. Biển Đen đang thực sự “nổi sóng” và không loại trừ khả năng đây sẽ là đấu trường mới để Nga và phương Tây so găng.
Vùng biển chiến lược
Biển Đen trải dài từ phía đông và nam Âu, chạy qua Trung Đông và châu Á. Đây là một vùng nước lớn nằm giữa Biển Caspian và Địa Trung Hải. Biển Đen kết nối với Địa Trung Hải qua 2 eo biển hẹp là Bosporus và Dardanelles, hình thành một tuyến đường biển cổ chai nối liền châu Âu và châu Á. Toàn bộ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính là đường biển phía nam của Biển Đen.
Trong khi đường biển phía bắc nằm trên vùng lãnh thổ của Nga và Ukraine. Đường biển phía đông là bờ biển của Gruzia và vùng Caucasus, trong khi phía tây nằm trên lãnh thổ các quốc gia Balkan gồm Bulgaria, Romania và Moldov.
Với châu Âu, Biển Đen chưa bao giờ là nơi xảy ra các cuộc giao tranh lớn, mà thường đóng vai vùng đệm giữa quân đội các nước. Tuy nhiên, về mặt giao thương, Biển Đen lại đặc biệt quan trọng với châu Âu.
Giờ đây, toàn bộ hoạt động xuất khẩu ở Trung Âu phụ thuộc vào Biển Đen. Các chuyến hàng sẽ theo các con sông đổ thẳng ra Biển Đen và đi ra thế giới. Tuyến đường này rẻ hơn nhiều so với việc đưa hàng đi trên bộ và vận chuyển qua biển Baltic. Việc đóng cửa tuyến đường này, dù là vào bất kỳ lúc nào, cũng là một vấn đề rất lớn cho châu Âu.
Biển Đen là một khu vực đặc biệt nhạy cảm với Nga, bởi đây là lối tấn công duy nhất vào quốc gia này mà không phải đi qua Ba Lan và một loạt nước Bắc Âu khác. Vì Biển Đen gần với vùng Caucasus và nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga, nên kiểm soát nó cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát huyết mạch năng lượng của quân đội Nga.
Kể từ khi sáp nhập Crimea, Nga đã tăng cường triển khai sức mạnh khắp khu vực Biển Đen, và đã có sự thành công đáng kể. Trong khi đó, những nước hàng xóm xung quanh Biển Đen của Nga đang ngày càng tăng cường hợp tác trong các cuộc diễn tập hải quân và thăm cảng, thảo luận về sản xuất quốc phòng chung. Họ muốn gia tăng đối trọng với Nga và không nhường lại quyền kiểm soát hoàn toàn Biển Đen cho Moscow.
Biển Đen từ lâu vốn được coi là “sân sau” của Nga. Bất chấp NATO, Mỹ cũng như phương Tây đang ra sức kiềm chế và gây sức ép buộc điện Kremlin giảm dần ảnh hưởng tại khu vực này, thực tế đang chứng minh điều ngược lại.
Ngay sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga công bố kế hoạch xây dựng lại lực lượng hải quân tại Sevastopol và củng cố đáng kể căn cứ này với việc bổ sung các tàu chiến nổi, tàu ngầm. Nga hiện nay đã “phủ sóng” toàn bộ Biển Đen với một sự kết hợp mạnh mẽ giữa tên lửa chống hạm siêu âm có tầm bắn 600km, máy bay chiến đấu tiên tiến và các tàu ngầm, tàu chiến nổi được trang bị tên lửa hành trình.
Việc Nga tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đen là điều dễ hiểu bởi đây là vấn đề sống còn đối với an ninh của nước này. Kiểm soát Biển Đen cho phép Nga ở thế thượng phong trong toàn bộ khu vực cũng như xung quanh Biển Đen, kể cả đối với đối thủ cạnh tranh địa chính trị cũ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài giá trị phòng thủ của căn cứ Sevastopol ở Crimea, Moscow cũng coi căn cứ hải quân này là có tính quyết định để triển khai sức mạnh hải quân trên toàn cầu, và đang có kế hoạch sử dụng vị thế này để mở rộng sự hiện diện hải quân, mở rộng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Vịnh Ba Tư.
Nguy cơ căng thẳng leo thang
Nhiều chuyên gia đánh giá, Biển Đen trên thực tế là một “cái hồ của NATO”. Nguyên nhân vì hai eo biển Dardanelles và Bosphorous kiểm soát lối ra - vào Biển Đen hiện nay nằm dưới chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO.
Nằm ngay phía nam của hai eo biển này là Biển Aegean, cũng thuộc quyền kiểm soát của NATO. Trong trường hợp xung đột xảy ra, dù Nga có chọc thủng hai eo biển trên thì vẫn vấp phải sự chặn đánh từ Biển Aegean.
Chưa hết, Mỹ cùng các đồng minh trong NATO liên tục đưa hàng loạt tàu chiến tới Biển Đen để tạo đối trọng với sự hiện diện của các tàu chiến Nga. Ngoài việc phô trương thanh thế, hành động này của Mỹ và NATO còn phản ánh một tuyên bố ngầm rằng, Nga không phải là kẻ duy nhất thống trị tại một khu vực có vị trí chiến lược như Biển Đen. Chính Biển Đen có thể trở thành bàn đạp quan trọng để đưa các lực lượng quân sự tấn công nước Nga.
Hiện nay, phương Tây đã bắt đầu phô trương sức mạnh quân sự tại Biển Đen. Thông qua eo biển Dardanelles, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát lối ra vào Biển Đen. Không quân Mỹ cũng có một căn cứ đặt ở căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh các căn cứ không quân ở Hy Lạp, Bulgaria và Romania. Các căn cứ này sẽ giúp hình thành những sức mạnh trên không uy hiếp lực lượng Nga ở Biển Đen.
Lấy cớ bảo vệ các đồng minh ở Đông Âu trước nguy cơ xâm lược từ Nga, các tàu chiến NATO, trong đó có các tàu khu trục tên lửa của Mỹ cùng các quốc gia đồng minh, đã tuần tra Biển Đen trên cơ sở luân phiên và luôn duy trì tàu trong khu vực. Sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại Biển Đen ngay lập tức khiến Nga quan ngại, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng.
Trong một diễn biến mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo rằng Moscow đang biến Biển Đen thành một “cái hồ của Nga”, và kêu gọi Mỹ cùng NATO có một nỗ lực lớn hơn để cạnh tranh quyền kiểm soát Biển Đen. Nga ngay lập tức cảnh báo rằng Biển Đen sẽ không bao giờ là “cái hồ của NATO”.
Bất chấp những lời đe dọa từ Moscow, lực lượng Hải quân Mỹ không những tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen mà còn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn với các quốc gia trong khu vực.
Điển hình là cuộc tập trận chung mang tên “Cơn gió biển” giữa hải quân Mỹ, Ukraine và một số quốc gia đồng minh đã kết thúc vào cuối tháng 7 vừa qua diễn ra tại phía tây bắc Biển Đen trong khu vực Odessa và Nikolayev. Tham gia cuộc tập trận của liên quân do Mỹ đứng đầu gồm có 25 tàu chiến cùng 4.000 quân và nhiều tàu hỗ trợ các loại tham gia các hoạt động quân sự diễn ra tại Ukraine.
Theo giới phân tích, việc tăng cường quân sự tiềm tàng ở Biển Đen có thể là tiền đề cho việc thiết lập “Hạm đội Biển Đen” của NATO, được các quốc gia thành viên thành lập để tiếp cận trực tiếp vùng biển.
Kế hoạch “Hạm đội Biển Đen” của NATO ban đầu được Romania khởi xướng và lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, hợp tác khu vực nhằm tìm cách để cân bằng thách thức từ Nga đang tăng nhanh. NATO và hải quân các nước trong khu vực đang dần nhận ra nhu cầu tăng cường sức mạnh và hợp tác sâu hơn với nhau.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất quốc phòng chung. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù đã có sự cải thiện quan hệ giữa Moscow và Ankara trong thời gian gần đây, quyết không nhường lại quyền kiểm soát Biển Đen cho Nga.
Trong thời gian tới, Nga sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc va chạm với tàu chiến NATO ở Biển Đen do sự xuất hiện và tăng cường sức mạnh lực lượng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, Nga vẫn có khả năng thách thức Mỹ và NATO ở Biển Đen, và định hình hành vi của các lực lượng hải quân Mỹ cùng đồng minh bằng cách tăng chi phí/ tổn thất của cuộc đối đầu.
Và mặc dù các chiến hạm Nga ở Biển Đen đến nay là tương đối nhỏ, thậm chí chỉ là tàu hộ tống, nhưng cũng có sức mạnh lớn hơn nhiều so với các tàu hộ tống của hải quân các nước khác. Vì thế, nếu các bên liên quan không tìm được cơ chế kiểm soát xung đột thì nguy cơ Biển Đen trở thành “đấu trường” mới giữa Nga và phương Tây ngày càng hiện hữu…
Theo Nguyễn Tuyết
An ninh thế giới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn