Tàu chiến Trung Quốc khai hỏa một loại tên lửa diệt hạm trên biển. Ảnh: Chinanews |
Với địa bàn hoạt động trải khắp thế giới và lực lượng đông đảo, hải quân Mỹ hiện nay phải đối mặt với một loạt mối đe dọa trước những vũ khí công nghệ thấp và cao của đối phương trong quá trình tác chiến, theo chuyên gia Kyle Mizokami của National Interest.
Thủy lôi
Thủy lôi được xem như một trong những mối đe dọa công nghệ thấp gây nhiều tranh cãi nhất với hải quân Mỹ bởi nó dễ bị xem nhẹ trong thời bình nhưng nhanh chóng trở thành mối họa lớn nhất với một lực lượng hải quân viễn chinh trong thời chiến.
Trong 30 năm qua, một số tàu chiến trị giá tới vài tỷ USD của Mỹ như khinh hạm Samuel B.Roberts, tuần dương hạm tên lửa dẫn đường Princeton và tàu tấn công đổ bộ Tripoli đã bị vô hiệu hóa bởi những quả thủy lôi có giá chưa tới nửa triệu USD.
Ngày nay, các đối thủ tiềm tàng của Mỹ vẫn sở hữu lượng lớn thủy lôi trong kho vũ khí. Trung Quốc được cho là có khoảng 50.000-100.000 thủy lôi các loại, trong khi quân đội Iran có khoảng vài nghìn quả. Trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào, hải quân Mỹ rất có thể sẽ phải tiếp tục đau đầu tìm cách đối phó với loại vũ khí này.
Tên lửa đạn đạo diệt hạm
Sau khi đầu tư nhiều cho lực lượng tên lửa, Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để tấn công tàu chiến, nhất là tàu sân bay. Sự kết hợp của tên lửa đạn đạo và tên lửa diệt hạm đã trở thành mối đe dọa hoàn toàn mới, khác hẳn bất kỳ vũ khí nào trước đó.
Với ưu thế giá rẻ, tốc độ cao, khả năng cơ động linh hoạt, tên lửa đạn đạo diệt hạm là một mối đe dọa thực sự, có thể khiến tàu sân bay Mỹ trở nên lỗi thời. Một tàu sân bay Mỹ có giá ngang với 1.200 tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D, trong khi chỉ vài quả tên lửa kiểu này có thể làm thiệt hại nặng hoặc đánh chìm tàu sân bay.
Việc phát triển các tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D và DF-26 hiện nay là một mối đe dọa chủ yếu cho các lực lượng hải quân hoạt động gần lục địa Trung Quốc. Đây là hai vũ khí chủ đạo trong chiến lược “chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực” của Trung Quốc nhằm hình thành vùng cấm ở Tây Thái Bình Dương.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể xuất khẩu công nghệ này sang Nga hoặc Triều Tiên, khiến các mối đe dọa này trở nên phổ biến trên toàn cầu.
Tàu ngầm
Sau Chiến tranh Lạnh, hải quân Mỹ gần như bỏ quên mảng tác chiến chống ngầm, cộng thêm việc tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố trên bộ sau sự kiện 11/9 đã khiến năng lực chống ngầm của họ bị suy yếu. Việc máy bay săn ngầm S-3 Viking bị nghỉ hưu, chương trình thay thế máy bay P-3C Orion bị trì hoãn, tàu hải quân thiếu các vũ khí và cảm biến chống ngầm mới cùng sự thiếu kinh nghiệm tác chiến chống ngầm khiến hải quân Mỹ gặp nhiều khó khăn khi đối phó tàu ngầm đối phương.
Trong 4-6 năm trở lại đây, hải quân Mỹ đã chú trọng hơn tới mối đe dọa từ tàu ngầm. Việc chính phủ Trung Quốc và Nga phát triển hạm đội tàu ngầm trong khi Triều Tiên dường như đã quyết định trang bị tên lửa đạn đạo cho tàu ngầm buộc Lầu Năm Góc phải quan tâm đến năng lực tác chiến chống ngầm.
Tên lửa diệt hạm siêu thanh
Tác chiến hải đối hải đã có từ 25 năm trước và càng được quan tâm hiện nay khi tên lửa diệt hạm trở nên phổ biến trên toàn thế giới với khả năng bay nhanh và mức sát thương lớn chưa từng có.
Tên lửa hành trình diệt hạm YJ-18 của Trung Quốc ước tính có tầm bắn hơn 466 km và hành trình giai đoạn cuối với vận tốc 850-1.020 m/s trong khi Nga cũng có khả năng phát triển vũ khí tương tự.
Tầm bắn của các vũ khí như tên lửa YJ-18 khiến hải quân Mỹ phải tăng cường cảnh giới và sẵn sàng tấn công phủ đầu đánh chìm tàu ngầm, tàu chiến đối phương trang bị vũ khí này. Một lựa chọn khác là bắn hạ tên lửa này ngay khi nó được phóng, nhưng với vận tốc hành trình 1020 m/s ở độ cao 14 m của nó, hải quân Mỹ có rất ít thời gian để khắc chế.
Vũ khí laser
Vũ khí laser có thể mở ra kỷ nguyên hoàn toàn mới trong chiến tranh, tương tự như sự xuất hiện của tên lửa dẫn đường. Dù vũ khí này phải mất nhiều thời gian nữa mới phát triển được, việc các đối thủ Mỹ trang bị các vũ khí năng lượng cao sẽ là một mối họa lớn trong tương lai.
Theo Lầu Năm Góc, lợi thế của vũ khí laser là tĩnh lặng và hầu như vô hình, chi phí mỗi lần khai hỏa thấp và là một vũ khí không thể né tránh bởi nó di chuyển với tốc độ ánh sáng.
Nga và Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ laser, bởi vậy các vũ khí laser sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Vũ khí laser cũng có thể rơi vào tay các lực lượng khủng bố và gây hại cho hải quân Mỹ hoạt động trên biển, bởi vũ khí này có thể khai hỏa nhiều lần vào một mục tiêu chỉ trong vài giây.
Xem thêm: Tên lửa Trung Quốc thổi bùng tranh cãi về số phận tàu sân bay Mỹ
Duy SơnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn